Cảnh sát cơ động là gì? Cảnh sát cơ động học bao nhiêu năm?
Cảnh sát cơ động là gì?
Cảnh sát cơ động giữ chức vị nhất định thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động của Bộ Công An Việt Nam thực hiện các chức năng và quyền hạn được cấp trên giao để nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội, an toàn xã hội và những nhiệm vụ khác theo quy định của Luật hiện hành.
Cảnh sát cơ động là một thành phần trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả của cách mạng; cùng với toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Cùng với các lực lượng vũ trang khác đây là một trong những lực lượng vũ trang nòng cốt, sẵn sàng bảo vệ an ninh của tổ quốc, an toàn xã hội cũng như bảo vệ nhân dân trong mọi tình huống tiềm ẩn nguy hiểm có thể xảy ra trong thực tế.
Cảnh sát cơ động học bao nhiêu năm?
Để trở thành cảnh sát cơ động bạn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện tại một trong các trường CAND trên cả nước. Bạn có thể theo học hệ trung cấp, đại học. Với hệ trung cấp thời gian học sẽ là 3 năm, Đại học chính quy là 4 năm.
Được biết theo quy định tuyển sinh của các trường Đại học, học viện đào tạo lực lượng cảnh sát thì các thí sinh phải trải qua vòng sơ tuyển công an tại các tỉnh, thành phố nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú. Thí sinh phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây mới đủ điều kiện dự thi vào các trường Công an nhân dân:
Các yêu cầu về vấn đề sức khỏe
- Về thị lực (mắt): thị lực không kính một mắt đạt 10/10, tổng thị lực của 2 mắt đạt 19 – 20/10. Thí sinh ứng tuyển không được có sẹo giác mạc, không bị mắt hột, lác mắt, viễn thị hay rối loạn sắc mắt. Đồng thời cả 2 mắt phải to đều nhau. Với các đối tượng bị cận thị thì phải cam kết chữa trị khi sơ tuyển vào trường và đạt chuẩn thị lực theo quy định nhập học.
- Về tai – mũi – họng: các thông số tai ngoài, tai trong, tai giữa đều phải hoàn toàn bình thường, khứu giác (mũi) bình thường. Thanh quản phải hoàn toàn bình thường, không được nói ngọng, nói lắp và các xoang mặt hoàn toàn ổn định, bình thường.
- Về răng – hàm – mặt: thí sinh phải có đầy đủ răng, không tính răng khôn. Các vấn đề về răng như sâu răng, viêm tủy răng, viêm lợi, sứt môi hay khe hở vòm miệng đều sẽ gây khó khăn hoặc không thể được thi vào khối ngành công an.
- Thần kinh phải ổn định, không bị mắc các chứng bệnh về tâm thần như tâm thần phân liệt, động kinh hay suy nhược thần kinh,…
- Huyết áp tiêu chuẩn cần đạt 110 – 125 mmHg, không mắc các bệnh như viêm động tĩnh mạch, bệnh tim và vấn đề bất ổn về hệ tuần hoàn trong cơ thể,…
- Không bị dị tật cơ thể như mất, thừa ngón tay, ngón chân, v.v… Không bị nghiện ma túy, màu tóc và chất tóc phải bình thường, không xăm trổ,…
- Yêu cầu về hình thể: với nam cao từ 1m6 trở lên, nặng từ 48 kg – 75 kg; Đối với nữ cao từ 1m58 trở lên, nặng từ 45 – 57 kg.
Các yêu cầu về độ tuổi
- Với những cán bộ và chiến sĩ trong biên chế thì không được vượt quá 30 tuổi được tính đến năm dự thi.
- Với học sinh Trung học phổ thông thì không quá 20 tuổi và học sinh dân tộc thiểu số không vượt quá 22 tuổi.
- Với các công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và hoàn thành nghĩa vụ quân sự được quyền dự thi thêm 1 lần trong vòng 12 tháng kể từ ngày xuất ngũ.
Các yêu cầu về học lực
- Thí sinh phải tốt nghiệp Trung học phổ thông, học lực cần đạt từ trung bình trở lên theo ghi nhận trong học bạ. Tuyệt đối không tiến hành sơ tuyển thí sinh lưu ban trong thời gian học Trung học phổ thông.
- Thí sinh phải đạt hạnh kiểm từ khá trở lên, đây cũng là tiêu chuẩn hàng đầu cần đáp ứng khi tuyển sinh vào lực lượng cảnh sát.
- Với những trường hợp thí sinh tham gia Công an nhân dân, hoàn thành nghĩa vụ quân sự và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm kỷ luật quân đội từ mức khiển trách trở lên thì đủ điều kiện tham gia xét tuyển.
Yêu cầu về hồ sơ lý lịch
Bên cạnh các yêu cầu trên thì hồ sơ lý lịch về cá nhân và nhân thân cũng là điều đặc biệt quan trọng. Cá nhân và gia đình phải thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Có thân nhân (người nhà) đảm bảo những tiêu chuẩn về chính trị theo quy định đề ra của Bộ Công an.
Cảnh sát cơ động gồm những lực lượng nào?
Về thành phần, đội cảnh sát cơ động được cấu thành gồm các lực lượng cơ bản như sau:
– Đầu tiên cảnh sát cơ động sẽ phân chia theo nhiệm vụ cùng chức năng bao gồm các lực lượng sau: Lực lượng đặc nhiệm cùng các đơn vị tác chiến, bảo vệ mục tiêu, lực lượng sử dụng và huấn luyện động vật nghiệp vụ như chó nghiệp vụ,…
– Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động cùng với lực lượng chiến sĩ cơ động công an trực thuộc thành phố, trung ương. Trong đó gồm các cơ quan bộ tư lệnh, các đơn vị trực thuộc các cấp cùng các cục nghiệp vụ.
– Và, cuối cùng là lực lượng cảnh sát cơ động và lính nghĩa vụ với nhiệm vụ chính là bảo vệ nhân dân, an ninh tổ quốc và chống tội phạm.
Nguyên tắc của cảnh sát cơ động
Nguyên tắc hoạt động của cảnh sát cơ động được quy định như sau:
– Thứ nhất: Hoạt động cảnh sát cơ động phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an; thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Cảnh sát cơ động là một đơn vị có các quyền hạn đặc biệt của Quốc gia, chính từ những quyền hạn đặc biệt này mà mỗi một chiến sĩ cảnh sát cần phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên và phải thực hiện nhiệm vụ trong đúng quyền hạn mình được giao theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai: Tất cả các chiến sĩ cảnh sát cơ động đều cần phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền cũng như lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nguyên tắc này có ý nghĩa rất to lớn và được đặt ra không chỉ đối với cảnh sát cơ động. Mỗi chiến sĩ hay bất cứ người dân nào của đất nước đều cần phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước ta.
– Thứ ba: Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục với cơ động ngăn chặn và trấn áp kịp thời các hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Khi cảnh sát cơ động thực hiện các chức năng của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự, thì việc xảy ra xung đột cũng như sử dụng biện pháp vũ trang là không thể tránh khỏi. Nhưng trước khi sử dụng các biện pháp vũ trang cảnh sát cơ động phải tuân thủ các nguyên tắc, nhằm mục đích để kịp thời vận động, giải thích và hoà giải để hạ mức dùng biện pháp vũ trang xuống thấp nhất, tránh gây nguy hiểm cho người dân.
– Thứ tư đó là: Cảnh sát cơ động dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và hệ thống chính trị; đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân.
Đây cũng là một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng của cảnh sát cơ động. Mặc dù đóng vai trò trong việc giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự xã hội nhưng các chiến sĩ cảnh sát cơ động vẫn cần phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và hệ thống chính trị.
Tóm lại, cảnh sát cơ động là một trong những ngành vô cùng thiêng liêng và là lực lượng vũ trang vô cùng cần thiết trong việc trấn áp tội phạm và giữ gìn trật tự an ninh, đảm bảo an toàn xã hội.