meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Để quy hoạch treo, dự án treo là lãng phí lớn

Thứ năm, 02/06/2022-17:06
Thảo luận về vấn đề đất đai, các đại biểu Quốc hội đề cập đến sự lãng phí khi nói về thực trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”.

Đất đai là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, trong hai năm qua, dịch Covid-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của các doanh nghiệp cũng như đông đảo người dân. Trong bối cảnh này, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xem là giải pháp cơ bản giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Bày tỏ sự trăn trở trước các dự án treo, quy hoạch treo, vị đại biểu nêu: Nước ta là nước nông nghiệp do vậy đất đai là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng nhằm tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội. Thế nhưng hiện này hàng nghìn ha đất đang bị bị hoang, không được triển khai hoặc triển khai ì ạch khiến hàng chục nghìn hộ gia đình rơi vào cảnh không đất để ở, phải sống tạm gầm cầu, ven sông…


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận. Ảnh: Bảo Nguyên
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận. Ảnh: Bảo Nguyên

Từ thực trạng trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, có giải pháp cụ thể để xử lý, thu hồi các dự án không có khả năng triển khai. Trong công tác quy hoạch dài hạn cần bám sát thực tiễn cũng như nhu cầu xã hội để triển khai khoa học, phù hợp và khả thi.

Có vị trí đất kim cương nhưng lại để trống

Trong khi đó, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đề cập đến sự chậm giải ngân đầu tư công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm và sự lãng phí trong các dự án treo.

“Qua giám sát ở các địa phương cho thấy có sự lãng phí rất lớn đối với đất công. Có những toà nhà, vị trí đất kim cương” nhưng lại để trống, cho thuê với giá thấp hoặc sử dụng không hiệu quả gây thiệt hại cho nhà nước”, Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết nói và nhấn mạnh cần sửa Luật quản lý sử dụng tài sản công để phân cấp cụ thể cho từng địa phương quản lý. Cùng với đó là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn lãng phí trong sử dụng đất đai để đảm bảo quyền lợi của người dân. Bởi thực tế, nhiều dự án treo trong nhiều thập niên khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.


Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Bảo Nguyên
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Bảo Nguyên

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết cũng đồng tình với ý kiến những năm qua, giá đất đang được đẩy lên quá cao dẫn đến một số địa phương chuyển đổi tràn lan mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất ở. Việc này dẫn đến vấn nạn người có nhu cầu sự dụng thật thì không thể tiếp cận do giá quá cao trong khi giới đầu cơ lại “ôm” rất nhiều đất, chờ “thổi giá” để bán đi.

Nhức nhối tình trạng tách thửa, phần lô bán nền

Cùng thảo luận về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) phát biểu: Chính sách pháp luật về đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, quản lý đất đai, tình trạng tách thửa, phần lô bán nền, đầu cơ đất đai không đúng mục đích gây lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo đề nghị cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong các giao dịch quyền sử dụng đất để chống thất thu thuế nhà nước. Trước mắt khi chờ sửa đổi Luật Đất đai thì Chính phủ cần có các giải pháp thiết thực để nâng cao công tác quản lý và sử dụng đất công.

Để hạn chế tình trạng đất hoang hoá, đất không sử dụng trong thời gian dài, đất giao cho các dự án treo ở nhiều địa phương, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo đề nghị cương quyết thu hồi để giao cho các tỉnh thành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. Ảnh: Bảo Nguyên
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. Ảnh: Bảo Nguyên

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo lấy ví dụ, Luật Lâm nghiệp đã có hiệu lực từ năm 2017 nhưng các chính sách về lâm nghiệp chưa được quan tâm, đặc biệt với các địa phương quản lý diện tích lớn đất rừng chưa có điều kiện để khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển. Cụ thể, vị đại biểu này mong muốn Chính phủ có những cơ chế, chính sách tương xứng để hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Nếu việc này thực hiện tốt sẽ tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng của quốc gia.

Nhìn về chỉ tiêu sử dụng đất của một địa phương

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đặt ra vấn đề phân cấp của chúng ta còn chưa đồng bộ, khi việc tổng thể thì giao quyền cho địa phương nhưng những lĩnh vực cụ thể trong đó lại không được phân cấp. Giải trình của các địa phương chậm giải ngân đầu tư công, hầu hết đều có đề nghị đẩy mạnh phân cấp và nêu ý kiến nếu phân cấp triệt để và đồng bộ, tiến độ triển khai và thực hiện các dự án đầu tư có thể rút ngắn được 6 – 12 tháng. Điều đó cho thấy, phân cấp hiện nay không chỉ tạo ra sự lãng phí rất lớn mà ở góc độ nào đó còn làm chậm, mất đi cơ hội phát triển của đất nước.

“Vì vậy, tôi xin đề nghị Quốc hội cùng Chính phủ xem xét ngay trong kỳ họp này nên ban hành 1 Nghị quyết quy định một số nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo đồng bộ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh. Nếu được vậy, tôi tin chắc sẽ không chỉ đem lại hiệu quả cao cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn đảm bảo kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các địa phương, khắc phục tình trạng chậm chễ trong đầu tư công, trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư hiện nay”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.


Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh. Ảnh: Bảo Nguyên
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh. Ảnh: Bảo Nguyên

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, trong đó các chỉ tiêu sử dụng đất được tính toán phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, theo Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất rất thấp, chỉ đạt khoảng 31% so với chỉ tiêu theo quy hoạch tỉnh, cụ thể một số loại đất như sau:

Chỉ tiêu chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp chỉ đạt 10.036,5 ha, bằng 31,3% chỉ tiêu quy hoạch.

Chỉ tiêu đất phi nông nghiệp tăng 10.984 ha, bằng 31,6% quy hoạch, trong đó: Đất khu công nghiệp tăng 2.326 ha, bằng 39% quy hoạch, nếu trừ chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung trong giai đoạn 2016-2020 tại Công văn số 1005/TTg-NN ngày 30/7/2020 thì đất khu công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 961,5 ha cho cả giai đoạn 2021-2025.

Quy hoạch sử dụng đất có thời hạn 10 năm, nếu việc chuyển mục đích được thực hiện phần lớn ở 5 năm kỳ đầu thì sẽ cho hiệu quả cao hơn là việc chuyển mục đích được thực hiện chủ yếu ở những năm cuối của kỳ quy hoạch.

“Vì vậy, để sớm phát huy hiệu quả của quy hoạch tỉnh, tránh lãng phí về thời gian, mất đi cơ hội phát triển của tỉnh, cử tri tỉnh Bắc Giang thiết tha kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu theo hướng bằng 65% chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch tỉnh hoặc cho phép sử dụng trước chỉ tiêu của kỳ sau (2026-2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh để thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và đấu thầu dự án có sử dụng đất”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh đề xuất.

Bảo Nguyên
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

Bảng giá đất mới của Hà Nội: Cần kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn tình trạng đầu cơ

Thủ tục pháp lý “cản bước” M&A bất động sản

Chuyên gia: Một lượng vốn khổng lồ vẫn đang “luẩn quẩn” ở thị trường bất động sản miền Bắc

Cuộc sống người dân đảo lộn vì cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè

"Chìa khóa" giải quyết tình trạng thổi giá rồi khuyến mại

Các sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện sẽ bị “xóa sổ” từ 31/12

Tin mới cập nhật

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

13 giờ trước

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

13 giờ trước

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

13 giờ trước

10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024

13 giờ trước

Các quỹ ETF tiền điện tử giảm gần 700 triệu USD do Fed cắt giảm lãi suất

1 ngày trước