Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng của TikTok Shop: Nơi được ví như “mỏ vàng” có thể giúp ứng dụng hạ gục Shopee?
BÀI LIÊN QUAN
TikTok sẽ bị cấm ở Việt Nam nếu không hợp tácTikTok Shop, ngôi sao đang lên đe dọa vị thế của Shopee và LazadaTikTok cũng chạy theo xu hướng về AI, đang thử nghiệm chatbot tại một số quốc giaTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, Tech Wire Asia thông tin rằng TikTok Shop đã ra mắt được 2 năm qua, ngày càng cho thấy mức độ phổ biến của mình. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử này của TikTok đã tăng lên nhanh chóng nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng của tính năng mua sắm mà ByteDance sở hữu thậm chí còn đặt ra nghi vấn rằng liệu Lazada và Shopee còn có thể đứng đầu trên thị trường thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á nữa hay không.
Dù TikTok phần lớn được biết đến giống như một nền tảng truyền thông xã hội dành cho các video ngắn, tuy nhiên nền tảng này đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử vào cuối năm 2021. Bước sang năm 2022, khu vực Đông Nam Á là nơi nhắm mục tiêu của nhánh thương mại điện tử TikTok Shop. Vào năm ngoái, tính năng của nền tảng video ngắn này đã bắt đầu mở rộng sang 6 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Dữ liệu từ hãng truyền thông công nghệ The Information cho thấy, GMV của TikTok Shop hay tổng giá trị hàng hóa bán ra đã tăng mạnh hơn 4 lần, đạt mức 4,4 tỷ USD tại Đông Nam Á vào năm ngoái. Trong năm nay, tính năng TikTok Shop được cho là nhắm mục tiêu đạt GMV là 12 tỷ USD.
Một báo cáo gần đây về Sea Group cho thấy chủ sở hữu của nền tảng thương mại điện tử Shopee, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, đã đặc biệt nói về cách mà TikTok tiếp tục phát triển tại các quốc gia Đông Nam Á.
Yang cho biết họ ước tính rằng TikTok sẽ ghi nhận GMV đạt mức 20% trong năm 2023 so với Shopee. Theo các số liệu công khai có sẵn, hiện tại, GMV của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Lazada và Shopee. Năm 2022, Shopee đã có được 73,5 tỷ USD GMV. Trong khi đó, GMV của Lazada là 21 tỷ USD tính đến tháng 9 năm 2021.
Báo cáo cuối năm của TikTok cho thấy GMV của hoạt động kinh doanh xuyên biên giới đã tăng tới 136% vào năm 2022, với việc ông lớn truyền thông xã hội đề ra mục tiêu GMV mới là 23 tỷ USD cho năm nay. Báo cáo chỉ rõ rằng có hơn 30.000 người có ảnh hưởng và 60.000 cửa hàng đã phát sóng hơn 2,7 triệu giờ nội dung thương mại quảng bá sản phẩm của họ, nhận được 1,3 tỷ tương tác từ người dùng.
Điều đáng chú ý là sự mở rộng nhanh chóng của TikTok Shop tại khu vực Đông Nam Á lại diễn ra trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử khác trong khu vực hướng sự chú ý ra nước ngoài. Cả Shopee và Lazada đều đang có những kế hoạch ở châu Âu. Bên cạnh đó, Shopee không chỉ mở rộng dấu ấn của mình tại Malaysia mà còn tiếp tục xây dựng những hoạt động tại Brazil sau khi rời khỏi một số thị trường Mỹ Latinh và châu Âu.
Mặt khác, gần đây TikTok đã thúc đẩy hoạt động của mình trên toàn khu vực Đông Nam Á, trong đó có các tính năng nền tảng mới, ưu đãi dành cho người bán cũng như quan hệ đối tác với các nhà hỗ trợ thương mại điện tử và đối tác hậu cần.
Lý do giúp Đông Nam Á trở thành mỏ vàng của TikTok Shop
Kể từ giữa những năm 2010, thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á đã tăng tốc mạnh. Thế nhưng, đại dịch Covid 19 còn đẩy nó bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới. McKinsey cho biết tổng giá trị doanh số thương mại điện tử tại Đông Nam Á từ năm 2016 đến năm 2021 đã tăng gấp 5 lần, ngang với 40% mỗi năm. Trong tổng doanh số bán lẻ, thị phần của thương mại điện tử đã tăng từ 5% lên mức 20% ở cùng giai đoạn.
Quá trình tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á không chỉ dừng lại ở vấn đề gia tăng giá trị. Trên khắp mọi nơi, ngày càng có nhiều người mua sản phẩm trực tuyến hơn ở nhiều kênh mua bán hơn. Cụ thể là thương mại xã hội. Đó là một cách tiếp cận thương mại điện tử mà ở đó các doanh nghiệp có thể bán sản phẩm trực tiếp cho người dùng trên ứng dụng.
Thương mại xã hội toàn cầu đang trên đường trở thành ngành công nghiệp trị giá 1.200 tỷ USD vào năm 2025 với những thành tựu nổi bật được thực hiện ở Ấn Độ và Brazil. Trong khi đó, sự phổ biến của thương mại xã hội tại Đông Nam Á được thúc đẩy nhanh nhờ tỉ lệ thâm nhập internet cao. Hiện nay, người dùng smartphone đang dành nhiều thì giờ hơn vào mạng xã hội, và mức độ tương tác nhờ đó cũng tăng lên.
TikTok đang xây dựng được nền tảng để dẫn đầu thị trường thương mại xã hội trong khu vực khi có tới hơn 250 triệu người dùng tại khu vực Đông Nam Á. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu bán lẻ trực tuyến Cube Asia cho thấy tâm lý của người mua sắm tại khu vực này cũng đang ghi nhận sự thay đổi.
Theo cuộc khảo sát, những người tiêu dùng đã chi tiêu cho TikTok Shop đang giảm chi tiêu trên Lazada (giảm 45%), trên Shopee (giảm 51%), và ngoại tuyến giảm 38% tại Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Ngoài ra, theo dữ liệu nhân khẩu học được thu thập trực tuyến, 10 nước hàng đầu ghi nhận lượng người dùng TikTok tích cực nhất trên toàn cầu chủ yếu là tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Statista cho biết Indonesia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 chỉ xếp sau Mỹ. Bên cạnh đó, khác với đối thủ cạnh tranh, TikTok Shop tính phí hoa hồng thấp nhất bởi nó đang nỗ lực giành ưu thế trong cuộc canh tranh ở mức 1%, so với phí 10% ở những nền tảng và ứng dụng khác.