Đất đấu giá Hà Đông “vượt mặt" một số khu vực trung tâm Hà Nội
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Địa phương có thể điều chỉnh giá khởi điểm đấu giá đất nếu thấy không phù hợpBức tranh tương phản về đất đấu giá tại các tỉnhCông khai người đấu giá cao rồi bỏ cọc: Chưa đủ sức răn đeSau gần 15 giờ đồng hồ, từ 8 giờ 30 sáng đến hơn 23 giờ ngày 19/10, phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội đã kết thúc với 27 thửa đất tìm được chủ sở hữu. Mức giá trúng cao nhất gấp 8 lần khởi điểm ghi nhận 262 triệu đồng/m2. Các lô đất còn lại có giá trúng dao động từ 146 triệu đồng - 183 triệu đồng/m2.
Đất đấu giá “qua mặt”khu trung tâm
Mức trúng đấu giá cao nhất này đang gây nhiều tranh cãi khi vượt xa giá rao bán tại nhiều khu vực trung tâm. Chẳng hạn như nhiều căn nhà tại quận Hai Bà Trưng hiện nay đang được rao bán với giá khoảng 130-142 triệu đồng/m2. Hay như tại quận Ba Đình, giá rao bán cũng chỉ ở mức trên 155 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, theo bảng giá hiện hành của Hà Nội (được áp dụng đến 31/12/2025), giá trúng đấu giá tại Hà Đông còn "vượt mặt" các quận như Ba Đình (132,6 triệu đồng/m2), Hai Bà Trưng (106,7 triệu đồng/m2), Đống Đa (92,8 triệu đồng/m2), Tây Hồ (78,8 triệu đồng/m2), và Hoàn Kiếm (160 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, giá rao bán tại quận Hà Đông dao động từ 50 triệu đến hơn 170 triệu đồng/m2 tùy khu vực, trong đó khu vực phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (nơi có đất đấu giá) có giá trung bình khoảng 70-130 triệu đồng/m2. Điều này cho thấy giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua cao gấp 1-2 lần so với mức giá phổ biến.
Trước đó, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện lập danh sách những trường hợp trả giá cao hơn thị trường nhưng không nộp tiền, và danh sách này sẽ được công khai. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được thực hiện, trong khi nhóm "cò đất" vẫn hoạt động mạnh mẽ.
Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều “cò đất” đã chực chờ tại phiên đấu giá đất quận Hà Đông từ rất sớm để chuẩn bị “hành động”. Theo đó, khi vòng đấu thứ 9 vẫn đang diễn ra nhưng phía bên ngoài “cò đất” đã bắt đầu chào bán giá chênh công khai tới 600 triệu đồng/lô. Càng về gần cuối phiên đấu giá, mức giá chênh càng giảm dần, còn dao động 200 – 400 triệu đồng/lô.
Theo một môi giới trúng 7 lô đất và bán ngay tại bên ngoài phòng đấu giá, gia đình chi có 20 người cùng tham gia, đăng ký đấu tất cả 27 lô. Cũng theo môi giới này, nhóm của chị theo phương án đấu “an toàn, giá cao qua thì rút”.
Trong khi đó, một người dân địa phương cũng tham gia đấu giá cho biết, người có nhu cầu dùng đất thực sự khi tham gia đấu giá chỉ xác định giá mục điêu cao nhất là 120 triệu đồng/m2. Với mức giá như hiện nay, họ đều đồng loạt “bỏ cuộc” bởi cho rằng đây là mức “quá ngáo”.
"Trào lưu" đấu giá đất
Không chỉ người dân, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự hoang mang đối với mức giá trúng tại quận Hà Đông ngày 19/10. Theo ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam, bày tỏ lo ngại về việc những người tham gia đấu giá phần lớn thuộc nhóm đầu tư và đầu cơ, không phải người có nhu cầu thực sự như tại phiên đấu giá huyện Thanh Oai hồi tháng 8.
Cũng theo ông Toản, từ một khu đất không ai ngó tới nhưng sau phiên đấu giá đã tăng gấp nhiều lần mặt bằng chung sẽ khiến sản phẩm bài bản của doanh nghiệp không thể bán được như giá trúng, Nhà nước khi thu hồi đất cũng sẽ gặp khó khăn do người dân vì chênh lệch giá được bồi thường với giá đấu giá.
Một số chủ doanh nghiệp bất động sản tại quận Hà Đông cũng tỏ ra thất vọng trước mức giá "ảo" của phiên đấu giá này cũng như các phiên đấu giá gần đây ở Hoài Đức, Đan Phượng, và Thanh Trì. Họ thậm chí đặt ra nghi vấn về sự can thiệp của một "bàn tay" nào đó đang lợi dụng các cuộc đấu giá để đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi.
Việc nhà đầu tư thông qua đấu giá, sẵn sàng đẩy giá đất lên cao ngất ngưỡng rồi bỏ cọc đang để lại hậu quả nặng nề mà quản lý nhà nước vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đất đấu giá được đẩy lên quá cao đã tác động đến mọi phân khúc bất động sản và gia tăng hiện tượng đầu cơ đất đai, làm lũng đoạn thị trường bất động sản.
Tình trạng “lướt sóng” kiếm lời đẩy rủi ro cho người mua cuối. Giá đất bị thổi phồng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản, thiệt hại cho nền kinh tế mà còn gây khó khăn lớn cho người dân trong việc tiếp cận nhà ở, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, cho rằng tình trạng bỏ cọc diễn ra tràn lan khiến những người trả giá cao nhưng không nộp tiền coi như một "trò đùa".
Việc đẩy giá lên cao mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính là một chiêu trò không mới, có thể tạo ra mặt bằng giá ảo cho các phân khúc nhà ở lân cận, dù giao dịch thực tế vẫn chưa hồi phục. Trong bối cảnh thị trường "hỗn loạn về giá", nhà đầu tư có thể lợi dụng việc này để trục lợi.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh cũng bày tỏ quan điểm về thực trạng lũng đoạn, thổi giá đất khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân khó tiếp cận vì giá đất vượt quá khả năng chi trả.