Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Sản xuất của nhiều nhóm ngành công nghiệp tăng trưởng dương trở lại sau 10 tháng đầu năm
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 năm nay đã tăng 5,5% so với tháng 9 liền trước, đồng thời tăng 4,1% so với tháng 10/2022. Kết quả ấn tượng này đã kéo mức tăng trưởng chung trong 10 tháng đầu năm lên 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực chính của ngành sản xuất công nghiệp chính là chế biến chế tạo, ghi nhận mức tăng 6,2% so với tháng 9 và tăng 4,9% so với tháng 10 năm trước; lũy kế 10 tháng đầu năm đã tăng trung bình 0,5% so với cùng kỳ.
Liên quan đến vấn đề này, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định trong báo cáo vĩ mô mới công bố rằng, sản xuất của nhiều ngành đã ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại sau 10 tháng đầu năm.
Cụ thể, báo cáo của BVSC cho biết: “Nếu chỉ tính riêng trong tháng 10, sản xuất của nhiều ngành sản xuất công nghiệp chính đã tăng trưởng dương, ít nhất ở tháng thứ 2 liên tiếp, như sản xuất kim loại, điện tử, máy tính, trang phục, xe có động cơ. Diễn biến này kỳ vọng sẽ giúp các nhóm ngành sản xuất có diễn biến tích cực hơn trong quý 4/2023, khi so với 3 quý đầu năm”.
Theo BVSC, tăng trưởng sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn chưa bền vững, mức tăng trưởng chủ yếu là nhờ mức nền thấp so với cùng kỳ |
Tuy nhiên, chỉ số PMI trong tháng 10 lại không quá tích cực, chỉ đạt 49,6 điểm và là tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Mức điểm dưới 50 tức là việc bán những điều kiện kinh doanh trong khu vực sản xuất đã có diễn biến thu hẹp so với tháng trước đó. Cụ thể, sản lượng đã ghi nhận mức giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp. dù số lượng đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu tăng lên nhưng tốc độ chậm chạp, thậm chí là thấp nhất trong những tháng gần đây. Theo các số liệu thống kê, các khách hàng vẫn tỏ ra ngần ngại trong việc cam kết những đơn hàng mới.
Với những yếu tố ở trên, nhóm chuyên gia của BVSC nhận định, tăng trưởng sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn chưa bền vững, mức tăng trưởng chủ yếu là nhờ mức nền thấp so với cùng kỳ.
Động lực chính của ngành sản xuất công nghiệp chính là chế biến chế tạo, ghi nhận mức tăng 6,2% so với tháng 9 và tăng 4,9% so với tháng 10 năm trước |
Mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng có nhiều nhận định về sản xuất công nghiệp. Theo đó, nhóm phân tích của MBKE nhấn mạnh, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng qua (không tính tháng 2) và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nhóm phân tích cũng nhận định, sự phục hồi có thể phần nào phản ánh việc thực hiện đơn hàng trước mùa mua sắm cuối năm tại thị trường quốc tế, điển hình như Mỹ.
Đáng chú ý, sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng là 6,2%, mạnh hơn đáng kể so với năm trước (ở mức 3,4%) và chỉ kém mức tăng 6,7% vào tháng 10/2021. Trong số những lĩnh vực xuất khẩu chính, tăng trưởng mạnh mẽ nhất là nhóm ngành may mặc với 11,1% so với một năm trước. Bên cạnh đó, giày dép tăng trưởng 3% cùng sản lượng tăng 3,2% so với tháng trước.
So với tháng 9/2023, sản phẩm máy tính, điện tử và quang học trong tháng 10 cũng đã tăng 7,2%. Dẫn đầu là thiết bị truyền thông và linh kiện điện tử. Trong khi đó, thiết bị điện vẫn tiếp tục giảm, nguyên nhân đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của động cơ điện, máy phát điện cùng với thiết bị gia dụng bị lấn át bởi sự sụt giảm của pin và ắc quy.
Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng tích cực trong quý 3/2023
Trước đó, báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 nói riêng và 9 tháng đầu năm nay của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý 3 tăng 4,57% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,61% trong khi quý 1 giảm 0,49% còn quý 2 tăng 0,6%).
9 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đóng góp 0,51 điểm phần trăm.
Trong tháng 9, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi ghi nhận mức trên 50,5 điểm trong tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng 0,1% so với tháng 8, đồng thời tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm nay của một số ngành trọng điểm của ngành công nghiệp cấp II cũng tăng cao so với cùng kỳ. Ảnh minh họa |
Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, từng bước thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%) kể từ đầu năm.
Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm nay của một số ngành trọng điểm của ngành công nghiệp cấp II cũng tăng cao so với cùng kỳ, điển hình như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%.
Ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành lại ghi nhận sự suy giảm, điển hình như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3,6%; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế).
Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cùng sản phẩm quang học ghi nhận phục hồi tích cực kể từ tháng 8 năm nay sau 7 tháng sụt giảm liên tiếp. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học trong quý 3 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, chỉ số IIP tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng năm 2023 đã giảm 2,2%.
Tính theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ gồm có: Đường kính tăng 37,1%; ti vi tăng 10,1%; thuốc lá điếu tăng 9,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,6%; sơn hóa học tăng 9,1%; thép cán tăng 7,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; sữa tươi tăng 6,9%. Trong khi đó, một số sản phẩm công nghiệp ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ như: Ô tô giảm 19,3%; điện thoại di động giảm 12,8%; thép thanh, thép góc giảm 14,4%; xe máy giảm 8,4%; xi măng giảm 4,3%; giày, dép da giảm 5,3%; dầu thô khai thác giảm 3,7%; quần áo mặc thường giảm 3,6%.
Trong tháng 9 vừa qua, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7% so với tháng trước, đồng thời tăng 5,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tại thời điểm ngày 30/9/2023, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 2,5% so với tháng trước, đồng thời tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo đạt 85,3%, trong khi cùng kỳ năm trước là 76,4%).