Châu Âu thực hiện lệnh cấm than Nga, năng lượng này dự kiến sẽ tăng giá mạnh
Cuộc chiến tranh giữa Nga-Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga. Lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga lần này là gói trừng phạt thứ 5 được châu Âu áp đặt đối với Moscow, có hiệu lực kể từ ngày 11/8/2022. Theo các nhà phân tích đánh giá, lệnh cấm này sẽ là nguyên nhân khiến cho giá than toàn cầu rơi vào tình trạng tăng giá kéo dài.
Theo thông tin từ Reuters, kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nổ ra, đây là lệnh cấm một mặt hàng năng lượng có hiệu lực đầu tiên của EU đối với Nga. Lệnh cấm nhập khẩu than của Nga chính thức được kích hoạt, các hợp đồng đã ký cũng bị đóng lại.
Một vị phát ngôn viên của Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết: “Hôm 10/8 là ngày cuối cùng của giai đoạn nhập khẩu than của Nga, và sau đó sẽ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào xảy ra”.
Than của Nga được xuất khẩu phần lớn cho châu Âu, vì vậy việc EU thực hiện lệnh cấm than Nga sẽ làm cho nước này bị mất đi doanh thu khoảng 8 tỷ Euro mỗi năm, tương đương với 8,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, không chỉ Nga, mà ngay cả chính EU cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi đưa ra lệnh cấm này.
Theo dữ liệu từ EC, lượng than mà Nga cung cấp chiếm đến 45% nhu cầu nhập khẩu của EU. Các quốc gia như Đức, Ba Lan và Hà Lan là những nước sử dụng khối lượng nhập khẩu từ Nga nhiều nhất. Cũng theo số liệu được cung cấp từ tổ chức nghiên cứu Bruegel được Reuters, Nga đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng than nhiệt của EU. Than nhiệt là loại than quan trọng, được sử dụng để phát điện và phát nhiệt sưởi ấm.
Giữa lúc nguồn cung khí đốt đang bị cắt giảm, các nước trong khu vực phải quay cuồng xoay sở vốn và tìm nguồn cung thay thế, thì lệnh cấm nhập khẩu than Nga lại gia tăng gánh nặng cho chính châu Âu. Để đối phó với mùa đông lạnh giá trước nguồn cung khí đốt bị hạn chế, EU phải thúc đẩy sản lượng của các nhà máy phát điện chạy bằng than. Tuy nhiên, tình hình sẽ càng trở lên nghiêm trọng hơn khi họ từ chối nhập than của Nga.
Trước đó, do nhu cầu tiêu thụ của thế giới gia tăng làm cho giá than thế giới đã được đẩy lên hồi năm ngoái. Su khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ thì giá than lại càng gia tăng.
Và bây giờ, các lệnh cấm nhập khẩu than của Nga được thực hiện, thì xu hướng tăng giá này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, theo phân tích của Fitch Solutions.
Khi hoạt động nhập khẩu than Nga được dừng lại, để bù đắp lượng than thiếu hụt, châu Âu sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu than từ các quốc gia khác như Australia, Colombia và Nam Phi. Điều này dấy lên lo ngại giá các loại than nhập khẩu qua đường biển trên thế giới sẽ bị đẩy lên mức cao hơn.
Theo Fitch Solutions nhận định, lượng khí đốt hạn chế ở châu Âu và việc khó cạnh tranh về giá trong cuộc chiến tranh giành nguồn cung khí đốt (LNG) của các nước châu Á, có thể giá than thế giới sẽ được hỗ trợ.
Theo đó, giá than nhiệt ở thị trường châu Á lên tàu ở cảng Newcastle, Australia được Fitch dự báo sẽ tăng cao trong năm nay và năm sau. Theo dự báo của Fitch thì giá than nhiệt trong năm nay sẽ ở mức bình quân là 320 USD/tấn, trong khi đó lần dự báo trước đó chỉ là 230 USD/tấn. Còn theo dự báo từ năm 2022 đến 2026, mức giá là 246 USD/tấn, cao hơn 87 USD/tấn so với mức trước đó dự báo chỉ là 159 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến cho nhu cầu tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng nhanh là do giá khí đốt tăng quá cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo vào tháng trước rằng, nhu cầu sử dụng than thế giới sẽ một lần nữa lập kỷ lục, thiết lập đỉnh cao mới trong năm tới.