FLC cùng 12 năm thăng trầm trên sàn chứng khoán: Từ vua thanh khoản cho đến bị hủy niêm yết cùng khoản lỗ 1.900 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC Faros (ROS) là ai?FLC GAB chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường, FLC Faros bầu lãnh đạo mớiĐại hội cổ đông bất thường lần 3 của FLC Faros: Chưa thể nói trước thời điểm cổ phiếu được giao dịch trở lạiTheo Nhịp sống thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC). Theo như quyết định, toàn bộ gần 710 triệu cổ phiếu của tập đoàn sẽ chính thức bị hủy niêm yết kể từ ngày 20/2/2023.
Đáng chú ý, HoSE cũng đưa ra nguyên nhân là do Tập đoàn FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin cùng với những trường hợp khác mà theo Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để có thể bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Liên quan đến vấn đề này, HoSE cũng bổ sung, cho đến nay FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng tính từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021. Đồng thời, công ty này cũng chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2021, chưa chọn lọc được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho năm 2022. Trước đó, cổ phiếu FLC cũng đã bị HoSE ra quyết định chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022.
Từ tháng 10/2011, cổ phiếu FLC niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đến ngày 6/8/2013 thì chuyển sang giao dịch trên sàn HoSE. Như vậy, FLC đã phải rời sàn HoSE sau khoảng 9 năm rưỡi gắn bó.
Tài sản tăng phi mã từ 200 tỷ lên gần 40.000 tỷ sau 10 năm nhưng vẫn nhận “cái kết đắng”
Nhớ lại thời điểm năm 2010, Công ty Cổ phần FLC đã chính thức ra đời từ việc hợp nhất các công ty thành viên. Đến tháng 11 cùng năm, công ty này đổi tên thành CTCP Tập đoàn FLC. Từ mức doanh thu và lợi nhuận lẹt đẹt chỉ vài chục tỷ, trong giai đoạn 2010-2015 FLC đã báo cáo sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng mức tăng trưởng hàng năm tính bằng lần. Thậm chí, Tạp chí Forbes từng nhận xét sự tăng trưởng thần kỳ của FLC trong giai đoạn này là “câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản”.
Năm 2015, lợi nhuận của Tập đoàn FLC đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.161 tỷ đồng. Năm 2016 chính là thời kỳ đỉnh cao của FLC khi công ty ghi nhận doanh thu 6.136 tỷ đồng nhưng lại lãi trước thuế 1.319 tỷ đồng. Đến năm 2017, doanh thu của FLC tăng trưởng 83% so với năm trước, đạt 11.217 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty lại giảm 58%, xuống chỉ còn 551 tỷ đồng. Cho đến năm 2019, doanh thu của FLC vẫn không ngừng tăng trưởng. Đồng thời, đây cũng là năm FLC ghi nhận doanh thu cao nhất trong lịch sử với 15.781 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trong năm này là 783 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu đảo chiều kể từ năm 2020 trở đi, doanh thu và lợi nhuận của FLC liên tục sụt giảm. Cụ thể, doanh thu năm 2020 đã giảm 15% còn năm 2021 giảm 50%. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 163 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2022, ông Trịnh Văn Quyết – nguyên chủ tịch Tập đoàn FLC đã bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cộng thêm nhiều yếu tố khác tác động, bao gồm cả ảnh hưởng từ tình hình chung của thị trường kinh doanh bất động sản cũng như sự thay đổi trong chính sách dành cho các khách hàng đầu tư và thay đổi của các lãnh đạo chủ chốt, cùng việc FLC đang trong quá trình tái cấu trúc bộ máy và các mảng kinh doanh cốt lõi khiến công ty rơi vào tình trạng thua lỗ.
Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của FLC là 2.091 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 63%. Công ty lỗ trước thuế 1.888 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá gốc là 4.015 tỷ đồng cũng đang bị lỗ 1.269 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều dự án nghìn tỷ của tập đoàn cũng bị các địa phương thu hồi. Ví dụ, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành thu hồi toàn bộ 9 dự án đã được cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 18.000 tỷ đồng; tỉnh Hòa Bình cũng chấm dứt hoạt động của dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng cùng sân golf Yên Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 2.883 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa chấm dứt hoạt động dự án Khu công nghiệp Hoàng Long; tỉnh Kon Tum, đồng thời thu hồi hai dự án Nông nghiệp công nghệ cao FAM - Kon Tum và Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen (huyện Kon Plông).
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn FLC đã có nhiều biến động. Mới đây, FLC đã công bố về việc triệu tập phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023. Phiên họp này có nội dung chính mà FLC dự kiến trình cổ đông tại đại hội đó là việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Đặng Tất Thắng và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi ông Nguyễn Mạnh Cường cùng bà Trần Thị Mỹ Dung có đơn xin từ chức vì lý do cá nhân, hiện bộ phận Kiểm toán nội bộ của FLC đã không còn bất kỳ ai.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ 2010-2020, quy mô vốn của FLC đã tăng trưởng liên tục. Tổng tài sản của tập đoàn tính đến cuối năm 2020 là 38.465 tỷ đồng cùng 13.293 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, lần lượt gấp 163 lần và 61 lần so với năm năm 2010. Năm 2021, tổng tài sản của FLC chỉ còn 33.787 tỷ đồng, rồi tăng trở lại trong năm 2022. Tính đến ngày 31/10/2022, FLC có 36.216 tỷ đồng tổng tài sản, vốn chủ sở hữu giảm về 7.945 tỷ đồng.
Hành trình 12 năm thăng trầm trên sàn chứng khoán
Thành lập vào năm 2010 và liên tục mở rộng quy mô, đến tháng 4/2011, Tập đoàn FLC chính thức nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để trở thành công ty đại chúng. Ngày 5/10/20211, FLC chính thức niêm yết 10 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đồng thời đánh dấu bước đi đầu tiên trên sàn chứng khoán.
Thời gian đó, cổ phiếu FLC đã tạo nên cơn sốt khi tăng nóng liên tục trong một thời gian ngắn, sau đó quay đầu chóng vánh ở đỉnh. Tháng 9/2012, FLC rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, sau đó cứ quanh quẩn ở vùng đáy trong một năm trước khi nổi sóng trở lại.
Tháng 8/2013, FLC chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ sàn HNX sang sàn HoSE. Gần một năm sau đó, cổ phiếu này đã được thêm vào rổ chỉ số quan trọng, trong đó phải kể đến VN30 – nhóm 30 cái tên vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Thời điểm đó, FLC còn được hàng loạt quỹ ngoại “ưu ái”, trong đó nổi bật nhất phải là 2 tên tuổi lâu năm trên thị trường V.N.M ETF và FTSE ETF.
Tuy nhiên cũng kể từ đây, FLC bắt đầu hành trình trượt dài của mình. Trong nhiều năm, cổ phiếu FLC ngụp lặn dưới mệnh giá nhưng vẫn là một trong những cái tên được quan tâm nhất trên sàn chứng khoán, thanh khoản thường xuyên nằm trong top đầu của thị trường.
Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc trong những năm sau đó, từ mức khiêm tốn 100 tỷ đồng khi chào sàn HNX, vốn điều lệ của FLC đã tăng 71 lần sau 9 năm, đến năm 2019 là 7.100 tỷ đồng. Cho đến nay, FLC không tăng vốn mà dồn toàn bộ nguồn lực cho tham vọng chiếm lĩnh hàng không cùng cái tên Bamboo Airways.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến 2 mảng chính của FLC là bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không. Kết quả kinh doanh của công ty lao dốc, tham vọng lên sàn chứng khoán của Bamboo Airways và FLC Homes cũng dần biến mất.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, cổ phiếu FLC cùng nhiều công ty có liên quan như ROS, HAI, AMD, KLF và GAB lại bất ngờ nổi sóng và tạo ra cơn sốt kéo dài kể từ năm 2021 cho đến đầu năm 2022. Các cổ phiếu “họ” FLC đã đồng loạt tăng nóng trong nhiều tháng, đưa các cổ đông “về bờ” sau hàng thập kỷ chờ đợi. Đúng lúc này, biến cố một lần nữa xảy ra.
Đúng phiên cổ phiếu này quay đầu từ trần xuống sàn ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui vụ bán chui khoảng gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Nhóm cổ phiếu “họ” FLC kể từ đây bắt đầu tụt dốc không phanh, rơi xuống vùng đáy lịch sự. Đặc biệt, khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh thao túng thị trường chứng khoán, FLC và các công ty thành viên cũng liên tiếp vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng việc cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết được coi là dấu chấm hết cho một hành trình thăng trầm, từng tốn nhiều giấy mực của báo chí và truyền thông của cổ phiếu từng một thời “làm mưa làm gió” trên sàn chứng khoán.