Các ông lớn bất động sản khu công nghiệp làm ăn như thế nào trong quý II?
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội: Giải "cơn khát" nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệpLàn sóng đầu tư bán dẫn sẽ thúc đẩy bất động sản công nghiệp?Các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoạiThống kê báo cáo tài chính quý II/2024 của 27 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết có tổng doanh thu đạt 9.602 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.364 tỉ đồng, lần lượt giảm 12% và 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với quý I lại tăng lần lượt 18% và 38%.
Nhiều “ông lớn” giảm tốc
Ghi nhận mức doanh thu đứng đầu trong các doanh nghiệp niêm yết, trong quý II, Tổng Công ty IDICO – CTCP (mã chứng khoán: IDC) đạt hơn 2.148 tỉ đồng, giảm 11%, lợi nhuận đạt 433 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do doanh thu các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng điều kiện doanh thu một lần giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, IDICO mang về gần 4.616 tỉ đồng và gần 1.128 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 30% và 65% so với 6 tháng năm 2023.
Một “ông lớn” khác là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã chứng khoán: KBC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm tốc trong quý II/2024 với 892 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỉ đồng, lần lượt giảm 62% và 76%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 92% so với cùng kỳ, chỉ mang về 151 tỉ đồng do hoạt động kinh doanh khu công nghiệp giảm sút.
Tương tự, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP (mã chứng khoán: BCM) ghi nhận doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 1.162 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại bứt phá ở mức 381 tỉ đồng, gấp 2,7 lần quý II/2023.
Đà tăng đột biến trong quý II đã kéo tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Becamex IDC lên 513 tỉ đồng, gấp 10,5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, với mục tiêu tham vọng lợi nhuận sau thuế 2024 ở mức 2.350 tỉ đồng, “ông lớn” này mới thực hiện được 22% kế hoạch năm.
Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đi lùi, Công ty CP Sonadezi Giang Điền (mã chứng khoán: SZN) chỉ đạt doanh thu hơn 193 tỷ đồng, lãi ròng gần 67 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, lần lượt giảm 23% và 36% so với cùng kỳ.
“Thảm” hơn, Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D) lại có quý kinh doanh thua lỗ nhiều nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE với hơn 6 tỉ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ lãi 1 tỉ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp lỗ duy nhất trong nhóm khu công nghiệp. Nguyên nhân chính từ việc hụt doanh thu tài chính gần 90%, trong khi chi phí quản lý lên 60%. Sau 6 tháng, công ty lỗ hơn 5 tỉ đồng, cùng kỳ lãi 7 tỉ đồng.
Vẫn còn nhiều điểm sáng
Mặc dù dấu hiệu giảm tốc ở nhiều đơn vị nhưng số doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu lợi nhuận vẫn chiếm áp đảo trong nửa đầu năm qua.
Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) đạt 1.937 tỉ đồng doanh thu quý II, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế gần 298 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh khởi sắc của Sài Gòn VRG đến từ doanh thu mảng cung cấp dịch vụ tiện ích khu công nghiệp, cùng với lãi bán các khoản đầu tư.
Tổng 2 quý đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 3.763 tỷ đồng, tăng 23% và lãi ròng gần 544 tỷ đồng, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, mã chứng khoán: SNZ), Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: VRG), Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (mã chứng khoán: TIP)…cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ.
Trong giai đoạn tới, giới chuyên gia vẫn đánh giá cao triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nhờ dòng vốn FDI ổn định.
Theo số liệu tổng hợp đến cuối tháng 6/2024 của ACBS Research, các khu công nghiệp tại Việt Nam đã thu hút khoảng 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong số này, lượng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư đã giải ngân đạt trên 10,8 tỉ USD.
Các địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… tốc độ thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp đều có mức tăng mạnh.
Chẳng hạn, tại Đồng Nai, trong 7 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã thu hút 55 dự án FDI đăng ký mới với giá trị vốn 627 triệu USD và 67 dự án tăng vốn với giá trị vốn 392 triệu USD , vượt 146% so với kế hoạch đặt ra.
Tương tự, tại Bình Dương, trong 7 tháng qua, tỉnh này có hơn 4.300 dự án FDI từ 65 quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 41 tỉ USD. Nhiều khả năng, cả năm 2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Bình Dương sẽ thu hút khoảng 1,2-1,3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các dự án sản xuất, chế biến xuất khẩu.
CBRE nhận định, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang ở mức cao, nguồn quỹ đất ở hầu hết các tỉnh, thành phố không còn nhiều để cho thuê. Trong khi đó, giá thuê vẫn đang trong xu hướng tăng tịnh tiến và sẽ không dừng lại.
Cụ thể, hiện giá thuê sơ cấp tại các khu công nghiệp phía Bắc đạt khoảng 134 USD/m2/kỳ hạn, tăng 4,5% so với cùng kỳ; tại phía Nam đạt khoảng 173 USD/m2/kỳ hạn, tăng 1% so với cùng kỳ. Dự kiến giá thuê trong giai đoạn 2024 - 2026 tiếp tục tăng trưởng 6-7%/năm ở phía bắc và 3 -7% ở phía Nam.