Dự báo doanh thu là gì? Vai trò của dự báo doanh thu
1. Dự báo doanh thu là gì?
Trong tiếng Anh dự báo doanh thu được gọi là Revenue forecast, được hiểu là kế hoạch doanh thu trong từng thời kì nhất định (thường là theo quý hoặc theo năm). Mặc dù các công ty, doanh nghiệp thường vạch ra dự báo doanh thu trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 năm nhưng đây cũng chỉ là những dự báo mang tính tương đối vẫn có thể xảy ra sự biến động chứ không thể chính xác 100% như những gì dự báo đưa ra.
2. Cơ sở để đưa ra dự báo
Dự báo doanh thu là cơ sở để đưa ra các dự báo khác, doanh thu của doanh nghiệp rất quan trọng và phải được đưa ra dự trên các cơ sở như sau:
Doanh thu trong quá khứ của doanh nghiệp (thường xét từ 1 – 5 năm trước đó)
Khả năng và sản lượng sản xuất của nhà máy cũng như các yêu cầu về sản phẩm
Những yếu tố ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Ví dụ như dự báo về nhu cầu sử dụng xe ô tô điện của mọi người, nhu cầu này có thể phụ thuộc vào một số yếu tố cụ thể như sau:
- Thu nhập bình quân đầu người nếu như tăng sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng ô tô cũng sẽ tăng theo và mọi người sẽ mua ô tô nhiều hơn.
- Cuộc sống ngày càng hiện đại mọi người hướng đến việc bảo vệ môi trường nhiều hơn khiến cho việc hướng đến sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường không thải khí thải ra ngoài như ô tô điện được ưu tiên.
- Sự biến động của giá xăng dầu khiến thậm chí có thời điểm nhà cung cấp không đủ trữ lượng để đổ xăng dầu nên nhiều ô tô phải để nhà, do đó, việc sử dụng ô tô điện với giá rẻ thì được ưu ái hơn so với việc sử dụng xe chạy bằng xăng.
- Hiện nay, Việt Nam đang cố hòa nhập vào sự phát triển của thế giới nên xu hướng sản xuất xe điện không hề mới lạ. Mới đầu là VinFast nhưng trong tương lai sẽ còn nhiều hãng xe khác cũng hướng đến việc sản xuất xe điện.
Trên đây là những yếu tố cho thấy nhu cầu sử dụng xe ô tô điện sẽ tăng nhanh trong tương lai, trước mắt, chính là việc sắp xuất hiện một hãng xe taxi điện mang đến cho khách hàng những chuyến đi giá rẻ mà lại cực kì bảo vệ môi trường vì không khí thải.
Việc đánh giá được tổng cầu trong tương lai của dòng xe điện vô cùng quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất, số lượng sản xuất xe chứ không phải chỉ là những đánh giá đơn giản, cơ bản. Nếu như đánh giá không chính xác sẽ dẫn tới việc sản xuất quá nhiều không có người mua hoặc sản xuất ít thiếu hàng trong khi nhu cầu mua rất nhiều. Đồng thời, sản phẩm cũng phải đảm bảo về mặt chất lượng vì nếu không đủ tốt sẽ tạo thói quen cho khách hàng tìm đến những nhà sản xuất khác uy tín hơn.
3. Công cụ dự báo
Để dự báo doanh thu của doanh nghiệp có rất nhiều công cụ được sử dụng với những cách tiếp cận khác nhau như sử dụng phân tích hồi qui, kĩ thuật này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thống kê và tìm ra mối quan hệ giữa các biến số từ đó đưa ra những dự đoán giá trị có thể đạt được trong tương lai.
Trong trường hợp công ty phân tích dựa vào việc sử dụng logic đơn giản và thấy doanh thu có thể sẽ tăng vượt mức doanh thu thì phân tích hồi qui sẽ được dùng để đưa ra những dự báo chính xác hơn về doanh thu của doanh nghiệp trong tương lai. Đối với công ty khởi nghiệp sẽ không có quá nhiều dữ liệu để phân tích thì nên dùng dự báo dữ liệu hàng tháng để tính toán.
4. Vai trò của dự báo doanh thu đối với doanh nghiệp
Đối với mỗi lĩnh vực cụ thể khác nhau thì việc dự báo doanh thu cũng có thể được gọi là một chỉ báo về những gì có thể xảy ra trong trong tương lai. Vì thế, những dự báo doanh thu của doanh nghiệp sẽ thông báo cho mỗi người biết được số lượng sản phẩm có khả năng bán được trong một khoảng thời gian tương lai đối với thị trường đích.
Việc dự báo doanh thu của doanh nghiệp đóng vai trò cực kì quan trọng và là một điều cực kì cần thiết để doanh nghiệp có thể tính toán được số lượng sản phẩm mà họ sẽ sản xuất và thời điểm nào là phù hợp nhất để tung sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, một số công ty sẽ sản xuất thông qua đơn đặt hàng từ trước nên cần phải có sự tính toán về việc nhập các nguyên vật liệu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất đó.
Dự báo thu của doanh nghiệp có nhiệm vụ ước tính số lượng và chất lượng công việc trong tương lai. Đây là một trong những cơ sở để doanh nghiệp đó nhận đơn sản xuất với khách hàng và đưa ra được cam kết về thời gian trả hàng, sản phẩm chất lượng, số lượng giao hàng…
Hay hiểu theo cách đơn giản nhất thì dự báo doanh thu của doanh nghiệp là ước tính được số lượng và tiềm năng bán hàng của công ty trong tương lai mà doanh nghiệp mong muốn đạt được và có thể đạt được. Dựa vào các dự báo này để đưa ra kế hoạch sản xuất chính xác, số lượng nhân lực cần huy động để sản xuất, những loại máy móc cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất cũng như các chi phí cần thiết cho quá trình sản xuất.
Do đó, việc dự báo doanh thu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển của một doanh nghiệp trong tương lai. Thông qua dự báo doanh thu, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện được các khâu từ lên kế hoạch sản xuất, điều động nhân lực, phân phối sản phẩm ra thị trường… Vì thế, những dự báo này cần phải có sự phân tích chính xác dựa trên các kết quả thực tế từ những năm trước. Đồng thời, dự báo doanh thu phải ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với từng thời kì, từng đối tượng thực hiện.
Tương lai là điều không ai có thể nói trước hoặc đoán trước nhưng những dự báo doanh thu được đưa ra đều phải dựa trên các cơ sở dữ liệu phân tích chứ không phải chỉ là những dự báo mang tính chủ quan. Bên cạnh đó, các dự báo về doanh thu sẽ do các bộ phận tổng hợp lại chứ không chỉ có số liệu của một bộ phận đơn lẻ để làm nên được những dự báo doanh thu chính xác. Chỉ cần dự báo có sai sót thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp, nếu như dự báo đưa ra nhu cầu ít nhưng trên thực tế nhu cầu lại cao thì sẽ sản xuất thiếu sản phẩm và ngược lại nhu cầu thực tế thấp mà lại đưa ra dự báo nhu cầu cao thì sẽ sản xuất thừa sản phẩm. Đây là một trong những điều cấm kị của việc dự báo thiếu chính xác vì sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống và bộ máy.
5. Các yếu tố ảnh hưởng tới dự báo doanh thu của doanh nghiệp
Một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến dự báo doanh thu của doanh nghiệp khiến cho việc dự báo đi chệch hướng có thể kể đến như sau:
- Thứ nhất là đối thủ cạnh tranh: Dựa trên một số yếu tố để đánh giá các đối thủ đang tồn tại và sẽ xuất hiện trên thị trường trong tương lai. Cần phải phân tích được về cách thức hoạt động, chất lượng sản phẩm và các sản phẩm do đối thủ sản xuất có điểm mạnh và điểm yếu gì để bổ sung vào sản phẩm của mình. Đồng thời, nếu có những đối thủ mạnh mới xuất hiện trên thị trường thì cần phải dung hòa, điều phối sao cho phù hợp để không bị lu mờ.
- Thứ hai thay đổi trong doanh nghiệp: Một số doanh nghiệp sẽ có những tthay đổi trong quá trình dự báo doanh thu của mình. Ví dụ như áp dụng các công nghệ mới giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, hoặc cũng có thể là khối lượng nhân công nghỉ nhiều làm trì trệ quá trình sản xuất.
- Thứ ba chính sách của Chính phủ: ở mỗi thời điểm khác nhau chính phủ sẽ có những chính sách cụ thể đổi với từng lĩnh vực, ngành nghề. Ví dụ như ngành bất động sản hiện nay đang gặp khá nhiều vấn đề rắc rối cần phải tháo gỡ sao cho phù hợp.
- Thứ tư nhu cầu của người tiêu dùng: Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc đưa ra dự báo hoặc khiến dự báo đi chệch hướng. Ví dụ như với sản phẩm kem chống nắng được sản xuất với mục đích tung ra vào mùa hè nắng nóng nhưng đúng năm đó thời tiết không quá khắc nghiệt như nhà sản xuất dự đoán nên khách hàng cũng không có nhu cầu mua kem chống nắng nhiều. Thay vào đó họ chuyển sang các sản phẩm áo đi nắng, xịt khoáng thậm chí có những người chuyển sang đi xe buýt hoặc ô tô để tránh nắng mưa.
Dự báo doanh thu là kế hoạch cực kì cần thiết đối với mỗi công ty, doanh nghiệp để có thể xây dựng được những hướng phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp, tránh tình trạng sản xuất tràn lan không có người mua gây thiệt hại lớn về doanh thu.