sapo-1669743051.jpg
 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác về việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai các dự án bất động sản. Quyết định này được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt một thời gian dài.

sub-1-1669743050.jpg
 

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACB cho thấy, nhiều “ông lớn” kinh doanh lâu năm trong ngành bất động sản cũng đang dần “ngấm đòn” vì khó khăn. Điển hình là Tập đoàn Đất Xanh đã dời kế hoạch mở bán một số dự án bất động sản lớn như: Opal City View và DXH Parkview ở Bình Dương, khu đô thị Vạn Phúc City ở Hà Nội. Hay một “ông lớn” khác cũng đã dời kế hoạch mở bán hai dự án lớn ở Đồng Nai và Cần Thơ sang năm 2023.
Bên cạnh đó, một số số doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phải đóng cửa do tình hình kinh doanh khó khăn, không đủ chi phí để duy trì hoạt động.

a1-1669743638.jpg
 
box-1-1669744030.jpg
 

Bà Trần Thị Thúy Hài – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SC Holding chia sẻ, từ đầu năm đến nay, tâm lý của khách hàng liên tục bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ôm hàng, thổi giá bất động sản. Để khắc phục những khó khăn này, doanh nghiệp của bà đã cố gắng lựa chọn những dự án có mức giá hợp lý và pháp lý rõ ràng để chào bán, đồng thời tiếp tục đãi ngộ duy trì mối quan hệ thân thiết với khách hàng để  cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đứng trên cương vị là một lãnh đạo doanh nghiệp, bà Hài cho biết, nguồn vốn chính là vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản đang mong chờ động thái giải cứu từ tổ công tác của Chính phủ. Trong bối cảnh, tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu đang bị kiểm soát chặt, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư để phát triển dự án.

Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Bùi Xuân Huy – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland đã chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt. Trong đó, vị lãnh đạo này đặc biệt nhấn mạnh đến sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
“Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để cho khách hàng, những nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng. Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản ấm hơn”, đại diện Novaland nói.

sub-2-1669743051.jpg
 

Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang mong muốn Chính phủ nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về thủ tục pháp lý, khiến hoạt động kinh doanh của họ liên tục bị đình trệ, suy giảm. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho rằng, những vấn đề về thủ tục pháp lý, đặc biệt trong việc chấp nhận chủ trương đầu tư, giao đất và sử dụng đất đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản bế tắc.
Giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản ở TP Hồ Chí Minh ngán ngẩm chia sẻ, bây giờ, một dự án muốn được triển khai trong thực tế đều phải xử lý được một loạt vấn đề về pháp lý. Từ khâu thẩm định giá đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng phải trải qua vài chục bước làm thủ tục hành chính và bước nào cũng đều khó khăn. 
Điều đang nói là trong từng bước thủ tục hành chính có rất nhiều điều bất cập, không khả thi với thực tế, khiến nhiều dự án nằm “đắp chiếu” vô thời hạn. Minh chứng rõ nhất là ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có hàng trăm dự án bất chờ pháp lý từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa thể giải quyết được.

a2-1669744519.jpg
 

“Thông thường, các dự án bất động sản đều cần số vốn rất lớn. Và phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng vốn vay để xây dựng dự án. Khi dự án bị trì trệ do vướng pháp lý thì gánh nặng về lãi vay sẽ đè nặng doanh nghiệp ngày càng nhiều. Giờ đây, pháp lý như một cơn ác mộng của những người phát triển bất động sản như chúng tôi. Một dự án bị ách tắc pháp lý trong vài năm, thậm chí vài chục năm sẽ kéo theo sự đuối sức và mất sức của cả cộng đồng doanh nghiệp”, vị giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hài cho biết, những vướng mắc về pháp lý bất động sản hiện nay cũng một phần xuất phát từ phía các doanh nghiệp. Hiện nay có một số doanh nghiệp làm ăn thiếu bài bản nên mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý khi triển khai phát triển dự án, đặc biệt là trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Điều này đã gây ra những hệ quả xấu cho thị trường bất động sản cũng như nhiều ngành nghề khác.
Những vướng mắc về pháp lý hiện nay có thể khiến thị trường bất động sản bị nhiễu loạn, làm cho khách hàng, những nhà đầu tư mất dần niềm tin. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận và định hướng khách hàng đầu tư vào các phân khúc bất động sản.
Vị lãnh đạo của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SC Holding kiến nghị, các cơ quan quản lý nên có những chính sách phân loại các dự án bất động sản, trong đó phải dành sự ưu đãi cho những doanh nghiệp có mục tiêu phát triển dự án tốt. Những chính sách ưu đãi này vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ để hạn chế rủi ro, tránh gây ra những hệ lụy không đáng có cho thị trường bất động sản.

box-2-1669744807.jpg
 
sub-3-1669743051.jpg
 

Bàn luận về quyết định thành lập tổ công tác tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án bất động sản mới đây của Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự quan tâm đặc biệt này đã tiếp động lực cho các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc tự cứu lấy mình. Các doanh nghiệp địa ốc hiện nay đang rất kỳ vọng vào những động thái tháo gỡ những vướng mắc pháp lý của tổ công tác Chính phủ trong thời gian gian tới.
Theo ông Châu, việc cần làm trong lúc này là tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản. Chỉ khi tháo gỡ được vấn đề pháp lý, thị trường bất động sản Việt Nam mới phát triển ổn định, công bằng, minh bạch, cán cân cung cầu trên thị trường mới được cân bằng. Đặc biệt, một hành lang pháp lý tốt mới kiến tạo được một môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch. 
Để giải quyết những vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Châu kiến nghị Nhà nước cần sớm có kết luận rõ ràng cho các dự án bất động sản đang sử dụng qũy đất có nguồn gốc từ đất công, đất do cổ phần hóa hoặc di dời cơ sở sản xuất di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.

a3-1669745467.jpg
 

Đối với phân khúc nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương nhanh chóng thực hiện, thông thoáng các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000.
Còn đối với dự án nhà ở thương mại, Nhà nước nên tiếp tục cho triển khai mà không cần phê duyệt lại đối với những dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021.
Bên cạnh xử lý các vấn đề về pháp lý, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp về cả tín dụng lẫn trái phiếu.
“Nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả thì thị trường bất động sản rất dễ rơi vào khủng hoảng, suy thoái”, ông Châu nhấn mạnh.

a4-1669745629.jpg
 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, quyết định thành lập tổ công tác Chính phủ đặc biệt ý nghĩa đối với các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Tổ công tác được trao quyền hạn rất lớn trong việc chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các dự án. Cho nên, những tồn động trong suốt thời gian vừa qua sẽ được linh hoạt giải quyết mà không cần phải thông qua Luật đất đai hay các bộ luật liên quan khác.
“Chúng tôi rất tin tưởng vào tổ công tác của Chính phủ sẽ tháo gỡ được tâm lý sợ sai, sợ trách trách, sợ rủi ro của một số cán bộ công chức đang xử lý hồ sơ pháp lý cho các dự án bất động sản. Tình trạng hồ sơ dự án bị đùn đẩy, không được xử lý sẽ được giải quyết triệt để”, ông Đính cho biết thêm.

box-3-1669746055.jpg
 
tac-gia-1-1669743050.jpg
 

 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

HoREA đề xuất giải pháp “mở khóa” nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

TP.HCM: Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 10% nguồn cung căn hộ mới năm 2025

Nhiều địa phương có thêm các KCN tầm cỡ, tăng cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

Nhà ở xã hội: Không chỉ khó làm, còn khó cả bán

Mặt bằng, căn hộ nhộn nhịp theo Metro số 1

Vĩnh Phúc sắp đấu giá 67 ô đất, khởi điểm từ 960 triệu đồng

Tin mới cập nhật

Chuyên gia: Cần thúc đẩy giãn dân về ngoại thành để giám áp lực giá nhà ở trung tâm

10 giờ trước

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

10 giờ trước

HoREA đề xuất giải pháp “mở khóa” nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

10 giờ trước

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024

10 giờ trước

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

3 ngày trước