Bất động sản công nghiệp miền Nam đã đến giai đoạn trầm lắng
Theo Zing news, Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy tình hình ảm đạm của nền kinh tế thế giới đã làm ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam Việt Nam trong quý vừa qua.
Nguồn cung đất cho thuê trong quý I chỉ khoảng 28.000ha, không thay đổi nhiều so với quý IV/2022, nhưng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tỷ lệ lấp đầy lại khá ổn định, giữ ở mức 81% và tăng 8 điểm phần trăm theo năm. Giá thuê trong quý I trung bình là 163 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 2,5% so với quý IV/2022 và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường nhà xưởng xây sẵn, tổng diện tích nguồn cung tính đến hết tháng 3 đang có 4,85 triệu m2, tăng 1,6% theo quý và 6% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy đã đạt 78%, tăng 2 điểm phần trăm so với quý trước đó và tăng 11 điểm phần trăm so với năm 2022. Giá thuê bình quân vào khoảng 4,6 USD/m2/tháng, ổn định theo quý nhưng giảm 3,3% theo năm.
Đối với nhà kho xây sẵn, nguồn cung ra thị trường trong quý khoảng 5,07 triệu m2, tăng 1,3% theo quý và tăng 25% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, giảm 3 điểm phần trăm so với quý trước đó và giảm 9 điểm phần trăm so với năm trước. Phân khúc này ghi nhận giá thuê khoảng 4,4 USD/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 8,1% so với quý I/2022.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nguồn cung đất khu công nghiệp mới có thể không được bổ sung thêm vào năm 2023. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai phân khúc nhà xưởng và nhà kho sẽ còn tăng thêm, tuy nhiên tốc độ chậm hơn so với năm ngoái. Cả hai phân khúc sẽ ở mức gần 1,1 triệu m2.
“Bất ổn kinh tế trên toàn cầu, tiêu dùng suy yếu, đơn hàng xuất khẩu giảm làm tác động tới nhu cầu trong ngắn hạn. Vì vậy điều này sẽ làm giá thuê bất động sản xây sẵn một cách ổn định, thậm giảm trong giai đoạn 2023 - 2025” - Theo chuyên gia của Cushman & Wakefield.
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, ngành công nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhu cầu giảm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Qúy I/2023 ghi nhận, tổng số vốn đăng ký và vốn thực hiện từ các doanh nghiệp FDI giảm lần lượt là 38,8% và 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại đang đi chậm lại và ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trên toàn ngành và lĩnh vực chế biến, chế tạo đều đã xuống tới mức âm trong vòng 3 tháng đầu năm nay. Vấn đề này chưa từng xảy ra kể từ quý III/2021.