CEO Nguyễn Thị Các Thủy: Hành trình từ những chiếc bánh chuối bình thường đến thương hiệu nổi tiếng Tư Bông
BÀI LIÊN QUAN
Hành trình trở thành ông chủ của chàng trai nặng 20kg và cao 90cm: 11 tuổi tự mình kinh doanh, ngoại hình không nói lên điều gì cả!Hành trình khởi nghiệp của 4 anh em nhà họ Lưu: Từ trang trại gà đến tập đoàn 100 tỷ NDT‘Ông trùm thời trang’ Chương Tailor: Hành trình từ một nhà may nhỏ đến tham vọng vùng vẫy giữa trời TâyNặng lòng với món mứt chuối quê hương, chị Nguyễn Thị Các Thủy (sinh năm 1983, ấp Tân Thạnh, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã cùng với gia đình xây dựng nên thương hiệu bánh chuối phồng Tư bông nổi tiếng khắp các tỉnh ở miền Tây. Hiện tại, những sản phẩm của chị cũng trở thành một món quà quê ý nghĩa cho những người đi xa quê hương.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Năm 2006, chị Thủy tốt nghiệp Đại học Cần Thơ với chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau đó, chị đã “khăn gói quả mướp” lên TP.HCM để làm việc. Dù được làm đúng chuyên ngành với mức lương khá ổn định, chị Thủy vẫn luôn ấp ủ một giấc mơ khởi nghiệp cháy bỏng. Để có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình, chị Thủy vừa làm việc vừa học thêm văn bằng 2 tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM với chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Đến năm 2009, chị và bạn bè của mình đã thành lập một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng hoạt động công ty này đã phải đóng cửa vì đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Khó tuyển lao động, mâu thuẫn trong điều hành… Thất bại ban đầu này đã giúp chị Thủy rút ra được nhiều bài học ý nghĩa cho quá trình khởi nghiệp sau này của mình như phải chọn đúng người đồng hành và xây dựng đúng bộ máy.
Quay trở lại công việc trong ngành công nghệ thông tin, chị Thủy luôn nỗ lực học hỏi để lên ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo. Nhận ra nhu cầu về nấm để phục vụ cho việc ăn chay và giá trị dược liệu của nấm đối với sức khỏe, chị Thủy đã quyết định nghỉ việc vào năm 2011, sau đó khởi nghiệp lại với những sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu có nguồn gốc từ Việt Nam.
Tránh đi phải “vết xe đổ” ban đầu, Thủy đã dành hơn 1 năm để xuống Long Xuyên và lên Đà Lạt cũng như các vùng lân cận để học tập thêm kiến thức về nấm. Cứ ngỡ với sự chuẩn bị kỹ càng, lần khởi nghiệp thứ hai của chị Thủy sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, công ty này mới chỉ hoạt động được vài tháng, khi đang triển khai và phân phối sản phẩm thì gia đình cũng xuất hiện nhiều biến cố.
Đầu năm 2013, chị Thủy buộc phải đóng cửa công ty và trở về sống ở gần gia đình để tiện chăm sóc cho cha mẹ và người thân. Khi nhìn lại quá trình khởi nghiệp của mình, chị bộc bạch: “Lúc đó, cái gì tôi cũng không biết: Tôi không biết bán hàng; chưa biết cách làm việc với siêu thị, đại lý, nhà phân phối; chưa có kinh nghiệm quản lý hoặc kiểm soát chất lượng sản phẩm… Tóm lại là khởi nghiệp với 4 không”.
Thành công từ món quà quê hương
Sau 2 lần khởi nghiệp không thành, Thủy đã gác lại ước mơ khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên khi quay trở về với quê hương và gia đình, chị đã được mở ra một con đường và cơ hội khởi nghiệp mới nhờ món quà của mẹ. Chị Thủy nhận ra rằng, bên cạnh lúa thì chuối là loại cây ăn quả được trồng khá nhiều tại các địa phương. Thế nhưng, các loại bánh mứt được làm từ chuối lại thường khó bảo quản và mang đi xa. Vào dịp Tết, những bà mẹ ở quê rất siêng năng, thường tự mình làm các loại bánh mứt nổi tiếng như: bánh phồng, mứt chuối, bánh in, bánh cốm, bánh thửng, bánh tét, bánh ít… từ những nguyên liệu sẵn có xung quanh.
Vào Tết năm 2013, chị Thủy cùng mẹ làm mứt chuối, nhưng cải tiến bằng cách gói ghém cẩn thận hơn bằng bánh tráng phồng. Sau đó, mẹ chị đã mang bánh đi tặng bạn bè và nhận được nhiều sự lời khen ngợi. Cũng từ đây, chị Thủy đã nảy sinh ý tưởng xây dựng nên cơ sở sản xuất bánh chuối phồng Tư Bông.
Nhận ra nguồn nguyên liệu chuối xiêm ở quê khá dồi dào, chị quyết định thương mại hóa và thành lập nên Công ty TNHH Tây Cát. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chị Thủy gặp nhiều khó khăn, từ việc đóng gói bao bì cho đến in hạn sử dụng, tổ chức sản xuất, quản lý công nhân và kiểm soát chất lượng sản phẩm, marketing… Mỗi vấn đề, chị lên mạng tìm hiểu và tìm cách giải quyết, khó khăn từng bước cũng vì thế được tháo gỡ.
Theo chia sẻ của chị Thủy, Tư Bông là tên của ba chị, đồng thời cũng là tên trại mộc của ba chuyên về đóng xuồng ghe từ thập niên 1980. Theo đó, cái tên Tư Bông cũng gắn liền với nghề mộc trong suốt một thời gian dài, sau đó là lò gạch và cửa hàng vật liệu xây dựng. Cũng nhờ đó, chị Thủy và các anh chị em mới có tiền để đến trường, được học tập và trải nghiệm phố thị. Sau khi khởi nghiệp với sản phẩm bánh chuối phồng, chị Thủy tiếp tục lấy thương hiệu Tư Bông, coi như một lời nhắc nhở về người cha kính yêu của mình.
Theo thời gian, công ty bắt đầu hoạt động ổn định, tiếp đến là mở rộng quy mô và sản phẩm nhiều hơn nữa. Chị Thủy nhận ra, nguồn nguyên liệu sản xuất cần phải được duy trì một cách ổn định. Nguồn chuối được phơi khô từ nắng không đủ để đáp ứng mà phải dùng chuối sấy. Trong khi đó, một số nguyên liệu cũng phụ thuộc vào mùa vụ, nếu như đúng mùa thì giá rẻ nhưng trái mùa sẽ cao hơn 2-3 lần. Vì thế, chị tiếp tục nghiên cứu, tìm đối tác cung cấp cũng như những phương pháp bảo quản sao cho phù hợp. Cuối năm 2013, cơ sở chị Thủy chính thức cho ra mẫu hộp 300g đầu tiên. Một năm sau đó, sản phẩm của chị đã được bày bán tại siêu thị BigC Cần Thơ tại quầy đặc sản địa phương và các cửa hàng đặc sản trong tỉnh và lân cận.
Trải qua hành trình gần 10 năm phát triển, thời điểm hiện tại Công ty TNHH Tây Cát đã tạo dựng được cho mình chỗ đứng trên thị trường, đồng thời phát triển thêm nhiều loại sản phẩm khác như bánh dứa cuộn, bánh mãng cầu cuộn, bánh xoài cuộn… Thời điểm hiện tại, những sản phẩm với thương hiệu Tư Bông đã có mặt tại Hà Nội, Hội An, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, nhiều sân bay và hệ thống siêu thị lớn tại nhiều tỉnh thành.
Mỗi tháng, công ty của thị Thủy tiêu thụ khoảng 2 tấn chuối khô, 3 tấn dứa tươi cùng với hàng trăm kg trái cây như xoài và mãng cầu… Đồng thời, doanh nghiệp cũng đưa ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm các loại. Những tháng hè hoặc giáp Tết, số lượng hàng hóa bán ra có thể lên đến 6 tấn/tháng. Doanh thu năm 2022 ước tính trong khoảng 7-8 tỷ đồng.
Với mong muốn đưa những sản phẩm của mình ra nước ngoài, chị đã chủ động tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ và sự kiện kết nối cung cầu. Kể từ năm 2019, công ty của chị đã tiến hành gia công sản phẩm cho đối tác tại Campuchia và Thái Lan, số lượng mỗi tháng là khoảng hơn 500 kg. Mới đây, công ty đã nhận được nhiều chứng chỉ như ISO 22000, HACCP; đồng thời bán thử nghiệm tại một số thị trường như Mỹ và Hà Lan. Trong 1-2 năm tới, chị Thủy vẫn sẽ tập trung vào việc phát triển thị trường thị trường trong nước và đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra quốc tế.