Đất nền “đội giá”, Vĩnh Phúc tạm dừng giải quyết mua bán, chuyển nhượng mới
BÀI LIÊN QUAN
Căn hộ vùng ven Hà Nội đắt ngang nội thành nhưng vẫn cháy hàngMua đất theo kiểu "bỏ đó quên đi", 7 năm sau "ngã ngửa" khi môi giới báo giáNhà đầu tư "ôm" đất khóc ròng khi “cò đất” rời đi sau cơn sốt đất ảoMôi giới bất động sản bất ngờ vì giá đất tăng vọt
“Giá đất bây giờ có cao thật nhưng tiềm năng sẽ x3 trong năm tới”, nhân viên môi giới bất động sản tên Nguyễn Văn Thanh khẳng định chắc nịch với chúng tôi khi giới thiệu những lô đất ở Khu tái định cư thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.
Thanh giới thiệu, đây là khu đất dịch vụ, đã qua đấu giá quyền sử dụng đất và đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Nếu mua bây giờ thì có giá 2,5 đến 3 tỷ đồng/lô – diện tích 100 m2. Vài tháng nữa thì hoàn thành nền đường, bổ sung khuôn viên thì giá mỗi lô sẽ tăng lên trên 4 tỷ đồng (?).
Theo chân Thanh đi xem các vị trí phân lô, bán nền, chúng tôi gặp rất đông người làm môi giới nghiệp dư. Những tháng đầu năm, tình trạng đất “đội giá” ở Vĩnh Phúc khiến số lượng sàn giao dịch bất động sản mọc lên như nấm.
Tại một khu đất phân lô thuộc xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương có hàng chục nhà đầu tư được “cò” đưa về ngâm cứu thị trường. “Vị trí này rất đắc địa, gần trường học, uỷ ban xã và nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp Tam Dương. Chỉ từ nay đến cuối năm là có thể x2, x3 vì số lượng đất phân lô có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất ít”, môi giới này thao thao bất tuyệt.
Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi khu công nghiệp ở đâu thì Thanh nói đấy là quy hoạch, mình phải mua đầu tư bây giờ thì khi hình thành giá đất mới tăng cao chứ?!.
Khi hỏi chính quyền xã Hướng Đạo về nguồn gốc của khu đất phân lô nói trên chúng tôi được biết, trước đây là đất trồng cây lây năm và có một ít đất ở. Sau đó một công ty mua lại, san ủi, nâng cấp mặt bằng. Do đất thổ cư ít (khoảng 10% tổng diện tích) nên phía công ty đăng ký biến động đất, mua thêm đất thổ cư rồi làm thủ tục tách thửa với diện tích từ 60 – 120m2/lô. Nhờ các sàn giao dịch bất động sản và “cò” đất, thậm chí rao bán trên mạng mà chỉ một thời gian ngắn giá đất ở đây đã tăng cao, không tương xứng với giá trị thực tế ở khu vực lân cận.
Trong khi đó, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai của huyện Tam Dương cho biết, việc đóng thêm tiền mua đất thổ cư và tách sổ phân lô bán nền các tổ chức, cá nhân đều làm đúng theo quy định của Luật đất đai. Còn về việc tăng giá bất thường, “sốt ảo” thì văn phòng không thể can thiệp được.
Tương tự, tại TP Vĩnh Yên hay các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Yên Lạc, Vĩnh Tường… cũng rơi vào cơn sốt đất. Ở những khu vực đất phân lô có cả người già, người trẻ, công viên chức đi tìm đất để đầu tư. "Dịch bệnh khó khăn, giá vàng cũng đã đạt đỉnh nên khó mua kiếm lời. Giờ chỉ có dồn tiền vào đất may ra có cơ hội gấp đôi, gấp ba khoản vốn", anh Đào Văn Tấn (34 tuổi ở Yên Lạc) chia sẻ.
Trong vai là nhà đầu tư đi tìm mua đất, chỉ cần hỏi quán nước, xe ôm hay các hộ dân kinh doanh hàng tạp hoá thì ai cũng giới thiệu tường tận những lô đất cần bán và sẵn sàng có người đưa chúng tôi đi xem tận nơi. Chủ quán nước vỉa hè còn có cả bản đồ quy hoạch và giới thiệu cho chúng tôi lô đất 100m2 giá 3 tỷ đồng ở khu đất tái định cư ở Thiện Kế. Theo lời người này, dù mới chuyển ra khu tái định cư nhưng thấy giá đất tăng nên chủ đất muốn bán để lấy tiền về quê xây nhà.
Tiếp tục đi khảo sát các khu đất gần chợ đầu mối Thổ Tang của huyện Vĩnh Tường, có đến hàng chục nhân viên môi giới, “cò” đất tụ tập để làm nóng thị trường. Các tấm biển rao bán giá đất từ 39 triệu/m2 đến cả trăm triệu đồng treo khắp nơi. Trong khi đó, ở TP Vĩnh Yên, những dự án lớn như khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc, khu phố mới Fairy Town, khu nhà ở hỗn hợp An Phú Residence, khu đô thị Nam Vĩnh Yên… đều được "cò" đẩy giá lên 30-50% so với giá của chủ đầu tư bán ra.
Tại một số dự án chưa hoàn thiện mặt bằng cũng xuất hiện tình trạng huy động vốn, rao bán dưới hình thức góp vốn. Còn đất nền các khu vực phường Đồng Tâm, Liên Bảo, gần khu trung tâm hành chính đã được thổi lên trên 60 triệu/m2 trong khi năm ngoái giá đất ở khu vực này khoảng 35 triệu/m2.
Thị trường đất nền sôi động kéo theo các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cũng tăng cao. Bản thân các nhân viên môi giới bất động sản khi chúng tôi hỏi cũng không thể lý giải vì sao giá đất tại tăng vọt từ đầu năm đến nay. Có lô đất sang một tuần đã được đẩy đi với giá cao hơn, hoa hồng môi giới nhận được khoảng 20 triệu đồng/lần giao dịch thành công. Đây là lý do khiến trong tháng 3/2022, các văn phòng công chứng luôn tấp nập người ra vào, trong số đó có không ít người dân vay tiền ngân hàng để đầu cơ đất, “lướt sóng” kiếm lời.
Giá đất đang cao hơn giá trị thực tế
Trước tình trạng các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp có dấu hiệu đầu cơ đất tạo sốt ảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền. Bên cạnh đó, cần phải xác minh, xử lý nghiêm một số chủ đầu tư dự án huy động vốn, quảng cáo, rao bán sản phẩm khi chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, gây phát sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao Công an tỉnh theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá làm “bong bóng” thị trường bất động sản trên địa bàn.
Được biết, hiện này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 60 dự án đô thị, nhà ở và 12 sàn giao dịch bất động sản. Vừa qua, lực lượng chức năng đã sử phạt một số chủ đầu tư và sàn giao dịch khi không công khai thông tin quy hoạch xây dựng, huy động vốn và bán sản phẩm chưa đủ điều kiện.
Các ban ngành chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp để siết chặt công tác quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản. Thực tế, Vĩnh Phúc từng xảy ra tình trạng sốt đất ảo, mua bán giá quá cao so với mắt bằng chung của thị trường. Đây là lý do trong năm ngoái, Sở Tài nguyên Môi trường yêu cầu các văn phòng đăng ký đất đai chỉ được cấp quyền sử dụng đất với với những khu vực phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với phân lô, tách thửa đất nhỏ phải được UBND cấp huyện, thành phố cho phép trên cơ sở đồng thuận của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng khẳng định - địa phương này đang từng bước xây dựng khu đô thị hiện đại, tạo vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và liên kết chặt chẽ với thủ đô Hà Nội. Vĩnh Phúc còn hướng đến phát triển du lịch sinh thái, tâm linh như Đại Lải, Tây Thiên, Thanh Lanh… Tuy nhiên, để quy hoạch và phát triển đồng bộ cần lộ trình và thời gian, còn việc “sốt đất” như hiện nay phản ánh không đúng giá trị thực tế, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và phát triển kinh tế xã hội bền vững ở các huyện, thành phố.