Du lịch chăm sóc sức khỏe là tổng hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nghỉ dưỡng, chữa bệnh - phục hồi sức khoẻ, thẩm mỹ kết hợp với cảnh quan thiên nhiên - môi trường, văn hoá tín ngưỡng, ẩm thực và giao lưu cộng đồng đồng.
Bàn về tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở nước ta, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chia sẻ, Việt Nam là đất nước sở hữu đường bờ biển dài 3.260km cùng nhiều bãi tắm tuyệt đẹp thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm như Trà Cổ, Hạ Long, Cát Bà, Ðồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc… Ngoài ra, chúng ta còn được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, nơi chứa đựng những bãi biển nhỏ, yên tĩnh, rất phù hợp để phát triển du lịch nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, đa dạng, có giá trị y học, được sử dụng để chữa bệnh, điều dưỡng. Cụ thể, Ngành địa chất nước ta đã phát hiện được khoảng gần 400 nguồn khoáng nóng trên cả nước, trong đó, có đến 287 nguồn được phân thành 11 loại khác nhau, vừa dùng để chữa bệnh và dùng cho cả việc khai thác nguồn nước uống. Những địa điểm trên đã trở thành nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng
Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu hệ thống cây dược liệu khổng lồ với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng để làm thuốc trong y học. Hiện nay, có trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho hơn 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất.
Chưa hết, Việt Nam còn được biết đến là một đất nước có hệ thống các di tích lịch sử lâu đời với nhiều chùa, tịnh xá được xây dựng cùng hệ thống thiền viện đặc sắc, cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác và phát triển các du lịch nói chung và du lịch gắn với Thiền, Yoga nói riêng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhất là du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên.
Nhìn thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, từ lâu các nhà đầu tư lớn đã bắt tay vào đầu tư xây dựng và mang đến cho thị trường các sản phẩm suối khoáng nóng như: khu suối khoáng nóng Quang Hanh (Quảng Ninh), Thanh Thủy (Phú Thọ) khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) đang được đầu tư …
Cùng một số khu du lịch hiện nay cũng đã ưu tiên việc cung cấp các dịch vụ tắm bùn, xông hơi, spa, mát-xa như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V- resort tại Hòa Bình, khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn – Bình Châu tại Vũng Tàu…
Những dự án đều được xây dựng dựa trên nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách và mục tiêu đưa đến cho khách hàng những dịch vụ mới mẻ, đa dạng và hấp dẫn. Các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng đã đưa đến cho thị trường nhiều sự kết hợp độc đáo thú vị.
Du lịch spa và nghỉ dưỡng: Được biết đến là loại hình spa với quy trình trị liệu tổng hợp, với đầy đủ các giáo dục chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, ăn uống, điều trị. mặc dù là dịch vụ mới xuất hiện đây là sản phẩm chất lượng, đóng góp thị phần lớn vào sự phát triển của toàn ngành du lịch.
Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền: Đưa y học cổ truyền vào khai thác cùng với các sản phẩm du lịch là ý tưởng được đánh giá rất cao. Với các sản phẩm nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách như Chương trình du lịch châm cứu nhằm nâng cao sức khỏe và chữa bệnh. Hay mô hình du lịch kết hợp với khám chữa bệnh. Đến với các sản phẩm này, du khách sẽ được trải nghiệm trực tiếp tại vườn cây thuốc quý hiếm, khu vực bào chế hàng ngàn sản phẩm Đông dược. Tại những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên mang nét đẹp hoang sơ, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Du khách sẽ được sử dụng các liệu liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng bằng các bài tập yoga hay ngồi thiền.
Du lịch giảm cân: Tận dụng những địa điểm có địa hình thiên nhiên có cả núi và biển, các sản phẩm của du lịch giảm cân mang đến cho du khách một khu nghỉ dưỡng với bài tập vận động: bơi lội, leo núi, chạy bộ trên bãi biển, … Sau mỗi buổi tập, du khách sẽ được thư giãn bằng những hoạt động mát xa, ngâm bùn khoáng, tắm thuốc thảo dược hoặc cũng có thể lựa chọn hình thức đi cắm trại trên đảo, bãi biển, ....
Khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nhằm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe là yếu tố góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch tại thị trường Việt Nam.
Nằm trong “top” những quốc gia có số lượng người dân tìm đến các dịch chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng lớn do hậu quả của chiến tranh, tai nạn giao thông, dịch bệnh… Cụ thể, có khoảng trên 4 triệu người bị ảnh hưởng hậu quả sau chiến tranh. Tác động của bệnh COVID-19 và tỉ lệ gia tăng bệnh không lây nhiễm nằm ở mức cao khiến nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cũng tăng lên nhanh chóng. Theo Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật 1 được tiến hành năm 2016 nước ta có trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ già hoá dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, dự báo đến năm 2038, dân số trên 60 tuổi đạt mức 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2050.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích, trên thế giới nói chung và ở các nước phát triển nói riêng, họ coi trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe bởi đây không chỉ là đầu tư kinh doanh mà còn đáp ứng được nhu cầu tất yếu của xã hội là nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân, trở thành xu hướng phát triển trong tương lai.
"Phát triển hệ thống bất động sản kết hợp nghỉ dưỡng là xu hướng tất yếu của thời đại. Xu hướng đầu tư này đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế. Khi các nhà đầu tư mới dừng lại ở việc nghỉ ngơi, an dưỡng chứ chưa triển khai được những dịch vụ du lịch kết hợp với chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng với sự tham gia của nhân viên y tế", PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Hiện tại, chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển từng ngày, nhu cầu sống, hưởng thụ của con người ngày càng lớn, chính vì vậy mức chi tiêu cho những trải nghiệm cuộc sống cũng đang được nâng lên. Bởi vậy, chỉ dừng lại ở du lịch đơn thuần là không đủ, mà thay vào đó lựa chọn địa điểm du lịch phải đáp ứng được các yếu tố nghỉ ngơi, thư giãn, cải thiện được sức khoẻ và đời sống tinh thần.
Năm 2017, lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu đạt 617 tỷ USD và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến năm nay sẽ tăng lên 816,5 tỷ USD và đạt mức 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.
Luật Du lịch năm 2017 của nước ta đã quy định dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch là những loại hình dịch vụ do các tổ chức, cá nhân trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhằm phục vụ nhu cầu về nâng cao sức khỏe, thể chất tinh thần của khách du lịch. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại.
Tuy nhiên, đến nay loại hình này của Việt Nam còn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phổ biến nhất là spa và tắm nước khoáng nước nóng với nhiều cơ sở hoạt động phục vụ khách du lịch, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khác hiện nay còn rất ít.
Một số chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên. Trước hết, do bất động sản, du lịch chăm sóc sức khỏe còn là khái niệm mới tại Việt Nam, chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí - tiêu chuẩn cụ thể. Đa số chỉ hiểu đơn giản về "du lịch chăm sóc sức khoẻ" như spa, tắm khoáng - tắm bùn - Yoga - Thiền. Những dịch vụ đó hiện nay chỉ đơn giản là những tiện ích của một khu du lịch nghỉ dưỡng chứ chưa thành một hệ thống tổng thể.
Thứ hai là chưa có định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận, cho đến cơ chế liên kết - phối hợp giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - y tế - thể thao…
Thứ ba là nút thắt về nguồn vốn cho đầu tư phát triển bất động sản du lịch chăm sóc sức khỏe. Đây hiện đang là đối tượng không được ưu tiên hỗ trợ vốn trong bối cảnh kiểm soát chặt tín dụng bất động sản. Do thiếu vốn, nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình nâng cấp cơ sở vật chất - hạ tầng của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe.
Thứ tư, chất lượng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, cả về nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ phục vụ.
Thứ năm là công tác quảng bá tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng đối với khách hàng trong nước và quốc tế còn rất hạn chế nghèo nàn.
Nói thêm về những rào cản của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài chính và Môi trường cho biết, các cơ sở pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản nói chung là một điểm hạn chế rất lớn ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Thọ, muốn thị trường bất động sản nói chung và thị trường của từng lĩnh vực nói riêng phát triển, cần ưu tiên khơi thông điểm nghẽn về mặt chính sách.
Cụ thể, hiện nay vấn đề pháp lý vẫn còn khá nhiều điểm chồng chéo. Ví dụ như, Luật Xây dựng cho sở hữu nhà với người nước ngoài nhưng Luật đất đai lại chưa cho phép.
Bất động sản hiện nay có những lĩnh vực đang trên đà phát triển tốt nhưng buộc phải chững lại do vẫn lấn cấn nhiều điểm pháp lý chưa rõ ràng, như các sản phẩm Condotel, sở hữu kỳ nghỉ. Luật đất đai hiện chỉ công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, còn dạng sở hữu dưới dạng kỳ nghỉ hay condotel chủ yếu dưới dạng hợp đồng dân sự.
Chính vì thế, ông Thọ cho rằng, hành lang pháp lý rõ ràng là vấn đề thực sự cần thiết nhằm tạo tâm lý an tâm cho người mua và sở hữu. Đồng thời, trong sửa đổi Luật Đất đai tới đây, cũng cần cân bằng lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và nhà đầu tư. Cân bằng lợi ích giữa các địa phương, nơi nào hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nơi cần tăng cường công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.