Điểm danh những cổ phiếu ngược dòng bứt phá trong tháng "Sell in May": Quán quân tăng điểm gần 65%, một bluechips hiếm hoi lọt TOP tăng mạnh nhất sàn HoSE
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 3/6: Thị trường giằng co, VN-Index đỏ nhẹ cuối phiênCác quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm ăn ra sao trong tháng 5?Chuyên gia: Với định giá hiện tại, chứng khoán Việt Nam có thể tự đi lên bằng chính nội lựcTheo Nhịp sống kinh tế, hiệu ứng "Sell in May" dường như đã đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5/2022 vừa qua. Trước đối cảnh nhiều thị trường trên toàn cầu điều chỉnh mạnh đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, thông tin tiêu cực lan tỏa khiến áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Trong khi đó, các yếu tố nội tại về vĩ mô hay tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang ghi nhận tương đối khởi sắc. Thêm vào đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý chứng khoán của các cơ quan chứng năng trong thời gian qua đã và đang giúp thị trường ngày càng trở nên minh bạch và phát triển bền vững hơn.
Về mặt điểm số, kết phiên 31/5, VN-Index giảm nhẹ 1,24 điểm, lùi về mức 1.292,68 điểm, hồi phục đáng kể từ vùng đáy 1.171,95 giữa tháng (16/5). Tuy nhiên, nếu so với mức điểm hồi đầu tháng 5 thì chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 5,4%. Cùng với đó là việc thanh khoản tụt áp, giá trị giao dịch bình quân trong tháng chỉ đạt hơn 17.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với giá trị giao dịch tháng trước.
Dù vậy, bất chấp thị trường có nhịp điều chỉnh sâu, vẫn xuất hiện những cổ phiếu lội ngược dòng ấn tượng và ghi nhận đà tăng tương đối vững chắc.
Cổ phiếu MAC giành 'quán quân' tăng điểm với mức tăng gần 64% sau 1 tháng
Vị trí quán quân tăng điểm trong tháng 5 thuộc về cổ phiếu MAC của Công ty Cổ phần Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (Maserco). Cụ thể, sau chuỗi phiên giảm mạnh trong tháng 4, thị giá của cổ phiếu này lùi về giao dịch tại vùng 6.100 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu tháng 5. Tuy nhiên, MAC đã bứt tốc trong nửa sau của tháng, ghi nhận 5 phiên tăng kịch trần và đan xen những phiên tăng điểm. Nhờ giao dịch trên sàn HNX - nơi có biên độ tăng/giảm tối đa là 10%, cổ phiếu MAC đã nhanh chóng ghi nhận mức tăng xấp xỉ 64% để đóng cửa phiên 31/5 tại 10.000 đồng/cp.
Mặc dù tăng mạnh, song thanh khoản của MAC lại không có gì đột biến, vẫn giữ ở mức vài trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên. Đáng chú ý, hiện cổ phiếu MAC đang bị đưa vào diện bị kiểm soát và danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 là số âm. Giải trình về việc này, nguyên nhân gây ra khoản lỗ do Maserco phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, trích lập dự phòng tổn thất đầu tư và ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sản lượng sụt giảm.
Ngoài ra, bước sang năm 2022, công ty tiếp tục có thêm một quý làm ăn thua lỗ, trong đó lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 âm hơn 625 triệu đồng, "khá khẩm" hơn chút so với khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Hiện Maserco vẫn chưa tiến hành họp cũng như công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 16/6 tới.
Hai cổ phiếu CCV và DDH tăng mạnh sau khoảng thời gian dài "đóng băng" thanh khoản
Mức tăng trên 60% trong tháng 5 vừa qua còn ghi nhận hai cổ phiếu CCV của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam và DDH của CTCP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng. Hai cổ phiếu này có điểm chung là "chết lâm sàng" với việc liên tiếp nhiều phiên không có thanh khoản.
Hai phiên duy nhất giao dịch trong tháng cũng là hai phiên tăng giá kịch trần, trong đó có 1 phiên được nới tăng trần tới 40% (do cổ phiếu không có giao dịch trong 25 phiên trước đó). Điều này đã đưa CCV và DDH lọt top tăng mạnh nhất trong tháng 5.
Bluechips duy nhất lọt top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE
Giữa làn sóng bán tháo mạnh, không thể không kể đến mức tăng tốt của một bluechips hiếm hoi là REE - Cơ điện lạnh. Mặc dù được đánh gái thuộc nhóm phòng thủ, song trong vài tháng gần đây REE không chỉ tỏ ra không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn gây ra chú ý lớn khi liên tục bứt phá vượt đỉnh mới khi đóng cửa phiên 30/5 tăng gần 5,7% lên mức 94.700 đồng/cp - mức giá kỷ lục trong lịch sử tồn tại trên sàn chứng khoán. Vốn hóa thị trường cũng leo lên mức cao chưa từng có với hơn 33.000 tỷ đồng. Sau khi có nhịp điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tháng song REE vẫn ghi nhận mức tăng 26,3% trong tháng 5, qua đó trở thành bluechips duy nhất lọt top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE.
Yếu tố giúp REE trở nên hấp dẫn được cho đến từ kết quả kinh doanh tích cực cùng với doanh thu thuần quý 1 tăng mạnh 73% so với cùng kỳ lên mức 2.045 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, REE lãi sau thuế hơn 955 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thêm một thông tin hỗ trợ khác là việc RÊ vừa tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu với lệ 100:15, tương ứng phát hành thêm hơn 46 triệu cổ phiếu mới.
Ngoài ra, REE hiện còn nằm trong rổ "kim cương" VNDiamond, cái tên đang nổi lên là thỏi nam châm hút vốn ngoại với tỷ trọng khá cao trên 8%.
Báo cáo của VNDirect mới công bố cho biết, 2022 sẽ tiếp tục là năm tích cực của thủy điện nhờ pha La Nina kéo dài đến hết năm. Do đó, Cơ điện lạnh (REE) được xem là ứng viên nặng ký với danh mục thủy điện dày đặc và có dự án thủy điện mới đi vào hoạt động.
Trong khi trên sàn UPCOM, cổ phiếu PND ngược dòng thị trường nhờ nhiều phiên tăng điểm liên tục. Khoảng nửa đầu tháng 5, cổ phiếu này đã tăng liên tục 6 phiên từ 29/4 đến 10/5, trong đó nhiều phiên tăng gần hết biên độ, qua đó ghi nhận mức tăng tới gần 66% chỉ sau 2 tuần giao dịch. Mặc dù có điều chỉnh trong những phiên sau đó, song PND vẫn kết phiên cuối tháng 5 ở mức 32.700 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 49% trong vòng 1 tháng.
Trong quá khứ, PND cũng từng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm vào giai đoạn cuối năm 2020. Thời điểm đó, thị giá liên tục tăng kịch trần 16 phiên, gấp 10 lần sau hơn 1 tháng, từ mức 2.100 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp trước khi quay đầu giảm sàn 5 phiên liên tục.
Về tình hình kinh doanh năm 2021 vừa qua, công ty đạt doanh thu thuần 1.367 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước. Theo đó, doanh nghiệp này đã thành công chuyển từ lỗ sang lãi, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ gần 46 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022, PND kỳ vọng doanh thu đạt 1.099 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% so với thực hiện trong năm trước; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng thu về 4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2021.
Cùng hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu nhưng trên sàn HoSE, cổ phiếu COM của Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu lại ghi nhận mức tăng "khiêm tốn" hơn là 41%. Đà tăng của COM tương đối vững chắc với số phiên tăng đan xen với phiên giảm điểm, tổng cộng COM đã tăng điểm 12 phiên, trong đó 4 phiên tăng kịch trần, còn lại là giảm và đứng tại tham chiếu. Kết quả, từ mức 46.900 đồng/cp, thị giá COM hiện đã vượt lên vùng 65.900 đồng/cổ phiếu.
COM là doanh nghiệp kinh doanh bán xăng dầu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Nhờ đặc thù thương mại nên giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao, vì vậy dù doanh thu thuần trong quý 1 tăng 33% lên tới 1.056 tỷ đồng song kết quả lợi nhuận sau thuế của COM chỉ vỏn vẹn 58 triệu đồng – giảm mạnh so với con số lãi hơn 13 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý 1, COM đã hoàn thành được 30% mục tiêu về doanh thu nhưng còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Top những cổ phiếu khác tăng mạnh nhất trong tháng 5
Trong tháng 5 vừa qua cũng ghi nhận rất nhiều cổ phiếu ngược thị trường với mức tăng tốt, đa số giao dịch trên sàn UPCoM do biên độ dao động lớn. ụ thể, EAD của Điện lực Đắk Lắk tăng 40,4%, DUS của Dịch vụ Đô thị Đà Lạt tăng 40%, IME của Xây lắp Công nghiệp tăng 39,9%, FBC của Cơ khí Phổ Yên tăng 39,7%, CAP của Lâm nông sản Yên Bái tăng 37,3%, ST8 của Thiết bị Siêu Thanh tăng 33%, VTL của Vang Thăng Long tăng 32,7%, CTT của Chế tạo máy Vinacomin tăng 32,5%, VLA của PT Công nghệ Văn Lang tăng 29,57%...
Trong khi đó, tại rổ VN30 chỉ ghi nhận 8/30 mã có mức tăng dương trong tháng 5, dẫn đầu là GAS với mức tăng 11,04% với phiên giao dịch nổi bật nhất là 31/5 khi tăng kịch trần 7% lên mức 117.000 đồng/cp, qua đó gồng gánh chỉ số chung của thị trường. Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu này được cho là bắt nguồn từ diễn biến leo thang của giá dầu thế giới, sau khi trở lại đỉnh 14 năm đạt được hồi tháng 3 sau quãng điều chỉnh gần đây.
Tương tự, VHM của Vinhomes, FPT hay PNJ của Vàng Phú Nhuận ghi nhận mức tăng khoảng 5-7% sau tháng giao dịch tương đối giằng co của thị trường chung, HDB kết thúc tháng 5 26.100 đồng/cổ phiếu (phiên 30/11), tương ứng tăng 3.16% so với thời điểm đầu tháng. Hay POW cũng tăng hơn 3% để đóng cửa tháng tại mức 13.550 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, sau giai đoạn bùng nổ vào cuối năm trước, hiện tại mức tăng bằng lần thậm chí không còn xuất hiện trong tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, những cổ phiếu có nội tại tốt cũng như câu chuyện tăng trưởng riêng vẫn đang có những nhịp bứt phá bất chấp thị trường rung lắc mạnh. Trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm như hiện nay, dòng tiền sẽ khó có đủ sức để lan tỏa đến toàn bộ các mã trên thị trường, vì vậy tình trạng phân hóa như vừa qua là khá dễ hiểu. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ những mã tiềm năng hoặc được hỗ trợ bởi thông tin tích cực. Ngược lại, những cổ phiếu mang tính đầu cơ hay đã tăng "nóng" trong giai đoạn trước đó thì nên tận dụng nhịp hồi để tất toán vị thế nắm giữ.