Những khu vực nào có đất nền đang tăng giá mạnh nhất?
Tổng hợp số liệu trong quý I/2022 cho thấy, ba tháng đầu năm ghi nhận lượng tìm kiếm bất động sản đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên đã tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch diễn ra. Có thể thấy, bất động sản vẫn thu hút được sự quan tâm bất chấp những biến động tiêu cực kéo dài trong gần 3 năm dịch bệnh. Hơn nữa, nhu cầu đầu tư và an cư của người dân ngày càng tăng cao và đa dạng.
Ở thị trường cho thuê, dù đã có những phục hồi đáng kể trong ba tháng qua nhưng mức độ quan tâm vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng. Theo đó, lượng tìm kiếm nhà riêng cho thuê đã giảm 94%; Nhà mặt phố cho thuê giảm 84% lượt tìm kiếm so với quý đầu năm 2019. Chỉ có căn hộ cho thuê đã tăng 57% so với mốc trước dịch. Dự báo trong năm 2022, bất động sản cho thuê vẫn là phân khúc phục hồi ổn định khi các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương đã phục hồi trở lại.
Theo các chuyên gia, phân khúc đất nền hiện đang có lượng tìm kiếm tăng cao hơn so với mức trước dịch, nhưng giảm so với năm 2021. Được biết, đất nền là loại hình có sự phục hồi và tăng trưởng nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bùng phát. Đất và đất nền tại nhiều tỉnh thành cả nước đều có sự quan tâm rất cao. Trong quý I, lượt tìm kiếm đất nền tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại khu vực phía Bắc, một số tỉnh thành ghi nhận mức độ quan tâm về đất thổ cư sụt giảm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng. Tuy nhiên giá rao bán vẫn tăng lần lượt là 35%, 16% và 29% so với mức giá rao bán trung bình của năm 2021. Một số huyện ven nội thành Hà Nội cũng tăng giá đất thổ cư như Chương Mỹ tăng 74%, Quốc Oai tăng 26%, Gia Lâm tăng 21%, Đông Anh tăng 20%,...
Tại miền Trung đang có xu hướng tăng về mức độ quan tâm đất nền. Cụ thể, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận đều có mức độ quan tâm tăng mạnh lần lượt là 58%, 48%, 44%. Mặt bằng giá bán đất nền cũng có mức tăng mới, trong đó Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26%, Bình Thuận tăng 13%.
Tại khu vực phía Nam lại ghi nhận sự giảm dần về độ quan tâm đất nền so với năm ngoái. Một số khu vực là TP. Hồ Chí Minh giảm 15%, Cần Thơ giảm 40%, Bình Dương và Đồng Nai đều giảm 13%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 16%,... Tuy nhiên, mức giá bán phân khúc này cũng tăng theo xu hướng chung toàn quốc, cụ thể Bình Dương tăng 27%, Bình Phước tăng 23%, Long An tăng 13%, Đồng Nai tăng 7%,...
Các chuyên gia đã nhận xét về các thông tin liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản nội địa trong quý I/2022. Theo đó, nền kinh tế đang có sự tăng trưởng ổn định khi GDP đạt 5,03%, tăng tốt hơn cùng kỳ hai năm trước đó. Đặc biệt là, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam đã tăng đến 213% ngay từ quý I, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh với số liệu từ năm 2010, nền kinh tế Việt Nam 2022 đang có xu hướng tăng trưởng bền vững, lâu dài khi có nguồn vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, lãi suất ổn định, kinh tế hồi phục và bắt đầu phát triển trở lại sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ rất nỗ lực để từng bước minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh trong thị trường bất động sản nhằm đưa thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Trong khi người tiêu dùng cũng đang có những đánh giá tích cực hơn về thị trường sau đợt Tết Nguyên đán. Bởi, so với các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng,... thì bất động sản đang là sự lựa chọn ưu tiên.
Theo Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội đang có giá đất nền tăng từ 10 - 20% so với đầu năm 2021. Trong đó, đất nền tại các xã Xuân Canh, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc thuộc huyện Đông Anh đã thiết lập mặt bằng giá mới từ 40 - 150 triệu đồng/m2.
Khu vực các tỉnh vùng ven, giá bán đất nền cũng tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái. Đặc biệt, những lô đất có vị trí đẹp, mặt đường thì giá còn tăng từ 30 - 40%. Cụ thể, Bắc Ninh và Bắc Giang đang là hai tỉnh có tốc độ tăng giá đất nền nhanh chóng từ 20 - 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông Quyết khẳng định, hiện tượng sốt đất hay đóng băng thị trường sẽ không xảy ra diện rộng mà chỉ xuất hiện cục bộ tại một số địa phương.
Trong đó, các gói đầu tư công vào hạ tầng Hà Nội và các tỉnh xung quanh như tuyến đường vành đai 4, 5,... sẽ thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn vào thị trường này. Tuy nhiên, với những sự phát triển nóng, sốt giá tại nhiều địa phương thông qua những cuộc đấu giá không minh bạch thì nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn để tránh rủi ro bong bóng bất động sản.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu so về biên độ lợi nhuận, đất nền đang sở hữu tính thanh khoản cao lại có tốc độ tăng giá nhanh. Đất nền là phân khúc chịu ảnh hưởng nhanh nhất từ các thông tin về cơ sở hạ tầng, quy hoạch. Dòng sản phẩm này có đặc tính là dễ “nhạy cảm” với các thông tin nên dễ bị tăng giá. Khi bỏ tiền vào đất nền thì nhà đầu tư có thể nhận lại gấp 2 - 3 lần. Bởi vậy, tình trạng sốt đất dễ bắt gặp tại phân khúc này chứ ít xảy ra với các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề hay bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Vũ Trường Thắng - Tổng Giám đốc Winhousing cũng nhấn mạnh, trong năm 2022, đất nền vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất và thu hút sự quan tâm hàng đầu. Bởi, người dân coi đây là kênh đầu tư an toàn và là “hầm trú ẩn” cho dòng tiền của mình.