Cổ nhân dạy cách tạo nên phú quý: Nắm giữ 3 phương châm để cả đời giàu sang, hạnh phúc
Lời nói của bạn thế nào thì cuộc sống của bạn cũng sẽ như thế. Người nói chuyện tử tế mới có thể thay đổi được vận mệnh. Người thông minh sẽ biết rèn luyện cho mình một cái miệng phú quý. Miệng người giống như nơi chứa tiền. Miệng nói lời ngọc ngà, phúc khí ắt cũng sẽ tự đến. Vì thế người xưa mới nói: Miệng nhả châu, giàu sang cả đời!
Đặc biết, nếu muốn cả đời giàu sang, hạnh phúc, may mắn, cần nhớ rõ 3 phương châm quan trọng sau.
1. Tích khẩu đức là tích phúc khí
Người xưa có câu: Đứt tay để lại sẹo, lời nói ác độc đã thốt ra khỏi miệng thì khó mà rút lại được. Làm người cần phải có khẩu đức, không nên nói những lời xấu, dùng lời lẽ tử tế để đối nhân xử thế. Theo lời dạy của Quỷ Cốc Tử, con người cần phải biết mở miệng, khép miệng đúng lúc.
Lời này nghe có vẻ dễ nhưng thực hiện thì khó. Nên nhớ, phúc từ miệng mà đến, họa từ miệng mà ra. Cách tạo nghiệp nhanh nhất chính là lời nói cửa miệng. Nếu nói mà không biết kiểm soát thì dễ dàng đắc tội với nhiều người. Trên đường đời mỗi người, kẻ thù đầy rẫy, con đường luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, chông gai. Muốn cuộc đời trở nên giàu sang, phú quý, đầu tiên phải nuôi dưỡng được cái miệng, học cách nói lời hay, lời đẹp.
Gia đình có phúc thì mỗi thành viên phải biết tu tâm dưỡng tính. Khi nói chuyện với người khác hãy thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và cảm thông. Họ biết cách nói chuyện để đối phương cảm thấy thoải mái và nảy sinh sự hảo cảm, muốn gần gũi và kết bạn với bạn.
Miệng nói lời thiện thì sẽ tạo nghiệp thiện, tu dưỡng nên duyên thiện lành. Nếu miệng rèn được cách nói những lời hay ý đẹp, không châm chọc, soi mói hay làm tổn thương người khác, nói chuyện với tâm từ bi thì càng dễ gây thiện cảm, dễ kết bạn, xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp, gia đình hạnh phúc, tài lộc dồi dào.
2. Hiểu được 5 đại kỵ trong giao tiếp
Quỷ Cốc Tử từng nêu ra 5 đại kỵ về giao tiếp trong “Quỷ Cốc Tử - Mưu Thiên” như sau:
Một, người bệnh: Nói chuyện không có sức lực, thiếu đi cái hồn, làm chuyện gì cũng thiếu sức, không có chí tiến thủ.
Hai, người than vãn: Luôn thích than thân trách phận, lúc nào quanh mình cũng tràn ngập năng lượng tiêu cực, gặp chuyện gì cũng không có chủ kiến và không biết tìm cách giải quyết, chỉ biết ngồi một chỗ mà kêu trời kêu đất, cảm thấy bi quan.
Ba, người đa cảm quá độ: Những người này thường đa sầu đa cảm, chất chứa quá nhiều cảm xúc chủ yếu là tiêu cực, trầm mê đắm đuối trong thế giới của mình, khiến người khác khó lòng thấu hiểu và hòa nhập.
Bốn, người nổi giận: Dễ mất kiểm soát về mặt cảm xúc, hỉ nộ diễn biến vô cùng cực đoan, từ đó nói ra những lời quá đáng, khiến người khác tổn thương.
Năm, người quá vui: Những người này đắc ý đến mức quên luôn những gì của hiện tại, từ đó họ hành sự lố lăng, không có chừng mực, nói nhưng không biết lựa lời, dễ khiến người khác cảm thấy ghen ghét và sinh lòng thù hận. Vì thế, người ta mới nói rằng: Vui quá cũng hóa bi thương.
Một người lúc nào cũng than ngắn thở dài, kêu khóc kêu nghèo kể khổ và có những cảm xúc tiêu cực thì đương nhiên sẽ không biết thỏa mãn. Điều này khiến phúc khí tự động rời xa, làm chuyện gì cũng dang dở, không thành công.
Trong cuộc sống, dù làm điều gì cũng chỉ nên duy trì ở mức độ vừa phải, sống mà chỉ biết tiêu cực thì ngày tháng về sau sẽ càng thêm thê thảm, khó khăn. Muốn gia đình hưng thịnh, cuộc sống mỹ mãn thì con người cần phải học cách thỏa mãn với những gì mình đang có. Đồng thời, nên rèn luyện cái miệng của mình biết cách “hài lòng” với bản thân, với cuộc sống.
Trời có giông tố, đời người luôn có hoạn nạn. Phú quý chỉ đến với những người biết kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân. Họ biết dùng cái đầu lạnh để đối nhân xử thế, tích phúc từ những câu nói thốt ra từ miệng.
3. Nói chuyện chân thành
Con người chỉ mất 2 năm để học nói, nhưng phải mất cả đời để học cách im lặng. “Im lặng là vàng”, nếu không am hiểu nghệ thuật giao tiếp thì hãy im lặng. Không hiểu chuyện, không nên nói; không biết rõ ràng, nên im lặng… Nếu không, họa sẽ từ miệng mà ra.
Trong “Quỷ Cốc Tử - Quyền Thiên”, Quỷ Cốc Tử đã giảng giải rất nhiều các cách khác nhau để giao tiếp với những đối tượng khác nhau trong xã hội. Cụ thể, khi nói chuyện với người trí tuệ, cần vận dụng kiến thức một cách tối đa, biết nhìn xa trông rộng. Nói chuyện với người giàu thì cần phải thanh lịch, khiêm tốn và thông minh vừa đủ.
Khi nói chuyện với người có địa vị thấp thì nên nói từ tốn, chuẩn mực, không nên khoe khoang quá đà, cẩn thận không lại động chạm đến lòng tự tôn của đối phương, bởi nhóm người này thường rất nhạy cảm.
Khi nói chuyện với người gây ra lỗi lầm (có thể chấp nhận được) thì không nên chỉ trích, soi mói. Thay vào đó, hãy cổ vũ, động viên, mang đến cho họ sự tự tin để sửa chữa và làm lại từ đầu.
Trong cuộc sống, hãy dùng con tim chân thành để giao tiếp, biết cách suy nghĩ cho người khác. Biết đặt bản thân vào vị trí của đối phương để có cái nhìn khách quan hơn.
Thế mới nói, một con người giàu sang phú quý, vui vẻ và hạnh phúc chính là người biết nói lời hay ý đẹp, có lòng tốt và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.