Công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì khiến dự án xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô thu hút loạt “ông lớn” ngành bất động sản muốn tham gia? Những dự án BĐS tiềm năng hưởng lợi từ tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đôKhu vực nào hưởng lợi từ dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và vành đai 3 TPHCM?Theo vov.vn, mới đây, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh tổ chức công bố và bàn giao chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ Quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, tỷ lệ 1/500.
Theo Quyết định số 3645/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ Quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, tỷ lệ 1/500, tuyến đường có chiều dài khoảng 9,6 km, điểm đầu tuyến đường giao với Quốc lộ 32, điểm cuối giao với đê tả Hồng.
Hướng tuyến của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng các huyện Đan Phượng, Mê Linh, Quy hoạch các phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng được duyệt; thống nhất với hướng tuyến đường theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đường Vành đai 4 là đường cao tốc có thành phần cao tốc ở giữa và đường gom (đường đô thị) song hành hai bên. Tuyến đường có bề mặt rộng mặt cắt ngang điển hình rộng 120m gồm: đường cao tốc 6 làn xe, đường gom song hành (đường đô thị) hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai, các hành lang để bố trí cây xanh.
Theo quy hoạch, dọc tuyến đường Vành đai 4, từ Quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà, bố trí 3 nút giao khác mức (1 nút giao liên thông với Quốc lộ 32 và 2 nút giao trực thông với trục Tây Thăng Long và đê Hữu Hồng). Phạm vi xây dựng và hình thức nút giao hoàn chỉnh sẽ được xác định chính xác theo quy hoạch chi tiết hoặc dự án đầu tư riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong khu vực nút giao, phạm vi xây dựng tuyến đường Vành đai 4 được xác định theo dự án đầu tư xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Các đường ngang khác giao với đường Vành đai 4, chỉ tổ chức đấu nối vào đường gom song hành. Các đường ngang sẽ được nghiên cứu bổ sung, xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc dự án đầu tư tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chỉ giới đường đỏ được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.
UBND các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh được giao nhiệm vụ quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ tuyến đường được duyệt.
Việc cắm mốc giới tuyến đường và thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thuộc dự án thành phần 1.1 sẽ được thực hiện đồng thời. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Trước đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Theo Quyết định dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, trong đó 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Điểm đầu của tuyến đường tại Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; điểm cuối của tuyến đường tại Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh thành, đoạn đi qua Hà Nội dài khoảng 58,2 km; tỉnh Hưng Yên là khoảng 19,3 km,; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km. Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, gồm 7 dự án thành phần.