Dự án bất động sản “bung hàng” sớm đón sóng tiền gửi đáo hạn
Chủ đầu tư mở bán rỏ hàng mới
Theo vnbusiness.vn, kể từ cuối tháng 6, thị trường liên tục có những rỏ hàng mới khi các chủ đầu tư liên tục “bung hàng”. Tại TP. HCM có thể thấy các dự án đang rầm rộ mở bán như Avatar Thủ Đức, Glory Heights, 9X An Sương, Lumiere Boulevard, Zenity, The Sholi,…
Bất chấp khó khăn vẫn đang hiện hữu, các dự án mở bán mới vẫn nhận nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Chẳng hạn dự án mới mở bán của Vinhomes ở Thủ Đức, theo thông tin từ một đại lý, chỉ sau 2 ngày đã nhận được khoảng 1.000 lượt đặt trước.
Tương tự, một dự án của Nam Long tại Bình Chánh đã chính thức tung ra giỏ hàng mới với chính sách thanh toán dàn trải 40%, thanh toán thành 7 đợt trong vòng 12 tháng cùng với mức hỗ trợ lãi suất cao. Chủ đầu tư Masteri Homes cũng chính thức tung chính sách ưu đãi mới cho dự án tại Thủ Đức.
Trong khi tại Hà Nội, nhiều chủ đầu tư tiếp tục đẩy hàng ra thị trường như Hưng Thịnh mở bán tòa tháp thứ ba tại Residences Linh Đàm (Hoàng Mai), Taseco Land mở bán dự án ở Bắc Từ Liêm với giá bán từ 3.000 - 4.000 USD/m2, KITA Group có kế hoạch “bung hàng” mới ở Ciputra...
Đặc biệt, ngoài việc mở bán rỏ hàng mới, các chủ đầu tư cũng liên tục tổ chức những sự kiện nhỏ hàng tuần, đưa khách tham quan nhà mẫu cùng nhiều chính sách ưu đãi nhằm hâm nóng thị trường.
Hàng loạt dự án địa ốc đua nhau mở bán chính là một điểm sáng tích cực cho thị trường bất động sản. Đồng thời đây cũng là xu hướng “thoát đáy” ngày càng hiện ra rõ nét hơn. Những dấu hiệu trên có thể là tiền đề giúp các chủ đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào đà phục hồi mạnh mẽ từ quý III/2023.
CEO một doanh nghiệp môi giới có trụ sở chính tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - ông Lê Hoàng Đức cho hay, việc các doanh nghiệp bất động sản lớn rục rịch bung hàng là để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, đồng thời chờ đón dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng sắp đáo hạn.
Kỳ vọng đón xu hướng đầu tư cuối năm hoàn toàn có cơ sở, vì thời gian càng về cuối năm, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường chung cư ngày càng cải thiện. Theo VNDirect, điển hình như tại thị trường phía Nam, không ít dự án đã ghi nhận lượng giao dịch tích cực hơn.
Cụ thể trong tháng 5 vừa qua, dự án Akari City (quận Bình Tân) của chủ đầu tư Nam Long có hơn 50 giao dịch, dự án căn hộ Mizuki Park tại khu Nam TP. HCM tung ra rổ hàng 30 sản phẩm, Keppel Land mở bán 200 căn hộ tại Celesta Nhà Bè ghi nhận giao dịch khoảng 50% rổ hàng…
Đón dòng tiền gửi đáo hạn?
Phải nhìn nhận rằng, các dự án trên vốn nằm tại các khu vực có giao dịch rất ít trong thời gian qua. Do đó việc xuất hiện thanh khoản tốt hơn hiện nay thể hiện rõ ràng là dấu hiệu đầy tích cực.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - Bà Trang Bùi đánh giá, quý III/2023 sẽ là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp mở bán sản phẩm mới, vì rất nhiều khách hàng đang có sẵn nguồn tiền khi các khoản tiền gửi ngân hàng từ năm 2022 sắp đáo hạn, lãi suất không còn hấp dẫn.
Cùng chung quan điểm, không ít chuyên gia trong ngành cũng nhận định rằng, nếu như thời điểm nửa cuối năm 2022 ghi nhận làn sóng gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân bởi lãi suất cao, an toàn trong khi thị trường địa ốc biến động. Khi đó, lãi suất tiền gửi lên tới 10%/năm, hấp dẫn hơn nhiều so với đầu tư vào bất động sản.
Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là thời điểm ngành bất động sản “xì hơi” khiến tâm lý nhiều người lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn trong lúc chờ thời điểm đầu tư thích hợp khi giá đất giảm và săn đất rẻ.
Đến hiện tại, mức lãi suất huy động trở về thời điểm đầu năm 2022, có nghĩa tỷ suất lợi nhuận của “tiền đẻ ra tiền” không còn hấp dẫn người dân. Dòng tiền đáo hạn có thể chuyển hướng vào lại lĩnh vực bất động sản, nhất là khi giá đất, giá nhà cơ bản đã giảm sâu.
Thực tế, dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đáo hạn cuối năm nay được kỳ vọng sẽ chảy về lĩnh vực bất động sản, đây là cánh cửa thoát hiểm của các doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, trước bối cảnh niềm tin vẫn chưa ổn định, giới phân tích cho rằng, tiền có thể vẫn được giữ lại nhà băng ít nhất tới cuối năm hoặc đầu năm 2024.
Theo ông Phạm Anh Khôi - Chuyên gia của VARS, quý III là thời điểm quyết định dòng tiền của người dân có trở lại thị trường địa ốc hay không. Nếu thị trường vẫn cho thấy sự ảm đạm, khó khăn thì nhiều khả năng nguồn tiền vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng dù lãi suất đã xuống dưới 10%/năm.
Tuy nhiên, nếu lãi suất huy động giảm chỉ còn mức 6 - 7%/năm vào thời điểm cuối năm 2023 thì khả năng cao nguồn tiền sẽ ưu tiên trở lại thị trường bất động sản với điều kiện niềm tin được cải thiện.
Trên thực tế, tiền tiết kiệm từ ngân hàng vẫn sẵn sàng trở lại thị trường địa ốc. Nhưng giới phân tích cho rằng, để khơi thông dòng tiền từ khách hàng thì giải pháp tốt nhất ở thời điểm này là các nhà băng cần sớm giảm lãi suất cho vay mua nhà.
Nếu lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản về dưới 10% và giữ ổn định thì dòng tiền có thể trở lại thị trường. Ngược lại, nếu người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay thì sức mua vẫn không được cải thiện.