Giá USD tăng trở lại, tiếp tục gây áp lực lên thị trường
Giá đồng USD tăng khi rủi ro tăng
Theo TTXVN, đồng USD đầu phiên 21/11 đứng ở mức 140,26 yen đổi 1 USD từ mức 137,67 yen đổi 1 USD trong tuần trước. Trong khi đồng euro duy trì ở mức 1,0327 USD đổi 1 euro, thấp hơn mức cao nhất 1,1481 USD đổi 1 euro trong 4 tháng qua.
Chỉ số USD được xem là thước đo “sức khỏe” của USD so với các đồng tiền khác, đã tiến đến 0,131% đạt 107,03 vào sáng 21/11, sau khi chứng kiến mức tăng hàng tuần cao nhất trong 1 tháng vào tuần trước.
Nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc tìm đến những kênh trú ẩn an toàn như USD sau những thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, trong đó có việc nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau gần nửa năm.
Ngoài ra, những bình luận khá “diều hâu” từ các quan chức Fed cũng giúp đồng USD ổn định trở lại sau những ngày giảm vào đầu tháng. Các nhà đầu tư cũng rất chú ý tới cuộc họp tháng 11 dự kiến vào ngày 23/11, kỳ vọng rằng sẽ biết rõ kế hoạch tăng lãi suất của ngân hàng này là như thế nào.
Bất lợi đối với các thị trường châu Á
Theo nhận định của giới quan sát, những báo cáo về sự sụt giảm của đồng bạc xanh có thể đã bị phóng đại, và đây là một tin tiêu cực với châu Á.
Trong tháng 10, chứng khoán thế giới đã hồi phục mạnh, lợi suất trái phiếu cùng đồng USD giảm, và những điều kiện tài chính đã bớt căng thẳng hơn khi giới đầu tư cho rằng Fed chuẩn bị thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại.
So với mức thấp nhất hôm 13/10, chỉ số chứng khoán MSCI thế giới tăng 15%, còn chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương, tăng 15% trong 1 tháng qua và đang hướng đến tháng tăng tốt nhất từ năm 2009.
Các ngân hàng cũng bắt đầu báo cáo triển vọng năm 2023. Các nhà phân tích ngoại hối tại Morgan Stanley hay HSBC thuộc số những người nhận định rằng đồng bạc xanh đang đạt đỉnh và sẽ giảm vào năm sau.
Thế nhưng, không có gì bất ngờ nếu đồng USD tiếp tục tăng tới hết năm nay khi các quan chwucs Fed tỏ ra “diều hâu” hơn.
Điều đó càng khiến vấn đề mà thị trường và các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong cả năm rõ ràng hơn như những yêu cầu về can thiệp thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái xuống mức thấp, sức ép lạm phát lớn hơn, tăng lãi suất trong nước…
Nếu Fed không dừng lại chu kỳ tăng lãi suất, đa số các ngân hàng trung ương châu Á cũng sẽ không làm như vậy. Tuy Nhật Bản hay Trung Quốc đang đi ngược dòng, nhưng đồng nội tệ của họ đang chịu tác động lớn từ việc Fed thắt chặt tiền tệ.
Hãng tin Reuters cho biết đa số các nhà kinh tế đều dự báo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc BoK sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đạt mức 3,25%.
Khi giá dầu và hàng hóa toàn cầu giảm, các nhà hoạch định chính sách của BoK và các ngân hàng trung ương khu vực sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng này có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn mức dự kiến, khi Fed “diều hâu” và những người đầu tư đồng USD có thể chi phối thị trường.