Chuyên gia khuyến cáo gì sau nhiều trường hợp vỡ kế hoạch vì mua nhà trả góp?
BÀI LIÊN QUAN
Người vay vốn mua nhà đã “dễ thở” hơn Tăng cơ hội mua nhà giá rẻ nhờ xu hướng rao bán bất động sản lan rộng tại TP. HCMNgười mua nhà, mua xe vẫn chưa hết "choáng váng" vì lãi suất ngân hàngCơn bão sa thải càn quét nhiều doanh nghiệp
Mua nhà trả góp là một hình thức được số đông khách hàng lựa chọn khi không đủ tài chính để chi trả một lần nhưng vẫn có thể sở hữu chốn để an cư. Thế nhưng, khi nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối diện với tình trạng sụt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp cắt giảm lao động. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người không còn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đặc biệt là những người mua nhà trả góp, đây là gánh nặng không lối thoát.
Theo thống kê, hiện nay có tới 51 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất báo cáo thiếu hụt đơn hàng, cắt giảm nhân sự số lượng lớn. Tình trạng này cũng đang diễn ra đối với các ngành khác. Đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, kể cả các ông lớn trong ngành cũng khó tránh khỏi.
Trong đó phải nói đến Tập đoàn Đất Xanh - một trong những nhà phân phối bất động sản lớn bậc nhất cả nước đã phải giảm tới hơn 3.770 nhân sự trong năm 2022. Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova chỉ ghi nhận 1.404 nhân sự vào cuối năm 2022, trong khi đó, cuối quý II con số này là 1.932, tương đương đã giảm 528 người.
Tính đến cuối năm 2022, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng chỉ còn 355 nhân sự, giảm 15,5% so với cuối tháng 9/2022. Tương tự, Công ty Cổ phân Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đến cuối năm vừa qua còn 342 nhân sự.
Số liệu thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính bất động sản Dat Xanh Services cũng cho thấy, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, gần 2.300 doanh nghiệp. Hơn 1.000 doanh nghiệp giải thể, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tượng biến động thị trường cũng đã khiến 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc trong năm 2022.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động kinh doanh. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này còn phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự, các nhân sự ở lại còn phải kiêm nhiệm từ 2 đến 3 công việc để duy trì. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn phải cắt giảm đến 60-70% nhân sự, nhiều công ty còn thực hiện giảm lương hoặc nghỉ Tết dài hạn.
Nhiều người vỡ kế hoạch trả góp vì thất nghiệp
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để mua nhà, hàng tháng phải trả lãi gần 30 triệu đồng. Nhưng từ tháng 5/2022, chị đã mất việc nên gánh lãi hàng tháng đều phụ thuộc vào số lương của chồng, thêm vào đó mấy tháng này chị phải trả thêm vài triệu cho khoản vay vì lãi suất tăng cao khiến cuộc sống vợ chồng chị khó càng thêm khó, gia đình chị đang phải tiết giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất.
Trường hợp như chị Oanh không hiếm trên thị trường hiện nay, nhiều người không "kham" nổi còn phải chấp nhận bán để xử lý nợ vay. Như trường hợp của anh Hoàng Ngọc Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh Thắng chia sẻ, gia đình anh đã quyết tâm mua nhà vào năm 2021, với giá là 2,1 tỷ. Đây là căn nhà đầu tiên của gia đình nên anh rất tâm huyết trong việc làm nội thất và xác định sẽ ở lâu dài để sau này con cái học hành. Tuy nhiên, giữa năm 2022, anh đã phải nhận quyết định nghỉ việc vì công ty rơi vào cảnh khó khăn, khối lượng công việc ít.
"Thời điểm quyết định mua căn hộ tôi khá tự tin vì mình có thể chi trả khoản vay hàng tháng. Thế nhưng, khi mất việc, không còn tiền lương, trong khi lương vợ tôi chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng tháng trong gia đình. Vì vậy, khoản vay ngân hàng là quá sức đối với gia đình, và tôi đã phải bán căn hộ để giải quyết khoản nợ", anh Thắng chia sẻ.
Bàn về câu chuyện về mua nhà trả góp, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing cho rằng, hiện nay có rất nhiều người vay tiền mua nhà đang bị ngộp.
“Trong khi ngày xưa người mua nhà dự đoán lãi suất thả nổi chỉ rơi vào khoảng 10-11% thì giờ mức lãi đã lên đến 15-16%. Bên cạnh lãi suất tăng cao thì vấn đề công việc không ổn định cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nhiều gia đình”- ông Chuyền nhấn mạnh.
Đưa lời khuyên cho khách hàng, chuyên gia Kinh tế tài chính - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu đã đi vay người mua nhà sẽ phải chấp nhận lãi suất thả nổi. Vì vậy, người mua cần phải tính toán cẩn thận mức chi tiêu, xem xét khả năng chi trả của bản thân và tính đến trường hợp không trả được nợ có thể bị giải tán tài sản. Cần ưu tiên nghĩa vụ trả nợ lên hàng đầu, tính toán thanh khoản các khoản đầu tư kém hiệu quả để tái cơ cấu lại dòng tiền vào tài khoản có tính thanh khoản cao để tránh rủi ro.
Với những người xác định mua nhà trả góp cần tính toán lãi suất lâu dài không để vượt quá mức khả năng tài chính của mình. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay tăng cũng sẽ khiến giá nhà ở leo thang trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người sở hữu nhà trả góp mà mất việc trong giai đoạn hiện nay là vấn đề lo ngại nhất. Bởi họ sẽ không biết “bấu víu” vào đâu để lo khoản nợ hàng tháng. Nhiều trường hợp mới mua nhà trả góp vài tháng thì thất nghiệp. Trong khi phải gánh khoản nợ đến 50-60% giá trị căn nhà khiến họ phải sống trong nỗi lo sợ.
Theo các chuyên, trong giai đoạn hiện nay nếu quyết định mua nhà trả góp thì người mua nên cân nhắc khả năng chi trả cả khoản lãi với nợ gốc theo lãi suất thả nổi. Ngoài ra, người mua không nên chi quá 40% thu nhập cá nhân cho khoản vay mua nhà, cần dựa vào mức thu nhập và khoản tiền sẵn có trước khi mua.