Chuyên gia Colliers: Gỡ được vướng mắc pháp lý sẽ giúp bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sôi động vào giai đoạn tới
Trong vòng 7 - 8 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận sự phát triển bất động sản du lịch bùng nổ, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống và điểm nghẽn ở chính sách pháp lý. Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid - 19, bất động sản du lịch hiện tại đã có dấu hiệu khôi phục trở lại nhưng vẫn chưa đạt đến kỳ vọng.
Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn của Colliers (Việt Nam) - Ông Morgan Ulaganathan cho rằng, từ kinh nghiệm tại Việt Nam, đại diện Colliers cho biết thị trường vẫn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan tới luật và quy định. Nếu có thể giải quyết sớm trong thời gian tới thì sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có thể rất sôi động vào giai đoạn tới.
Dù vẫn có các thách thức nhưng đại diện của Colliers cho rằng, trong năm qua, du lịch nội địa Việt Nam đã có phục hồi tích cực với khoảng 101,3 triệu lượt khách nội địa, vượt mức trước dịch năm 2019. Năm nay, cả nước hướng tới mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 102 triệu lượt khách trong nước và 8 triệu lượt khách quốc tế.
Theo McKinsey, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng khi có khoảng 70% dân số sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng vào năm 2030.
“Những nền tảng cho sự phát triển của du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang rất tích cực, nhu cầu triển khai vốn rất cao. Đồng hồ đang tích tắc, đã tới lúc bắt đầu cho một mùa sôi động của những thương vụ trong năm nay” - Ông Morgan nói.
Triển vọng phục hồi thuộc top đầu châu Á
Về xu hướng phát triển ngành du lịch trong quý đầu năm 2023, Colliers nhận định, Bangkok, Bali, Singapore và TP. HCM đều được kỳ vọng sẽ dẫn đầu đà phục hồi du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Morgan Ulaganathan, Bangkok, Bali và TP. Hồ Chí Minh nhận nhiều kỳ vọng dẫn đầu sự hồi phục trên toàn châu Á. Đối với Trung Quốc đại lục và các đặc khu hành chính của họ dự kiến sẽ xoay chuyển tình hình ảm đạm của năm 2022, kéo theo đà phục hồi của thị trường Bắc Á trong nửa cuối năm nay.
Ở Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng đã thể hiện những tiềm năng lớn khi quốc gia đã tận dụng đà tăng trưởng về nhu cầu du lịch - nghỉ dưỡng sau đại dịch từ lượng du khách trong và ngoài nước.
“Tất cả các bên tham gia thị trường có nhiều vốn chủ sở hữu đã có các bước tiến táo bạo kể từ khi cao điểm dịch bệnh tới nay. Lãi suất tuy có xu hướng tăng, nhưng rồi cũng sẽ ổn định lại. Các quỹ đã và đang gọi vốn đầu tư vào các tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi trước khi doanh thu khách sạn phục hồi hoàn toàn” - Vị chuyên gia thông tin lại.
Ngoài ra, ông Morgan Ulaganathan cũng cho biết, quỹ đầu tư KKR đã huy động được 4,3 tỷ USD ngay giữa lúc cao điểm dịch Covid - 19. Bain cho biết đã mua lại khách sạn riêng lẻ hoặc theo hệ thống, khách sạn có hoặc chưa có thương hiệu.
“Bên cạnh đó, Blackstone (công ty quản lý đầu tư thay thế của Mỹ-PV) được trích dẫn rằng, mức độ xuất hiện trong ngành khách sạn của họ đang ở mức thấp kỷ lục, rơi vào khoảng 12%. Hiện nay, chúng tôi mong rằng giá như danh mục đầu tư lớn của mình lớn hơn. Chẳng hạn Warburg Pincus tiếp tục đầu tư vào Việt Nam qua nền tảng Lodgis (nền tảng đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp)” - Chuyên gia của Colliers Việt Nam nói.
Đồng bộ quy định pháp lý
Giới chuyên gia đánh giá, trong năm 2023, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có khả năng tiếp tục giảm. Chỉ với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, uy tín và kinh nghiệm mới có khả năng phát triển dự án.
Điểm sáng ở đây là Chính phủ đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ cả doanh nghiệp và người mua, hay các quy định mới về phát hành trái phiếu, cho phép doanh nghiệp giãn thời gian đáo hạn trái phiếu tối đa 2 năm.
Cùng với đó, năm 2023, Quốc hội sẽ thông qua một số đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường địa ốc như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở,... nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về pháp lý.
Vì thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng nói riêng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại. Các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tái cơ cấu lại sản phẩm, ổn định tài chính để củng cố tâm lý người dân vào thị trường bất động sản.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong năm nay, phân khúc bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi. Trong vòng 6 tháng đầu năm là cơ hội vàng để xuống tiền cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Vì rất có thể, đây là “đáy” của thị trường bất động sản được xác lập từ quý IV/2022, dự kiến sẽ khởi sắc vào quý II/2023”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, dù phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội phục hồi rất tốt, nhưng “khoảng trống” về mặt pháp lý vẫn là rào cản lớn.
Do đó, cần có giải pháp cụ thể như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các chế định của pháp luật kinh doanh bất động sản và những quy định khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Theo đó, cần rà soát, sửa đổi quy định của Luật Đầu tư 2020 bằng cách bổ sung quy định về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch; Vấn đề về cấp phép đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước đầu tư xây dựng dự án bất động sản…
Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung vào quy định của Luật Du lịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành về kinh doanh bất động sản du lịch để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh phân khúc này một cách lành mạnh, thông suốt, minh bạch và bình đẳng giữa mọi chủ thể tham gia.
“Thời gian qua, bất động sản du lịch là phân khúc phát triển rất sôi động tại những địa phương có tiềm năng và thế mạnh về du lịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình quản lý Nhà nước vì hệ thống chính sách và pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ.
Điều này đặt ra yêu cầu về việc bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng nói riêng vận hành theo cách nhịp nhàng, thông suốt.
Để làm được vậy, cần có sự tham gia, rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật kinh doanh bất động sản du lịch, để có thể nhận diện rõ ràng các “khoảng trống”, thiếu sót, bất cập và đưa ra giải pháp khắc phục” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận.