Doanh nghiệp, người dân vui mừng đón chờ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Phát triển nhà ở xã hội: Không chỉ bơm 110.000 tỉ là xongĐề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Tránh tình trạng lục lợiĐề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hộiHy vọng sớm triển khai
Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiện 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc. Theo đó, lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Bói thêm về lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Ngoài ra, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm soát rủi ro cấp tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, không có nhu cầu thực hoặc kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.
Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng Việt Hoàng cho biết, ông rất vui vì sắp tới có 2 gói tín dụng 110.00 tỷ đồng của Bộ Xây dựng đề xuất và 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai cho nhà ở xã hội. Theo ông Quyết, bản thân doanh nghiệp ông làm nhiều nhà ở xã hội nhưng chưa dự án nào chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi.
“Gói vay ưu đãi có lợi nhất với người mua nhà bởi hiện nay lãi suất cho vay tăng cao gây khó cho người mua. Nếu người mua được vay vốn ưu đãi khi tiếp cận dự án thì chủ đầu tư sẽ bán được nhanh hàng và thu hồi tiền. Vì vậy, chúng tôi mong với 2 gói tín dụng trên triển khai sớm với thủ tục dễ dàng cho cả chủ đầu tư và người dân”, ông Quyết bày tỏ.
Ở góc độ người dân, chị Phạm Việt Hằng (trú phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị thuê nhà nhiều năm nay chưa có cơ hội mua nhà vì càng ngày giá nhà Hà Nội tăng chóng mặt, nhất là chung cư. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cao khiến giấc mơ mua nhà của gia đình chị ngày một xa vời.
"Tôi đọc thông tin và biết sắp tới có 2 gói tín dụng hỗ trợ cho vay để mua nhà ở xã hội. Tôi mong 2 gói này triển khai sớm để những người như thu nhập thấp như chúng tôi có cơ hội mua được nhà, an cư lập nghiệp", chị Hằng tâm sự.
Chị Hằng và nhiều người dân khác có nhu cầu tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ cũng mong muốn, thủ tục vay vốn nên đơn giản để tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà.
Tín hiệu mừng cho thị trường bất động sản
Nói về 2 gói tín dụng mới cho nhà ở xã hội, TS. Trần Xuân Lượng - chuyên ngành bất động sản đánh giá đây là tín hiệu mừng cho thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay.
Ông Lượng cho biết, với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất giống gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm. Tuy nhiên, cách đây 10 năm khác bây giờ, bởi trước nhiều quỹ đất trong nội đô để phát triển nhà ở xã hội còn trong bối cảnh hiện tại, những quỹ đất trong nội đô làm nhà ở xã hội rất ít.
“Chúng ta không thể xây nhà ở xã hội tại các huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì hay thị xã Sơn Tây trong khi người dân vẫn phải đi làm trong nội thành Hà Nội. Xây nhà xã hội phải kèm theo hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông mới đáp ứng được nhu cầu thực của người dân”, TS. Trần Xuân Lượng nói.
Vị chuyên gia bất động sản cũng nhấn mạnh, để xây dựng nhà xã hội cần có các thể chế quy định về tiêu chuẩn, trình tự các bước làm dự án cũng như chế độ cho người mua nhà ở xã hội. Thể chế phải cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường, nhất là đơn giá sao cho phù hợp.
Cũng theo ông Lượng, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Đặc biệt những chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cũng cần được cải thiện, nhất là cắt giảm bớt thủ tục hành chính.
TS La Văn Thái, chuyên gia tài chính cũng nhận định, việc có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội là rất đáng mừng. Tuy nhiên những gói hỗ trợ này không thể triển khai ngay trong một sớm, một chiều. Do vậy, trong lúc chờ đợi các giải pháp của bộ ngành, ngân hàng nhà nước đi vào thực thi, các doanh nghiệp bất động sản phải "tự cứu lấy mình". Bởi tại các cuộc họp, hội nghị vừa qua cũng chỉ ra, bên cạnh vấn đề ngoại cảnh, khó khăn của thị trường hiện nay cũng một phần do doanh nghiệp tạo ra.
“Tình trạng thị trường hiện nay chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình. Nhiều doanh nghiệp xây dự án cao cấp rồi tìm cách chuyển dư nợ sang thành nợ tiêu dùng dân cư thông qua phương thức bán hàng kèm theo gói tài trợ vốn vay lên đến 70% giá trị bất động sản. Thực chất, đây là hiện tượng đầu cơ chờ tăng giá, chứ không phải vay mua nhà để ở”, TS Thái nói và cho biết - ngân hàng nhà nước cần kiểm soát không cho vay mua bất động sản núp bóng tiêu dùng dân cư với các bất động sản không phải là nhà ở thu nhập thấp. Việc này sẽ buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán cho phù hợp với thị trường.