meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: "Nữ tướng" dẫn dắt Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam

Thứ hai, 04/07/2022-09:07
Được mệnh danh là "nữ hoàng cá tra", doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh là người có công lớn trong việc lèo lái Vĩnh Hoàn từ một phân xưởng nhỏ đi thuê ở miền Tây với năng suất hàng ngày chỉ có 10 tấn cá đến doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra tại Việt Nam.

Tiểu sử doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh

Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện tại đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) chủ yếu tập trung vào các hoạt động hoạch định chiến lược và hoàn thiện hệ thống quản trị của công ty. Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu của VHC với thị giá đang giao dịch ở quanh mức 60.000 đồng/cp. Tài sản của bà Khanh tại Vĩnh Hoàn lên đến hơn 5.000 tỷ đồng và là người giàu thứ 33 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hơn thế, bà còn là Chủ tịch HĐQT của Xuất nhập khẩu Sa Giang. 

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại tỉnh An Giang. Bà là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bà đã học đại học tại Trường Đại học Tài chính kế toán TP. Hồ Chí Minh và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân kinh tế. Sau khi ra trường, bà Khanh đã từng làm cán bộ của Sở Tài chính tỉnh An Giang trong thời gian từ năm 1984 - 1985. 

Sau đó, bà đã làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu và đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khác nhau từ kế toán cho đến Phó giám đốc. Chi tiết, từ năm 1986 - 1987, bà Khanh đã đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng của Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Từ năm 1986 - 1990, bà đã được thăng chức làm Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, thời điểm này bà mới 25 tuổi. Đến năm 30 tuổi thì bà đã đảm nhiệm vai trò Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang. Năm 35 tuổi và đã trở thành Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Fideco - đây cũng chính là bước đệm để bà có thể tiến đến xây dựng Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. 



Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện tại đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)
Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện tại đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)

Cơ duyên đến với nghiệp cá tra của bà Trương Thị Lệ Khanh

Khởi đầu từ những bữa ăn có cá tra, cá basa mộc mạc đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên mâm cơm gia đình của người miền Tây, Vĩnh Hoàn đã sớm nhận ra được món quà quý giá từ dòng sông Mekong để làm tiền đề cho sự phát triển cũng như sự hưng thịnh của ngành sản xuất cá tra. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết bản thân sinh ra và lớn lên tại An Giang thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Ở thời bao cấp, mọi người chỉ được phân phối 1kg thịt/tháng, những tháng không có thịt thì người ta thay bằng cá basa - tức là cá basa đã tham gia lưu thông trên thị trường từ hồi đó. Được biết, khi tốt nghiệp đại học ra trường, theo sự phân công của nhà nước thì bà Trương Thị Lệ Khanh từng làm việc tại một công ty có đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh nên bà có sự am hiểu về ngành thủy sản. Sau đó do thay đổi tổ chức mà bà đã quyết định nghỉ việc và ra ngoài làm riêng. Và điều đầu tiên mà bà nghĩ đến là cá tra và cá basa vì nhận thấy được tiềm năng to lớn của loại cá này. Dù vậy, vào thời điểm đó ngành sản xuất cá mới chỉ có nhà máy tại An Giang, nhưng vùng nuôi thì lại có tại An Giang và Đồng Tháp. Cũng vì thế mà bà Khanh đã quyết định sang Đồng Tháp lập nghiệp. Vào năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh đã sáng lập nên Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn tại tỉnh Đồng Tháp đồng thời cũng thuê lại một nhà máy của công ty Sa Giang để bắt đầu sản xuất. Năm 1998, doanh nghiệp này cũng đã được chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH Vĩnh Hoàn. ‘

Khi nói về những khát vọng của bản thân từ những ngày đầu lập nghiệp, doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cho biết: “Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”. Và cái tên Vĩnh Hoàn được lập ra với ỹ nghĩa là tồn tại mãi mãi trên hoàn cầu giống như một ngôi sao. 


Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu của VHC với thị giá đang giao dịch ở quanh mức 60.000 đồng/cp
Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu của VHC với thị giá đang giao dịch ở quanh mức 60.000 đồng/cp

Quá trình gây dựng Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam

Lúc đầu phương thức kinh doanh của Vĩnh Hoàn chính là gia công xuất khẩu. Đến năm 1999, Vĩnh Hoàn đã thành lập cơ sở chế biến thủy sản riêng thông qua việc thuê lại một xưởng sản xuất tại Đồng Tháp. Năm 2000, Vĩnh Hoàn đã chính thức được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Châu  u. 

Vào năm 2003, ngành xuất khẩu cá tra đã bùng nổ đúng vào thời điểm Vĩnh Hoàn dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Đến năm 2007, Vĩnh Hoàn đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Trong thời gian từ năm 2006 - 2008, Vĩnh Hoàn dưới sự lãnh đạo của bà Lệ Khanh đã xếp vị trí thứ ba về xuất khẩu cá tra, cá basa. Đến năm 2009, doanh nghiệp này đã vươn lên vị trí thứ hai. Cho đến năm 2010, công ty đã chính thức vươn lên dẫn đầu ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu. 

Được biết, Vĩnh Hoàn ra đời gặp được thiên thời địa lợi nên đã có một sự khởi đầu tốt từ đó kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Nhớ về thời hoàng kim của cá tra trong giai đoạn 2000 - 2006, bà Khanh cho biết: “thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời". Tuy nhiên, những năm đó Vĩnh Hoàn không phải là doanh nghiệp lớn nhất mà vị trí đó là của Agifish (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt.

Bà Trương Thị Lệ Khanh mang trong mình phong cách kinh doanh thận trọng và chắc chắn. Trong hơn 20 năm qua, dưới sự lèo lái vững chắc bà Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ với 70 nhân công và vốn ban đầu là 70 triệu đồng vào năm 1997 trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất tại Việt Nam. Thống kê từ Forbes, trong thời gian 10 năm từ 2008 - 2018, bà Khanh đã đưa doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 3,8 lần còn lợi nhuận sau thuế tăng 18,1 lần, tổng tài sản tăng 5,1 lần. Và đến tháng 5/2016, bà Khanh đã tiến hành chuyển giao vị trí Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho lớp thế hệ trẻ là bà Nguyễn Ngô Vi Tâm. 

Nói về kết quả kinh doanh, sau khi có sự bứt phá mạnh vào năm 2018 với khoản lợi nhuận sau thuế là gần 1.500 tỷ đồng tương đương với tổng lợi nhuận 3 năm trước đó cộng lại, đến giai đoạn năm 2019 - 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm hầu hết trong chỉ số kinh doanh của Vĩnh Hoàn. Vào năm 2019, công ty này đã ghi nhận mức doanh thu đạt 7.867 tỷ đồng, giảm 15%  còn lợi nhuận sau thuế là 1.180 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2018. 

Năm 2020, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, ngành thủy sản trong nước lao đao khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể. Dưới tác động đó, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn cũng không tránh khỏi việc giảm sút. Cụ thể, lũy kế năm 2020, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 7.037,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 704,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,5% và 40,2% so với năm 2019.

Tuy nhiên đến năm 2021, Vĩnh Hoàn đã “lấy lại phong độ” với doanh thu thuần đạt hơn 9.054 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ, lần lượt tăng 28% và 54% so với 2020. Vĩnh Hoàn cho biết, hầu hết các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đều phục hồi mạnh, đặc biệt là Mỹ. Bên cạnh đó, lãi sau thuế tăng cao là do sản lượng bán hàng và mức giá bán trong năm 2021 đều tăng.

Trong năm 2021, Vĩnh Hoàn đã hoàn tất thủ tục mua 51,29% vốn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang với giá 356,7 tỷ đồng. Đến nay, Vĩnh Hoàn sở hữu 76,72% vốn Sa Giang.


Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại tỉnh An Giang
Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại tỉnh An Giang

Khó khăn lớn nhất mà Vĩnh Hoàn gặp phải trong quá trình hình thành và phát triển

Dù khởi nghiệp với thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng con đường của Vĩnh Hoàn đến thành công không hề bằng phẳng. Ở thời điểm khó khăn nhất của Vĩnh Hoàn cũng như hơn 50 doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá từ Hiệp hội các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ. Bà Khanh cho biết: “Rất may, chúng tôi đã đấu tranh và kết quả thu được là mức thuế 0%. Đó như là một câu chuyện thần thoại vậy”. Tuy nhiên thì trong khó khăn lại có cơ hội, theo như bà Khanh thì vụ việc này có 2 mặt. Cũng nhờ thế mà người ta bắt đầu tò mò con cá này là con cá gì mà Mỹ lại áp thuế chống bán phá giá. 

Khi chia sẻ về lý do Vĩnh Hoàn thắng vụ kiện, nữ doanh nhân này cho hay: “Là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi có điều kiện tiếp cận với môi trường kinh doanh quốc tế từ sớm. Tôi thấy, khi doanh nghiệp hội nhập quốc tế, điều quan trọng nhất là phải hiểu biết về luật pháp của địa phương, am hiểu văn hóa của nơi đó và chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Đó chính là lý do mà chúng tôi đã chiến thắng vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ và đạt được mức thuế 0%”.

Bà Trương Thị Lệ Khanh được Forbes vinh danh 7 lần

Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh là một người thuyền trưởng mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Cùng với các cộng sự đã dẫn dắt Vĩnh Hoàn khẳng định được vị thế để trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất tại Việt Nam. Sau hơn 20 năm gắn bó, bà Khanh đã được biết đến như một doanh nhân dẫn đầu ngành cá tra tại Việt Nam, tiên phong trong các bước phát triển bền vững của ngành. 

Cùng với những thành công đáng nể đó, bà Khanh đã được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý trong nước lẫn quốc tế. Cụ thể, bà từng được 2 lần trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011) và Huân chương Lao động Hạng nhì (năm 2016) bởi những thành tích xuất sắc trong công tác từ đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc. Không những thế, bà Khanh từng được Forbes Châu Á vinh danh 2 lần và Forbes Việt Nam vinh danh 5 lần. Vào năm 2020, bà Khanh đã được Forbes bình chọn vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chủ tịch HĐQT Meey Group nhận định về chuyển động của thị trường proptech trong những năm tới

Phó tổng giám đốc Sacombank đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của Bamboo Airways

Sau 4 tháng rời Bamboo Airways, ông Nguyễn Minh Hải trở thành CEO của Vietravel Airlines

Ông Phan Đình Điền trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB

Thaiholdings có Tổng giám đốc mới

Nhân sự cấp cao của Chứng khoán VNDirect lại có sự thay đổi chéo, bà Phạm Minh Hương trở lại ghế chủ tịch

Lãnh đạo Petrocons trở thành Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN

LDG bổ nhiệm ba tân Phó Tổng Giám đốc

Tin mới cập nhật

Meey Group xây dựng hệ thống quản trị, vận hành chuyên nghiệp với BSC/KPI

17 giờ trước

Xu hướng dịch chuyển nhà ở sang các đô thị vệ tinh

17 giờ trước

Đấu giá đất Hà Nội: Nguồn cung sôi động từ đầu năm, nhà đầu tư sẽ thận trọng

17 giờ trước

Nhà đầu tư bất động sản rục rịch tìm cơ hội sinh lời mới

17 giờ trước

Mua bán thông tin tài khoản ngân hàng coi chừng vướng vòng lao lý

17 giờ trước