Công khai quy hoạch liệu có chặn được sốt đất ảo?
BÀI LIÊN QUAN
Siết tín dụng vào bất động sản chưa chắc đã kìm được giáThanh khoản thấp, lo ngại tái diễn lại "vết xe đổ" bất động sảnMỗi giai đoạn sốt giá, bất động sản tăng lên gấp 10 lầnTheo Thời Báo Kinh Doanh, trên thực tế, kể từ cuối năm 2020, khi giá đất liên tục nhảy múa, có không ít địa phương đã ra "tối hậu thư" nhằm công khai quy hoạch, tuy nhiên do quá trình thực hiện còn những hạn chế dẫn tới tình trạng nhiều nơi xuất hiện hiện tượng lợi dụng hoặc đưa sai thông tin quy hoạch khiến cho giá đất bị sốt ảo.
Giá đất "nhảy múa" lên xuống theo quy hoạch
Trong hai năm qua, giá đất vùng ven thành phố Hà Nội liên tục gia tăng chóng mặt, thiết lập nên những mặt bằng mới. Đặc biệt là khi xuất hiện thông tin đề xuất lập "thành phố trong thành phố", triển khai dự án đường Vành đai 4 hay nhiều dự án nghìn tỷ khác.
Một môi giới nhà đất ở khu vực Sóc Sơn - anh Trần Minh Hoàng chia sẻ, sau khi có thông tin dự án đường Vành đai 4 và dự án khu công nghiệp sạch Sóc Sơn sắp được triển khai, trung bình mỗi ngày anh đưa khoảng từ 10-15 lượt khách đi xem đất. Mức giá của các lô đất đẹp tăng theo tuần, thậm chí theo ngày.
"Hồi cuối tháng 3 năm 2022, một khách hàng của tôi mua thành công lô đất rộng 2.500m2 ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, trị giá 7,2 tỷ đồng. Đến nay, bất chấp những thông tin về thanh khoản thấp, rồi khó thoát hàng cắt lỗ, nhưng lô đất này hiện có giá 8,3 tỷ đồng, chủ đất chưa muốn bán", anh Hoàng cho biết.
Cùng với dự án Vành đai 4, mới đây khi đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống được phê duyệt, dẫn tới nhiều nhóm đầu cơ nhảy vào "ăn theo" đã khiến cho thị trường nhà đất ở các khu vực lân cận như Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì... có hiện tượng "tăng ảo", bỏ xa giá trị thực.
Có thể thấy, cứ mỗi khi xuất hiện thông tin quy hoạch gì thì thị trường bất động sản khu vực đó sẽ có biến động. Không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng..., mà hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Để ngăn chặn tình trạng, nhiều địa phương đã phát "lệnh" công khai quy hoạch.
Điển hình như tại Quảng Ngãi, khi xuất hiện dấu hiệu sốt đất ăn theo dự án đường Dung Quất - Sa Huỳnh, thị xã Phổ Đức đã nhanh chóng công khai các quy hoạch đô thị, kế hoạch xin đất, nhằm hạ nhiệt thị trường, giúp cả nhà đầu tư và người dân đều nắm được thông tin.
Tương tự, tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng "sốt đất". Giá đất tại khu vực này đã cao hơn khoảng từ 100-300 triệu đồng so với thời điểm cuối năm ngoái. Trước tình trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, đang dự kiến công khai thông tin về quy hoạch, nhằm tránh tin đồn thổi.
Hay mới đây, thông tin cụ thể về 28 dự án chưa được phép chuyển nhượng, chưa được phân lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở... được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc chính thức công bố trên trang thông tin điện tử và phổ biến đến tận cấp xã, cấp phường.
Liệu minh bạch có hạ được nhiệt?
Trường phòng Quản lý nhà, Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc - ông Lê Đức Thế cho biết, việc công khai thông tin về các dự án bất động sản nhằm giúp người dân có thể tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư, hạn chế những rủi ro, tranh chấp pháp lý trong tương lai. Đồng thời, cũng giúp cho thị trường tỉnh phát triển bền vững hơn.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá rằng: "Thông tin quy hoạch rộng rãi và sự can thiệp kịp thời của các cơ quan quản lý chính quyền địa phương khi có các dư luận không đúng thì tôi cho rằng việc đó là hết sức cần thiết và bản thân các nhà đầu tư cá nhân cần phải tìm đến những thông tin chính thống của các cơ quan quản lý".
Có thể nói, việc thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt là trách nhiệm của chủ đầu tư. Thế nhưng để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định thì việc công khai và minh bạch thông tin quy hoạch là nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Mục đích của việc một số đối tượng tung tin đồn thổi về quy hoạch là để kích động tâm lý đám đông, gây nhiễu loạn thông tin từ đó đẩy giá nhà đất lên cao nhằm trục lợi bất chính. Vì thế, "lệnh" công khai quy hoạch của nhiều địa phương nhằm giảm nhiệt sốt đất được các chuyên gia rất đồng tình.
Cần nhấn mạnh, công khai quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để ngăn chặn sốt đất và đầu cơ. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do, công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Có không ít quy hoạch vẫn chỉ ở trên giấy mà chưa đến được với người dân.
Một nhà đầu tư đất nền tại Hà Nội, anh Lê Minh Khôi chia sẻ: "Khi tìm thông tin quy hoạch trên mạng hầu hết đều không chính thống, còn khi đến cơ quan chính quyền để hỏi quy hoạch thì phải có quan hệ hoặc không thì phải làm thủ tục yêu cầu theo trình tự khá rắc rối".
Trước đòi hỏi của thực tế, theo các chuyên gia, việc công khai quy hoạch cần được công khai và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, sau đó mới được mời các nhà đầu tư vào.
Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến cáo giúp minh bạch hóa thông tin quy hoạch và thị trường là áp dụng công nghệ thông tin để số hóa và công khai dữ liệu về quy hoạch và thị trường qua hệ thống các cổng thông tin hay ứng dụng trên di động.
Trong bối cảnh thị trường đang diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia, việc công khai, minh bạch hóa thông tin quy hoạch là điều không thể chậm trễ thêm. Bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thì bản thân các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi ăn theo quy hoạch, xuống tiền đúng nơi, tránh nơi vào "bẫy" của những nhóm đầu cơ.