Bất động sản liên tục tăng giá, làm gì để người trẻ mua được nhà?
Người trẻ vật vã trong hành trình mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, trong 5 năm qua, kể từ năm 2017 đến nay, giá nhà đã liên tục tăng. Nguyên nhân là do tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường. Đặc biệt, tình trạng lệch pha cung – cầu khá mạnh ở phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động.
Đây cũng là lí do khiến việc mua nhà của những người trẻ tuổi trở nên khó khăn. Theo khảo sát của Batdongsan, nhóm người trẻ tuổi có xu hướng trì hoãn việc mua nhà. Cụ thể, với mong muốn mua nhà trong vòng 3-5 năm thì nhóm 20 – 29 tuổi chiếm 58%; nhóm 30 – 39 tuổi chiếm 43%. Với mong muốn mua nhà trong 1-2 năm thì nhóm 20 – 29 tuổi chiếm 34%, nhóm 30 – 39 tuổi chiếm 38%.
Vợ chồng chị Trần Mai Linh (Hà Đông, Hà Nội) năm 2015 đã cố gắng vay mượn gia đình, người thân để mua một căn hộ chung cư trả góp. Căn hộ giá 1 tỉ 6 và hai vợ chồng chỉ trả trước được 300 triệu. “Khi đó, chúng tôi nghĩ cứ vay ngân hàng mua nhà đã, rồi sẽ có động lực để trả nợ” – chị Mai Linh chia sẻ.
Với khoản nợ này, mỗi tháng vợ chồng chị Linh phải trả gần 14 triệu đồng trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ vẻn vẹn hơn 20 triệu đồng. Việc đánh liều mua nhà với khoản nợ khổng lồ khiến hai vợ chồng chị quyết định hoãn chuyện sinh con để trả nợ. Sau 7 năm chạy nước rút để trả nợ, giờ đây số tiền cần phải trả cũng không còn nhiều, chị Linh mới dám nghĩ đến chuyện sinh con. “Giờ tôi đã ngoài 30 tuổi, lại mang nỗi lo nhiều tuổi rồi thì có sinh đẻ được không” – chị Mai Linh tâm sự.
Anh Nguyễn Thành Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, năm 2016, vợ chồng anh mua một căn chung cư hơn 60m2 với giá 1 tỉ 3. Bất chấp nhiều người cảnh báo, vợ chồng anh quyết định vay 70% giá trị căn hộ. Và mỗi tháng, vợ chồng phải trả gần 15 triệu đồng cho khoản vay ngân hàng.
Từ đó, ngoài làm công việc chính, vợ chồng anh Nam phải xoay sở đủ kiểu để bán thêm hàng online. Sau 5 năm tích góp trả nợ, số tiền nợ của anh đã giảm nhiều nhưng hai vợ chồng lại quyết định ly hôn sau nhiều năm cãi vã về chuyện tiền nong.
“Hồi mua nhà, tôi đã nghĩ rằng, cứ vay ngân hàng thì sẽ có động lực trả nợ. Thế nhưng, với những người thu nhập ba cọc ba đồng như vợ chồng tôi thì đó không phải là động lực mà đã trở thành áp lực thì đúng hơn. Giờ nghĩ lại, nếu quay trở về 6 năm trước, tôi sẽ không mua nhà mà chỉ đi thuê thôi” – anh Nam chia sẻ.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chỉ trông chờ vào tiền lương và thu nhập thì một người làm công ăn lương trung bình cũng phải mất 15 – 25 năm thì mới có thể mua được nhà, chưa kể là trượt giá, lạm phát...
Cần một chính sách nhà ở giá rẻ cho người trẻ
Ông Nguyễn Kim Đức, Giám đốc Trung tâm kinh tế, luật và quản lý, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, để có thể mua được nhà, người trẻ cần có kế hoạch tài chính rõ ràng. Cụ thể, sẽ có 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tích luỹ để có từ 20 – 30% giá trị căn hộ dự định mua. Giai đoạn hai là trả tiền ngân hàng mỗi tháng sau khi mua căn hộ.
Ở giai đoạn đầu, người trẻ cần liệt kê chi tiết các khoản thu nhập và chi tiêu cá nhân của mình hằng tháng. Từ đó, với khoản thu nhập của mình, người trẻ lên kế hoạch cần phải tích luỹ trước một lượng cố định là bao nhiêu, rồi tiêu xài trong phần còn lại.
Ở giai đoạn sau, áp lực tài chính ngân hàng cũng sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các bạn trẻ có nơi an cư lạc nghiệp. Người trẻ cũng chỉ nên cân nhắc mua căn hộ vừa với khả năng chi trả của mình, biết lường trước lạm phát trong tương lai vì lạm phát sẽ khiến lãi suất ngân hàng tăng, kéo dài thời gian chi trả của người đi vay tiền mua nhà.
Ngoài ra, việc lực chọn ở các khu vực lân cận thay vì ở trung tâm thành phố cũng là lời khuyên của nhiều chuyên gia bất động sản dành cho những người trẻ đang có nhu cầu tìm kiếm một mái nhà. Giờ đây, với hạ tầng giao thông đang ngày càng được cải thiện, việc đi lại đã trở nên thuận tiện hơn.
Còn ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư vấn đầu tư bất động sản TP.HCM cho rằng, lực lượng trẻ là bộ phận đang đóng góp nhiều vào việc xây dựng các thành phố lớn, vì vậy, cần có những chính sách nhà ở xã hội dành cho lao động trẻ nhập cư. Thành phố nên quan tâm, đưa ra những chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà cho thuê... để người trẻ có nơi an cư, ổn định và tâm huyết để cống hiến sức trẻ xây dựng thành phố.
Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng, người trẻ sống ở các thành phố lớn không nhất thiết phải mua nhà cho bằng được, nếu việc đó vượt khả năng tài chính của bản thân.
“Mua nhà có thể là đầu tư nhưng cũng có thể là tiêu sản. Khi chúng ta mua một căn hộ chung cư, chúng ta cứ nghĩ rằng mình đang đầu tư cho cuộc sống nhưng thực chất lại là đang tiêu tài sản của chính mình. Nên nhớ rằng, hơn 50% giá trị của một căn hộ chung cư nằm trong xây dựng, mà xây dựng thì không tăng giá, chỉ giảm đi” – ông Hiển phân tích.
Thực tế có thể thấy rõ, nhà chung cư sau khi ở một thời gian, sẽ có giai đoạn lên giá tùy vào nhiều yếu tố trên thị trường nhưng giai đoạn này diễn ra không dài, còn sau đó, giá sẽ xuống thấp hơn so với thời điểm ban đầu mua. Chung cư càng ở lâu giá càng xuống.
Tiếp đó, gánh nặng lãi suất ngân hàng sẽ khá cao nếu người trẻ chưa có nhiều tiền tích lũy, chỉ có thể trả được 30% giá trị căn hộ, rồi co kéo, gồng gánh trả nợ nên việc tưởng như có một nơi an cư lạc nghiệp nhưng hóa ra lại là tạo gánh nặng cho cuộc sống mà buông mất hạnh phúc lúc nào không hay.
Theo ông Đinh Thế Hiển, ở nhiều nước hiện đại, lựa chọn thuê nhà ở dài hạn là giải pháp tối ưu được đa số các bạn trẻ lựa chọn.