10% tỷ trọng FDI thuộc về lĩnh vực bất động sản
Theo VTV, tính tới ngày 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tăng 7,7% so với cùng kỳ, đạt gần 20,21 tỷ USD.
Riêng tháng 9, ghi nhận 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 10,23 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ; 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ).
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm trong 9 tháng qua (37,3% so với cùng kỳ) nhưng các mức giảm đã có sự cải thiện, cụ thể: 39,7% trong 8 tháng: 42,5% trong 7 tháng; 57,1% trong 6 tháng; 59,4% trong 5 tháng và 68,6% trong 4 tháng.
Bên cạnh đó, lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì ở mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đã đầu tư vào 18 ngành trên tổng 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm khoảng 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, 15,5% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 khi có tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ. Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,8 lần) và gần 734 triệu USD (tăng 18,7%).
Về địa bàn đầu tư, Hà Nội đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm khoảng 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2,46 lần so với cùng kỳ. Xếp thứ 2 là Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,21 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư trên toàn quốc, tăng 82,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. HCM, Bắc Giang, Bình Dương,…
Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) là các đối tác truyền thống của Việt Nam khi chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Trong đó, dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD là Singapore, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 2 với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn, Nhật Bản đứng thứ 3 với gần 2,9 tỷ USD tổng vốn, chiếm hơn 14,3%.
Giám đốc Savills Hà Nội - Ông Matthew Powell nhận xét, dòng vốn FDI đã là minh chứng của nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam vẫn luôn nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa những tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi cùng xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu. Sự phát triển về hệ thống hạ tầng đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường.
Xét riêng lĩnh vực bất động sản, ông Matthew Powell cho rằng, phân khúc BĐS xanh tại Việt Nam đang rất được quan tâm. Đặc biệt là khi các cam kết về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và yếu tố xanh trong thị trường này đã trở thành một yêu cầu quan trọng.
"Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp quốc tế đã cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu gia tăng đối với loại hình sản phẩm này. Vì vậy, các nhà đầu tư tại Việt Nam cần nắm bắt xu hướng thị trường, mang tới thêm các sản phẩm BĐS đáp ứng các tiêu chí xanh và ESG" – Vị chuyên gia cho biết.
Xu hướng “xanh hóa” được ghi nhận đối với những sản phẩm văn phòng, bán lẻ, nhà ở và hiện tại là BĐS công nghiệp. Một số chủ đầu tư nước ngoài và chủ đầu tư Việt có kế hoạch đầu tư vào giải pháp công nghệ cao cho BĐS công nghiệp nhằm thu hút nhu cầu nhà xưởng xanh và các ngành nghề có giá trị gia tăng cao như điện tử, thiết bị điện, chất bán dẫn. Đồng thời, tác động tích cực tới thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định, từ tháng 3/2023 đến nay, cung tiền đã bắt đầu tăng trở lại. Khi vòng quay tiền nhanh hơn sẽ giúp thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp và người dân mạnh hơn.
Cùng quan điểm, theo Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, thị trường BĐS giai đoạn này có một số động lực phục hồi. Trước hết là sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ban ngành với các chỉ đạo sát xao nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường địa ốc, từ đó gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.
Thị trường BĐS vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc ở từng phân khúc. Các chủ đầu tư xem xét, cân nhắc để tập trung nguồn lực vào những dự án khả thi nhằm sớm đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền trở lại. Ông Thịnh cho rằng đó là yếu tố quan trọng thể hiện việc tái cấu trúc diễn ra trên toàn thị trường chứ không chỉ tập trung vào một vài phân khúc.
Từ năm 2023, Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Chính phủ cũng giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, tăng cường năng lực, đổi mới hoạt động…