Gia Lâm lên quận cũng khó để giá bất động sản “nhảy múa” như trước
Theo Lao Động, sát ngày lên quận, môi giới bất động sản Gia Lâm dường như tất bật hơn bình thường. Thị trường nhộn nhịp với nhiều người hỏi mua đất ngay khi có thông tin Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã thông qua chủ trương lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng của huyện Gia Lâm, diện tích tự nhiên hơn 116 km2, dân số hơn 300.000 người.
Sau khi được Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình lên trung ương vào tháng 12/2023
Trên trang Batdongsan.com.vn, khảo sát giá đất huyện Gia Lâm cho thấy mức giá tại đây rất rộng. Theo đó, một tài khoản tên Nguyễn Quang Phương rao bán đất nền tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) với lời giới thiệu là mức giá này “cực kỳ hợp lý”.
Lô đầu tiên có diện tích 46m2 với 5m mặt tiền, 5m mặt hậu, đường 2m có giá bán 36 triệu đồng/lô. Lô 2 diện tích 65m2 với mặt tiền 3,5m hậu 3,5m, đường 3m có giá 38 triệu đồng/m2. Lô 3 diện tích 41m2 với mặt tiền 4m, hậu 4m, đường 3m cách trục chính 25m, có giá bán 2 tỷ 250 triệu đồng. Lô 4 diện tích 40m2 với mặt tiền 4m hậu 4m, đường 2,7m có giá 1,8 tỷ đồng.
Cũng trên địa bàn xã, một lô góc 2 mặt tiền diện tích 57m2 với mặt tiền 4,5m, hậu 4,5m, trên đất xây sẵn nhà cấp 4 kinh doanh nhỏ lẻ hoặc cho thuê, hướng Tây có giá bán 2,8 tỷ đồng.
Một lô đất gần UBND xã Kim Sơn, sát Quốc lộ 181, diện tích 79m2, mặt tiền 5,5m, vỉa hè 2,5m có đường 2 oto tránh, đang rao bán với giá gần 3 tỷ đồng, tương đường 38 triệu đồng/m2.
Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng có giá chào bán từ 100 - 120 triệu đồng/m2 từ vài năm trước, hiện đang được rao bán từ 180 - 220 triệu đồng/m2. Một số xã lân cận như Đa Tốn, Đông Dư, Đặng Xá có giá đất từ 40 - 50 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với 3 năm trước.
Theo một môi giới khu vực, đất thổ cư ít khi sốt ảo. Tại Gia Lâm, đặc biệt là các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư được hưởng nhiều lợi ích từ thông tin lên quận và dự án Vincity, do đó giá đất tăng theo từng năm.
Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - Ông Nguyễn Thế Điệp nhận xét, về mặt quy hoạch, huyện Gia Lâm có mật độ xây dựng với không gian xanh rộng hơn nhiều các quận khác. Bên cạnh đó, địa phương còn được 2 con sông vây quanh và hệ thống giao thông có sự kết nối với những tuyến đường lớn. Do đó, tiềm năng phát triển tại Gia Lâm còn rất lớn.
Ông Điệp cho rằng, hạ tầng của cả Long Biên và Gia Lâm đều nhận lợi ích trực tiếp từ loạt dự án chung cư, khu đô thị nằm tại phía Đông thành phố. Nhiều “ông lớn” địa ốc đã rót hàng nghìn tỷ đồng để phát triển các dự án tại đây.
Thực tế trước đây, khi có thông tin huyện Gia Lâm lên quận, giá bất động sản khu vực liên tục “nhảy múa”. Cụ thể, giá đất khu vực Trâu Quỳ (Gia Lâm) có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, còn mức trung bình cũng từ 80 - 90 triệu đồng/m2.