Chuyên gia: Đề án thu phí vào nội đô sẽ khiến BĐS bên trong vành đai 3 biến động
BÀI LIÊN QUAN
Luật Đất đai sửa đổi: Sẽ tác động thế nào đến thị trường BĐS?Thu phí tự động trên tất cả các tuyến cao tốcDân ngoại thành rục rịch tìm nhà nội đô
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3. Được biết, đơn vị tư vấn chính là Trường ĐH Giao thông Vận tải.
Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô không phải là thông tin quá xa lạ đối với người dân Hà Nội. Bởi đề án này đã 2 lần trình và được UBND TP.Hà Nội yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung. Đơn vị chủ trì việc soạn thảo, xây dựng đề án là Sở GTVT Hà Nội. Đề án này từng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.
Theo nội dung đề án, từ nay đến 2025, Hà Nội sẽ lập 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm. Các trạm này cũng sẽ được đặt tại cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Số trạm tăng hơn 13 trạm so với phương án trước đây được Sở GTVT trình UBND TP. Hà Nội. Nhiều người đặt câu hỏi, các trạm này sẽ được đặt tại các tuyến phố nào và UBND Hà Nội xác định đâu là nội đô?
Sở GTVT TP. Hà Nội đánh giá, nội đô được tính là từ đường vành đai 3 trở vào. 100 trạm thu phí sẽ được lập dọc tuyến Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Các xe bị thu phí sẽ là phương tiện ô tô đi từ ngoài vành đai 3 vào nội thành. Các xe được miễn phí bao gồm xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng... Các xe hợp đồng, xe khách, xe du lịch, xe taxi tải… Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô, thời gian thu từ 5h đến 21h hàng ngày. Để xây dựng được 100 trạm thu phí, Hà Nội sẽ phải đầu tư 2.600 tỷ đồng.
Hơn 1 tháng qua, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Mai (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã rục rịch đi tìm hiểu giá chung cư tại một số khu vực như Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội). “Gia đình tôi đang ở nhà mặt đất tại xã Xuân Phương. Nếu theo sơ đồ của Sở GTVT Hà Nội thì chúng tôi sẽ phải đóng phí cho mỗi lần đi vào bên trong đường vành đai 3. Như thế rất bất tiện và tốn kém. Vợ chồng tôi làm việc ở quận Hoàn Kiếm, chẳng lẽ mỗi lần vào nội đô gia đình tôi phải đi xe máy để tránh nộp phí. Chính vì thế, vợ chồng tôi bàn nhau bán nhà mặt đất, mua chung cư ở khu vực Nam Trung Yên để ở. Vị trí này nằm trong đường vành đai 3 và giá cũng không quá cao”, chị Mai nói.
Giống như chị Mai, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Lam (38 tuổi) cũng vừa đặt cọc mua chung cư trên đường Lê Văn Lương. Anh Lam nói rằng, Hà Nội đã rất quyết tâm trong việc thu phí vào nội đô nên việc họ dựng trạm chỉ là sớm hay muộn. Vợ chồng anh có cửa hàng tại quận Hai Bà Trưng. Nếu cứ mỗi lần đi vào nội đô mất tiền thì một tháng không biết phải chi ra đến bao nhiêu tiền. Trong khi đó, công việc phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần. Anh Lam tâm sự: “Tôi chuyển luôn thời điểm này vì nếu sang năm Hà Nội lắp trạm thu phí thì chắc chắn giá nhà bên trong đường vành đai 3 sẽ tăng rất nhanh. Thời điểm này chỉ mới có thông tin thôi mà khi đi mua nhà, nhiều người đã mang việc thu phí nội đô lên bàn đàm phán để ép giá rồi. Tôi dự đoán, đến khi Hà Nội lắp trạm, giá nhà trong vành đai 3 sẽ tăng phi mã”, anh Lam kể.
Giá BĐS nội đô sẽ có biến động
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng, đề án thu phí ô tô vào nội đô là một giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, khi thực hiện công việc này, Hà Nội cần nhìn nhận lại xem quy hoạch, hạ tầng, phương tiện công công đã đáp ứng được chưa. Bởi giao thông Hà Nội lâu nay vẫn bị đánh giá là manh mún, chắp vá trong khi đó, việc tổ chức giao thông chưa tốt, thiếu sự hợp lý.
Ông Thủy nói thêm, khi thu phí phương tiện vào nội đô, chắc chắn sẽ có làn sóng người dân đổ vào trong vành đai 3 để sinh sống. Điều này dẫn đến việc giá bất động sản bên trong vành đai 3 sẽ tăng lên. Hiện nay, giá bất động sản phía trong nội đô đã quá cao so với thu nhập của người dân rồi.
Từng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Công, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) nhận định, việc thu phí ô tô vào nội đô có thể khiến giá bất động sản trong nội đô tăng lên. Điều này xuất phát từ việc nhu cầu nhà ở trong khu vực nội đô tăng cao.
Vị này cho rằng, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ chiến lược nhà ở cho người dân sống tại Hà Nội. Đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị. Nếu muốn thu phí vào nội đô thì chắc chắn phải phát triển hệ thống mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả.
Nhiều CEO bất động sản cho rằng, giá bất động sản sẽ có sự biến động khi Hà Nội quyết định thu phí ô tô vào nội đô. Sẽ xuất hiện một làn sóng người dân mua nhà ở nội đô vì lý do thu phí. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Bởi một thực tế cho thấy, những người đang sinh sống tại nội đô thì chắc chắn họ sẽ không chọn phương án ra ngoại thành. Trong khi đó, hiện nay khu vực nội đô, quỹ đất không nhiều vì thế nguồn cung từ phân khúc chung cư sẽ rất hiếm. Việc giao dịch sẽ diễn ra ở một số bộ phận người dân ở nội đô nhưng đang làm việc tại ngoại thành hoặc một số người có căn hộ, đất đầu cơ trong nội thành. Tuy nhiên, những giao dịch bất động sản này thời gian tới sẽ ở mức rất cao.