Giá đất ven biển Quảng Ngãi biến động mạnh, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo
BÀI LIÊN QUAN
CEO bất động sản chỉ ra 3 điểm cốt lõi trong việc sốt đất ở Lâm ĐồngHết quý IV/2022, Hà Nội sẽ xử lý xong các dự án “ôm đất vàng”Sợ “để tiền trong túi là mất”, người dân khu vực miền Nam “ráo riết” săn đất nền giá rẻ ở tỉnhNgười dân nghỉ ra khơi vì giá đất tăng vọt
Từ đầu năm đến nay, khi có thông tin xây dựng dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh và đường cao tốc Bắc Nam, giá đất tại các xã phường ven biển như Phổ An, Phổ Quang, thị xã Đức Phổ hay xã Bình Châu, huyện Bình Sơn biến động mạnh. Những “cơn sóng” xuất hiện liên tục khiến không ít nhà đầu tư về đây gom đất để “lướt sóng”. Hiện giá đất ở khu vực này đang giao dịch ở mức 12 – 16 triệu đồng/m2, tăng gấp hai đến ba lần so với thời điểm trước Tết.
Anh Nguyễn Như Hoà, một nhân viên môi giới bất động sản ở Quảng Ngãi cho hay, những con đường song song với biển tại xã Phổ An hầu như không thể mua được lô đất nào của người dân. Chủ yếu đã qua tay các nhà đầu tư F1,F2 nên giá cũng tăng phi mã. Còn dọc theo tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh thì các nhà đầu tư đã gom hàng từ tháng trước. Họ chỉ chờ tuyến đường này xây dựng là bán ra với giá cao hơn.
Theo ghi nhận, xã Phổ An cách cảng Mỹ Á chừng 10km, người dân chủ yếu làm nghề đi biển. Cuộc sống của họ đã xáo trộn nhiều từ khi “sốt đất” xuất hiện. Nhiều người dân trước đây bám biển, đánh bắt cá nay đã trở thành “cò đất” chuyên nghiệp hoặc nghỉ ra khơi vì đá bán được đất với giá cao.
“Mảnh này rộng 500m2, trong đó có 100m2 đất ở còn lại là đất vườn ao, có giá 2 tỷ. Nếu anh thiện chí mua thì cọc cho em 50 triệu. Chủ đất cần tiền nên muốn bán nhanh, chỉ vài tuần nữa sẽ không có giá dưới 3 tỷ”, Hoà nói.
Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai ở các vùng ven biển Quảng Ngãi tăng mạnh khiến Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Bình Sơn chỉ tiếp cận và trả kết quả đáp ứng khoảng hơn nửa khối lượng hồ sơ. Trong khi đó, tại thị xã Đức Phổ, số lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai thực hiện thủ tục hành chính tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Chi nhánh này cũng vừa bố trí thêm 2 người làm công việc nhận, trả hồ sơ và làm việc cả ngày thứ 7 để xử lý công việc cho người dân.
“Sốt đất” tràn lan ở các khu vực ven biển khiến người dân bỏ việc đi làm “cò đất”. Bằng những chiêu trò đẩy giá, không ít người đã đầu tư tiền vào những dự án chưa đủ điều kiện giao dịch hoặc mua đất nền chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thể cấp đổi sổ đỏ. Qua xác minh của cơ quan chức năng, nhiều mua bán chỉ được giao dịch bằng hợp đồng đặt cọc, sau đó dùng chính thửa đất ấy đi rao bán với giá cao hơn.
Đủ chiêu trò lừa đảo
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, qua nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng cơn sốt đất và tính thanh khoản tốt đã tạo ra những chiêu trò nhằm chiếm đoạt tài sản người khác. Một số vụ việc điển hình vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý như ông Nguyễn Văn Tr. (33 tuổi) bán đất “ma” để lấy tiền đặt cọc gần 200 triệu rồi “lặn”; ông Nguyễn Văn H. (31 tuổi) không giao dịch theo giấy uỷ quyền mà chuyển tên quyền sử dụng đất sang tên mình sau đó mang đi rao bán. Mới đây, Công an TP Quảng Ngãi đã bắt giữ một nhóm nhân viên của công ty đấu giá Hợp Danh cấu kết với các đối tượng làm giả hồ sơ đấu giá đất, sử dụng giấy tờ giả lừa bán cho nhiều người dân để chiếm đoạt tiền.
Không chỉ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác trong giao dịch đất đai, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều đối tượng còn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các giao dịch mua bán. Các loại giấy tờ này được làm giả rất tinh vi và lừa được người dân, nhưng đã không thể qua mặt được các văn phòng công chứng và cơ quan chức năng.
Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ để thực hiện công chứng chuyển nhượng đất, có không ít trường hợp đủ giấy tờ từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ, con dấu, chữ ký… Tuy nhiên, khi các cán bộ kiểm tra hồ sơ gốc thì phát hiện đây là giấy tờ giả. Điểm dễ nhận thấy nhất là con dấu tròn đều, mực sạch, không lem trong khi nếu là giấy tờ thật thì chữ ký có nét đậm, nét nhạt chứ không thể đều, sắc sảo từ đầu đến cuối.
“Qua theo dõi, nguyên nhân giá đất ven biển trên địa bàn diễn biến bất thường do môi giới bất động sản dùng các chiêu trò thổi giá. Họ sử dụng facebook, zalo thông tin thất thiệt về quy hoạch, triển khai dự án, mở rộng giao thông, xây dựng khu đô thị… khiến nhiều người nhầm tưởng giá đất đang tăng cao thật.
Trước khi thực hiện giao dịch mua bán, đặt cọc người dân phải tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp của chủ sở hữu và các giấy tờ liên quan. Nhiều đối tượng làm giả hồ sơ rất tinh vi và ăn theo tâm lý “sợ bỏ lỡ cơ hội” của các nhà đầu tư trong việc mua đất nhanh dẫn đến nhiều người ôm trái đắng”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.
Trong khi đó, theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, hiện mức giá nền trên địa bàn tăng hơn 30% so với năm ngoái. Điều đáng nói, các giao dịch trong 4 tháng đầu năm tăng liên tiếp (hơn 7.000 hồ sơ mua bán) nhưng hàng tồn kho các dự án bất động sản lại còn rất nhiều. Chưa kể một số dự án do vướng mắc các quy định pháp luật nên thời gian thực hiện kéo dài, tăng chi phí đầu tư và khó “cán đích” như kỳ vọng nhà đầu tư.
“Thực tế nhu cầu mua ở thực của người dân rất ít, chủ yếu là giao dịch giữa các nhà đầu tư, tạo nên cơn sốt ảo ngắn hạn. Nếu người dân không tìm hiểu kỹ rất dễ mắc bẫy”, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Để ngăn chặn tình trạng “thổi giá” đất tăng cao, không tương xứng với giá trị thật, gây nhiều hệ luỵ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm soát thị trường; kiểm tra ngăn chặn, xử lý việc mua bán, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là khu vực ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh và đường cao tốc Bắc Nam.