Áp lực đáo hạn trái phiếu: Nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải "bán sỉ" dự án để trả nợ
BÀI LIÊN QUAN
Trước 10/2, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi quy định về trái phiếu doanh nghiệpTriển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2023 (kỳ 1): Những vấn đề đặt raThời điểm “đỉnh nợ” của thị trái phiếu
Phát hành trái phiếu được xem là kênh huy động vốn hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ vào năm 2020-2021, tuy nhiên, chính sự bùng nổ đó thì năm 2023 lại được coi là đỉnh đáo hạn với giá trị trái phiếu đáo hạn lên tới 300.000 tỷ đồng, tăng 90% so với 2022. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2023, giá trị trái phiếu đáo hạn đã gần 17,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 10,5 nghìn tỷ đồng tập trung ở nhóm bất động sản, 5,9 nghìn tỷ đồng là nhóm xây dựng.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy, dòng tiền của các doanh nghiệp hiện nay đang rất yếu, hàng tồn kho, vay nợ tăng đều tăng cao.
Trước những khó khăn này, hàng loạt doanh nghiệp cũng đã thông báo chậm thanh toán trái phiếu, hay gặp gỡ chủ trái để đàm phán phương án trả nợ. Công ty cổ phần Angimex là một điển hình. Cụ thể, doanh nghiệp này đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ trái chủ để thông báo về kế hoạch bán tài sản, trả nợ trái phiếu. Trước đó, Angimex cũng đã mất khả năng thanh toán 2 lô trái phiếu với giá trị là 350 tỷ và 300 tỷ. Công ty dự kiến sẽ xử lý một số tài sản đảm bảo, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động... để trả nợ.
Tình trạng này cũng đang xảy ra với Công ty Cổ phần Lâu đài trắng (Vũng Tàu), doanh nghiệp này thông báo chậm thanh toán lô trái phiếu ngày 5/1/2023 và lùi sang ngày 28/2/2023 với lý do thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.
Tháng 1 vừa qua, Công ty cổ phần Hưng Thịnh INCONS cũng đã có thông báo về việc chậm thanh toán gốc và lãi lô trái phiếu HTNBH2122002 với giá trị phát hành 300 tỷ đồng, công ty mới thanh toán được 90 tỷ đồng tiền gốc, dư nợ hiện còn 210 tỷ đồng. Thay vì thanh toán đúng hạn thì Hưng Thịnh INCONS đã "khất" nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa vào cuối tháng 3. Nguyên nhân là do tín dụng thắt chặt, các thị trường vốn khác kém tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp thanh toán được cho doanh nghiệp khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Chia sẻ về áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, áp lực trái phiếu đáo hạn hiện nay là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi số lượng đáo hạn trong năm nay vào năm tới là rất lớn.
Chuyên gia cũng cho biết, sau một tháng đầu năm, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nếu nhà phát hành không đủ khả năng trả nợ thì dễ xảy ra tình trạng vỡ nợ, thậm chí vỡ nợ hàng loạt nếu Chính phủ không có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ngay lúc này.
Để thanh toán trái phiếu đến hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp cần lên cho mình nhiều phương án khác nhau để xử lý. Đối với các doanh nghiệp có dòng tiền, có lợi nhuận thì cần thanh toán cho trái chủ để giữ niềm tin đối với nhà đầu tư. Đối với các doanh nghiệp không có dòng tiền thì có thể bán tài sản như bất động sản, tài sản khác để tạo ra dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
“Nếu các phương án trên không khả thi, nhà phát hành có quyền ra tòa mở thủ tục phá sản, nhưng đây chỉ là phương án cuối cùng vì nó rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam. Một nhà phát hành tuyên bố phá sản cũng có thể kéo theo nhiều nhà phát hành khác” – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Chuyên gia cũng nhận định, những phương cách này hầu như không khả thi đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
“Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể tạo ra khi bán được sản phẩm, họ vay tiền hoặc phát hành trái phiếu để có tiền, từ nguồn vốn đó để hoàn thành dự án rồi tiếp tục bán sản phẩm để có dòng tiền thanh toán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản hầu như không chuyển động, trái phiếu cũng đóng băng. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không có tiền để hoàn thành dự án, không có sản phẩm để bán, không tạo ra được dòng tiền xoay vòng để thanh toán cho chủ đầu tư” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Trước những áp lực này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc bán hàng bằng cách chiết khấu sâu, khuyến mại lớn. Thậm chí một số dự án còn mở bán với mức chiết khấu lên đến 50% nhằm thu hút khách hàng, tạo dòng tiền….
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển nhượng dự án, bán sỉ bất động sản cũng được doanh nghiệp triển khai. Để giảm áp lực trả nợ, giảm chi phí lãi vay, nhiều doanh nghiệp có khả năng tài chính đã đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Hoạt động này đã góp phần giảm quy mô trái phiếu đang lưu hành, giảm nhẹ tác động của kênh trái phiếu, dư nợ trái phiếu lên hệ thống tài chính.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ bổ sung quy định gia hạn đối với các trái phiếu đã phát hành nhưng còn dư nợ, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.
Gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán trái phiếu đến hạn năm 2023-2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoàn thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65 trong vòng 1 năm.
Bộ Tài Chính cũng cho biết, trường hợp không đủ 65% nhà đầu tư đồng ý kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì doanh nghiệp sẽ không được phép kéo dài, thay đổi điều khoản, điều kiện của trái phiếu. Đối với các nhà đầu tư chấp nhận, doanh nghiệp có thể đàm phán để chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài khoản khác theo quy định pháp luật.