Các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại
Hấp dẫn vốn đầu tư ngoại
Mặc dù gặp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp. Nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đang rất lớn với sự quan tâm đặc biệt đến các tài sản thương mại đang vận hành cũng như các dự án nhà ở.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến hết quý I/2024, cả nước đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và hơn 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong các khu công nghiệp và khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Nhu cầu cao và xu hướng tăng đã đẩy giá thuê đất khu công nghiệp lên cao, với mức tăng ổn định từ 8-12% mỗi năm. Khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất với giá thuê khu công nghiệp trung bình 135 USD/m² cho cả chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình là 188 USD/m² cho cả chu kỳ thuê.
Tương tự, nhu cầu kho bãi và nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất, thương mại điện tử và máy móc linh kiện điện tử. Giá thuê kho bãi và nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4-5 USD/m² mỗi tháng.
Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, Việt Nam có dân số đông, tỷ lệ đô thị hóa cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vì vậy còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mặc dù vẫn tồn tại những thách thức và thăng trầm trong chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn tập trung vào các trung tâm dữ liệu, trong khi những người khác quan tâm đến lĩnh vực logistics, khu công nghiệp và kho bãi.
Phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên quan đến sản xuất. Do đó, FDI quốc tế thường tập trung vào các nơi sản xuất chất lượng cao. Đã có một số giao dịch nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, cùng với các giao dịch thương mại tại TP.HCM, giao dịch khách sạn và logistics, cho thấy sự quan tâm lớn đến nhiều khía cạnh khác nhau của thị trường.
“Mặc dù việc hoàn thành các giao dịch bất động sản tại Việt Nam có thể gặp thách thức nhưng nhu cầu chắc chắn vẫn tồn tại. Với thời gian dài hợp tác với các nhà đầu tư và người bán bất động sản tại Việt Nam, chúng tôi vẫn duy trì sự lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư của Việt Nam”, ông Matthew Powell nói.
“Điểm sáng” của thị trường trong năm 2024
Theo báo cáo thị trường tháng 4 của VARS, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Sự phát triển của ngành logistics sẽ dẫn đến nhu cầu về kho bãi và trung tâm logistics tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ. Các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước cũng đã và đang tích cực mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động tại Việt Nam.
Các "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tự động hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với đông đảo lực lượng lao động trẻ và chi phí cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, các nước công nghiệp mới (NICs) đều đã cất cánh và thành công nhờ tận dụng tốt giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Cho nên, đây là một cơ hội lớn để ngành công nghiệp Việt Nam bứt phá và phát triển nhanh.
Dự báo về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, việc thu hút dòng vốn FDI, cùng với các chính sách vĩ mô và các dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư sẽ tạo ra triển vọng tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp. Theo đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng khuyến cáo rằng để duy trì và phát triển mạnh mẽ phân khúc bất động sản công nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự lớn mạnh là một thách thức không hề nhỏ. Để duy trì sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp, Việt Nam cần xây dựng một kịch bản thu hút đầu tư FDI mới.
“Ấn Độ thu hút thành công các "đại bàng" đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng là thiết lập quỹ đất sạch lớn. Chính phủ Ấn Độ đã dành quỹ đất sạch rộng hơn 460.000 ha, tương đương 6 lần diện tích Singapore và gấp đôi diện tích của Luxembourg. Việt Nam cũng cần học hỏi và áp dụng những chiến lược tương tự để thu hút đầu tư hiệu quả”, ông Bảo nói./.