Đã có hiện tượng tranh thủ “thoát hàng” tại khu vực vừa gây "sốt" đấu giá đất Thanh Oai
BÀI LIÊN QUAN
Đấu giá đất ngoại thành, giá trúng cao bất thường: Có phải nhằm tạo sóng "lùa gà"?Đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng đấu giá biển số đẹp xong bỏ cọcVi phạm quy định đấu giá đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sựPhiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thông Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) diễn ra sáng ngày 10/8 đang gây sốt thị trường đất nền Hà Nội khi có giá khởi điểm 8,6 – 12,5 triệu đồng/m2 nhưng giá đấu thành công gấp 5 đến 6,4 lần. Cá biệt có lô góc có giá trúng cao nhất gần 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm.
Đã có dấu hiệu hạ nhiệt
Ngay sau phiên đấu giá, đã có nhiều nhà đầu tư lập tực rao bán chênh từ 300 – 500 triệu đồng/lô. Tuy nhiên, đến nay đã có một số người bán hạ giá chênh xuống còn quanh mức 100-200 triệu đồng/lô, thậm chí bán lỗ so với giá trúng.
Đơn cử, lô đất LK04-2 có diện tích gần 61m2 có giá trúng hơn 4,24 tỉ đồng, tương đương gần 70 triệu đồng/m2 đang được chào bán với giá 4,1 tỉ đồng, tức lỗ 140 triệu đồng so với giá trúng. Hay như một nhà đầu tư cũng nộp hồ sơ nhưng không đấu giá thành công chia sẻ, hiện cũng đã có một số người ngỏ ý muốn sang tay, rao bán cắt lỗ nhẹ từ 50 – 100 triệu đồng.
Cũng theo nhà đầu tư này, những lô trúng đấu giá 90 – 100 triệu đồng/m2 có khả năng bỏ cọc cao bởi tiền cọc thấp chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng/lô. Những lô này chỉ có “nhiệm vụ” tạo điều kiện để rao bán những lô 50 triệu đồng/m2 với số tiền chênh có thể lên đến vài trăm triệu.
Cũng có trường hợp nhà đầu tư theo tâm thế “được ăn cả, ngã về không”, trong trường hợp có thể sang tay luôn với mức giá chênh từ 100 – 200 triệu đồng, còn nếu không bán được sẽ chấp nhận bỏ cọc.
Một môi giới bất động sản tại huyện Thanh Oai cho biết, giá đất trong khu vực huyện thời điểm “sốt” năm 2021 cũng chỉ rao bán từ 40 - 45 triệu đồng/m2. Từ đó đến nay, giá đất giảm mạnh, chủ yếu ở mức từ 20- 30 triệu đồng/m2, một số vị trí đẹp hơn cũng chỉ đến 40 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch rất ít.
Trong khi đó, hạ tầng quanh khu vực này bao nhiêu năm không có gì thay đổi, với mức giá trúng chủ yếu từ 80-90 triệu đồng/m2 nếu chủ đất không chuyển nhượng sớm thì có khi phải ôm đất vài năm tới và dễ xảy ra tình trạng cắt lỗ trong tương lai. Trong trường hợp không đủ tiền nộp thì việc bỏ cọc là chắc chắn sẽ diễn ra.
Cũng theo môi giới này, sự thực sẽ được biết rõ sau 50 ngày nữa, là thời điểm người trúng đấu giá phải thanh toán tiền mua đất, các lô bị bỏ cọc sẽ phải tổ chức đấu giá lại.
Có thể là chiêu “thoát hàng”
Bên cạnh tình trạng cắt lỗ nhẹ, trong những ngày qua, trên các trang đăng tin bất động sản cũng xuất hiện nhiều hơn những bài đăng bán đất nền tại xã Thanh Cao – khu vực có đất đấu giá với lịch sử giá rao bán cũng có xu hướng đi lên.
Chia sẻ về diễn biến đất đấu giá những ngày qua tại Thanh Oai, anh Thanh Tùng – nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho biết, bên cạnh chiêu “lướt cọc ăn chênh” còn có một chiêu trò khác là “cá mập đánh sóng”. Cụ thể, một nhóm các nhà đầu tư “tay to” nắm được nhiều thông tin trước đó đã bỏ tiền mua gom đất tại khu vực này, sau đó chờ phiên đấu giá diễn ra, tạo hiệu ứng giá cao, rồi đồng loạt bán ra.
Anh Tùng cho biết, ngay sau phiên đấu giá, sẽ tạo một làn sóng “đất Thanh Oai lên tầm cao mới” khiến người dân đang có ý định bán đất sẽ suy nghĩ lại bởi cho rằng giá đất có thể cao hơn. Khi đó, các “tay to” sẽ tiến hành xả hàng gom trước đó.
Giới chuyên gia nhận định, những hành vi này khiến thị trường nhà đất trở nên hỗn loạn, người dân có nhu cầu thực không mua được nhà, hoặc phải mua với mức giá cao, “biến” những phiên đấu giá đất với mục đích tốt thành môi trường tạo “cầu ảo” trên thị trường, khiến đất vùng ven tiếp tục bị đẩy cao hơn nữa.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải siết chặt hơn công tác tổ chức đấu giá, có thể đưa mức đặt cọc lên cao hơn, xử lý mạnh tay hơn với hành vi bỏ cọc và các hành vi tiêu cực trong đấu giá đất, góp phần ổn định lại thị trường.