Buôn đất giỏi như của nhà đầu tư BĐS tay ngang: Trúng đậm 800 triệu ngay từ thương vụ đầu tiên
Trong đầu tư bất động sản người ta thường hay nhắc đến chữ "duyên", bởi có những nhà đầu tư chỉ bước vào thị trường với tâm lý thử cho vui, hoặc mua làm tài sản để dành. Nhưng cứ "mua đâu trúng đó", khiến họ vô tình lại trở thành nhà đầu tư bất động sản.
Cứ có tiền lại đi vay thêm ngân hàng để đầu tư bất động sản
Chị H hiện đang sống tại TP. Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang là hiệu trưởng một trường mầm non cho biết, những nền đất, căn nhà mà chị bán ra gần như đều thu lời về gấp đôi so với giá mua ban đầu, trong khoảng thời gian 1-2 năm.
Chị H chia sẻ, mỗi khi có ít tiền nhàn rỗi là chị lại đi vay thêm ngân hàng để mua đất. Ban đầu chị H chỉ nghĩ mua để làm tài sản, nếu vay không được thì chị sẽ tính đến chuyện bán tài sản. Nhưng may mắn sao cứ mua lô nào lên giá nhanh lô đó khiến chị không bán không được. Cứ mua chỗ này bán chỗ kia, dần dần tài sản tích lũy của chị ngày càng tăng dần lên.
Mới "chân ướt chân ráo" vào thị trường đã trúng đậm gần 800 triệu đồng
Chị H chia sẻ mình là người có duyên trong đầu tư bất động sản. Chị cho hay, ngay thời điểm mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường, chị H đã trúng đậm gần 800 triệu đồng lô đất tại Long Phước (quận 9 cũ). Vào năm 2017, chị H mua một lô đất diện tích 60m2 với giá 800 triệu tại đây, sau 2 năm chị đã bán ra với giá gần 1.6 tỷ đồng.
Thương vụ đầu tiên có thành quả, chị H tiếp tục đầu tư vào các lô đất có diện tích nhỏ hơn tại khu Đông Sài Gòn, và gần như lô nào cũng lời gấp đôi, thậm chí có lô còn lời tới gấp 3 lần. Có thêm vốn, chị H và chồng quyết định thành lập trường học riêng để theo đuổi đam mê nghề nghiệp. Đồng thời, chị vẫn tiếp tục tìm kiếm các nền đất mặt tiền để mua vào.
"Khi có vốn lớn hơn một chút, thay vì mua các lô nhỏ, trong hẻm, chị bắt đầu tìm các lô diện tích lớn hơn, có mặt tiền. Mục đích cũng vẫn chỉ làm của để dành, tính phương án kinh doanh hoặc sau này về già sẽ ở căn nào thì ở…nhưng gần như lô nào mua cũng có duyên lên giá", chị H (cười) cho biết.
Thương vụ mua bán "phong ba bão táp"
Theo nhà đầu tư này, dù may mắn nhưng cũng có những thương vụ mua bán "phong ba bão táp" mà đến nay nghĩ lại chị vẫn còn sợ. Năm 2017, chị H xuống tiền mua một mảnh đất mặt tiền với giá hơn 4 tỷ đồng (chưa thu được tiền từ tài sản và vẫn còn một phần vay ngân hàng). Tuy nhiên, lúc này chị chỉ có 38 triệu tiền mặt trong người. Do số tiền cọc ít ỏi nên chủ đất tỏ ra "khinh khinh" và đổi ý liên tục. Sau nhiều lần thỏa thuận giá, ngày ký hợp đồng cọc xong thì chủ nhà lại nhắn tin không bán nữa. Vợ chồng chị H phải gọi điện để giải thích đủ kiểu chủ nhà mới "xuôi", nhưng vài tiếng sau lại không muốn bán nữa và muốn trả lại tiền cọc.
"Nguyên tắc là chủ đất phá cọc thì sẽ phải đền gấp đôi số tiền, nhưng chủ đất này chỉ khăng khăng trả lại cọc và không đền, không bán. Chưa kể, họ còn nhắn tin nói đủ thứ rằng, mua đất hơn 4 tỷ mà cọc có 38 triệu đồng….", chị H kể lại.
Thế nhưng, sau nhiều lần nói qua nói lại, chủ nhà cuối cùng cũng đổi ý đồng ý bán. "Nói thật, đi mua đất mà như đi năn nỉ người bán vậy đó. Hiện tại mảnh đất có cũng đã lên được hơn 3 tỷ rồi", chi H cho hay.
Đi mua bất động sản cứ nhắm cái nào mình thích thì người khác mới thích được
Chị H tiết lộ, gần như các bất động sản khi chị mua vào đều không có ý định bán ra ngay, nhưng gần như có duyên nên giá lên rất tốt và vợ chồng lại bàn bạc tính bán để mua bất động sản khác tốt hơn. Tính đến nay, ngoài những lô đất nhỏ ở TP. Thủ Đức thì nhà đầu tư này còn đang sở hữu những bất động sản có giá trị cao (gồm cả đất và nhà phố ở khu đô thị) có mặt tiền và kinh doanh được. Căn thì chị H cho thuê, căn thì dùng làm trường học, còn có căn chỉ để đó làm của để dành.
Theo nhà đầu tư này, đi mua bất động sản cứ nhắm cái nào mình thích thì người khác mới thích được. Tức là dù mua để ở hay để đầu tư thì tâm thế phải luôn đặt vào người mua, ưng vị trí đó, thì việc ra hàng về sau mới dễ. "Cũng có thể do một phần mát tay nên những BĐS chị chỉ gửi một môi giới và vài ngày sau là bán được liền", chị H chia sẻ.
Kinh nghiệm của nhà đầu tư BĐS tay ngang “mua đâu trúng đó”
Trong đầu tư bất động sản, theo chị H, nếu tài chính không nhiều thì nhà đầu tư nên kiếm các bất động sản đóng theo giai đoạn để dễ thở. Ngoài ra, trong mua bán bất động sản cần có thêm tính quyết đoán, nếu chần chừ sẽ rất dễ mất đi cơ hội tốt. Chị H chia sẻ, thời điểm đầu mới bước vào thị trường BĐS, gần như mua miếng đất nào chị cũng vay rồi lấy chính BĐS đó làm tài sản thế chấp và cũng vẫn giữ nhịp công việc của hai vợ chồng để chi trả cho phần lãi vay. Đến khi tài sản và nguồn vốn lớn dần lên thì nguồn vay ngân hàng cũng sẽ giảm đi.
Một kinh nghiệm nữa mà chị H muốn chia sẻ chính là nên mua BĐS ở khu vực hạ tầng còn chưa hoàn thiện, chưa có sổ (nhưng chắc chắn ra sổ được). Như vậy thì mức lời sẽ cao hơn so với những khi vựa hạ tầng đã chỉn chu hết. "Năm 2019, tôi mua lô đất giá 5 tỷ, diện tích hơn 100m2 theo giá gốc của sàn giao dịch, có mặt tiền, buôn bán được. Lúc đó, khu vực xung quanh hạ tầng chưa đẹp như bây giờ đâu, có thể nói là còn hoang sơ, chưa làm khuôn viên gì cả…nhưng chỉ sau 2 năm mọi thứ khác hẳn. Mới đây có người trả 9,5 tỷ mà tôi chưa bán", Chị H cho biết.