Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo CPI, S&P 500 vượt mốc 4.000 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo lạm phát quan trọngChứng khoán Mỹ xanh rực sau tín hiệu lãi suất từ Chủ tịch FedChứng khoán Mỹ "đỏ lửa", S&P 500 và Nasdaq giảm phiên thứ ba liên tiếpTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 13/12 diễn biến khả quan sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát đã xuống nhanh hơn dự báo và các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên tăng 103,6 điểm, tương đương 0,3%, lên mức gần 34.109 điểm. Chỉ số S&P 500 có thêm 0,73% và đóng cửa ở 4.020 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,01% lên gần 11.257 điểm.
Đầu phiên giao dịch, có thời điểm Dow Jones đã tăng tới 707 điểm, S&P 500 và Nasdaq thêm 2,77% và 3,84% so với tham chiếu. Sau đo, các chỉ số hụt hơi và đóng cửa ở mức thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong ngày.
Giá cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh sau báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, khảo sát của các nhà kinh tế Dow Jones dự báo mức tăng 0,3% so với tháng trước và 7,3% so với một năm trước.
Nếu không tính giá năng lượng và lương thực biến động, chỉ số CPI lõi đã tăng 02% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, dự báo của Phố Wall lần lượt ở mức là 0,3% và 6,1%.
Như vậy, có thể thấy mức tăng so với tháng liền trước và so với cùng kỳ năm ngoái của cả CPI toàn phần và CPI lõi đều thấp hơn mức dự báo của các chuyên gia .
Lạm phát hạ nhiệt là cơ sở quan trọng để Fed giảm bớt sự cứng rắn trong chính sách tiền tệ của mình. Điều này làm gia tăng mức độ ham thích rủi ro của các nhà đầu tư, khuyến khích họ mya thêm vào những tài sản được cho là có độ rủi ro cao như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản. Tuy nhiên, sự tăng giá của phiên này diễn ra ở cả những tài sản giữ vai trò là kênh đầu tư an toàn như vàng, bởi những tài sản này trong thời gian qua cũng bị bán mạnh vì nỗi lo lãi suất tăng cao.
CNBC cho biết, các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp diễn ra vào 2 ngày 13 và 14/12. Thị trường đang dự báo lãi suất sẽ tăng 50 điểm cơ bản (bps), thấp hơn so với mức tăng 75 bps của 4 cuộc họp gần đây.
Theo ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth, số liệu lạm phát công bố trước cuộc họp của Fed có phần tích cực, nhưng chúng ta vẫn không thể biết chắc chắn liệu Fed có nâng lãi suất 50bps hay không và mức lãi suất mục tiêu cuối cùng liệu có tăng hay không. Do đó, nhà đầu tư phải nhanh chóng chuyển sang chế độ "chờ xem" cho tới khi Fed công bố kết quả họp vào ngày mai.
Dự kiến Fed sẽ công bố quyết định chính sách và dự báo kinh tế mới vào 14h ngày 14/12 (khoảng 2h sáng ngày 15/12, theo giờ Việt Nam). Sau đó nửa tiếng, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu. Các nhà đầu tư hy vọng từ các công bố mới hoặc bình luận của ông Powell, họ sẽ có thêm tín hiệu cho thấy giới cức Fed có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất hơn nữa vào năm tới. Trong dự báo Fed công bố hồi tháng 9, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều kỳ vọng mức lãi suất liên bang sẽ tăng ở mức 4,6% trong năm 2023.
Sau báo cáo CPI, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm sút, có thời điểm xuống đáy 3,421%.
Cổ phiếu năng lượng và bất động sản dẫn dắt đà tăng của thị trường. Trong đó, đại gia dầu khí Chevron đi lên 2,23%, đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất của chỉ số blue chip Dow Jones. Ngoài ra, Exxon Mobil cũng tăng 1,1%.
Những cổ phiếu công nghệ từng bị bán tháo ồ ạt trong giai đoạn tiền tệ thắt chặt cũng đi lên trong phiên ngày 13/12. Đơn cử, cổ phiếu Meta (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) tăng lần lượt 4,7% và 2,5%.
Giá dầu cũng tăng mạnh
Cũng nhờ hỗ trợ từ báo cáo CPI, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York cùng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.
Thời điểm đóng cửa, giá dầu Brent tăng 2,69 USD/thùng, tương đương tăng 3,5%, chốt ở 80,68 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 2,22 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 75,39 USD/thùng. Cả 2 loại dầu này cùng đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/11.
Chiến lược gia Eli Tesfaye của RJO Futures nhận định, phiên tăng của giá dầu này chủ yếu do đồng USD rớt giá. Nói về tình trạng giảm liên tục gần đây của giá dầu, bất kỳ tin tốt nào cũng có thể đưa giá phục hồi. Tuy nhiên, phải chờ xem liệu sự phục hồi này có duy trì hay không.
Bên cạnh đó, phiên tăng này có thể còn do các nhà giao dịch đóng trạng thái bán khống để chốt lời sau khi giá cả 2 loại dầu cùng giảm hơn 10% trong tuần trước.
Giá dầu vẫn đang phải đối mặt với áp lực từ triển vọng u ám về nhu cầu. Ngày 13/12, một lần nữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu quý 1/2023 và nói rằng sự giảm tốc kinh tế toàn cầu đang ngày càng rõ rệt hơn.
Ở diễn biến khác, liên quan đến tình hình Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này được cho đã hoãn một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh. Thông tin này đã làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu tại nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.