Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh rất linh hoạt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn mà không đánh mất quyền sở hữu doanh nghiệp như phát hành cổ phiếu. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấp vốn cho nền kinh tế, nhất là về vốn trung và dài hạn.
Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm khoảng gần 1/3 tổng vốn trung, dài hạn do hệ thống ngân hàng thương mại cung ra thị trường với tổng dư nợ khoảng 1,4 triệu tỷ đồng/5 triệu tỷ đồng của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, với tốc độ tăng trưởng bình quân của trái phiếu doanh nghiệp rất nhanh trong 5 năm gần đây (2007-2021) khoảng 46% và riêng năm 2021 đã tăng tới 56%.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng từ 40-50%/năm được duy trì, đồng nghĩa với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm. Hiện nay, quy mô thị trường là 1,4 triệu tỷ đồng, sau 6 năm nữa có thể đại tới 11,2 triệu tỷ đồng. Khi đó, quy mô của thị trường trái phiếu sẽ đạt mức tương đương với mức cung vốn trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường đối với trái phiếu vô cùng lớn. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh quá thì đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, đơn cử như một số vụ việc xảy ra thời gian vừa qua.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương đã trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ và nêu quan điểm, “Rủi ro và khủng hoảng là thuộc tính đương nhiên của thị trường. Do đó, bất kỳ thị trường nào cũng đều có rủi ro và đối với thị trường tài chính thì nó là đương nhiên của đương nhiên”.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Tú Anh, khi đã tham gia vào thị trường, chúng ta phải chấp nhận rủi ro và phải có niềm tin đối với thị trường. Đồng thời, điều quan trọng nữa là phải đặt niềm tin đó cho đúng chỗ. Luật chơi của chúng ta rất rõ ràng, nếu người ta làm sai so với cam kết thì họ phải trả giá cho việc đó. Vì vậy, bất kỳ thị trường nào muốn phát triển, dù thị trường tài chính hay tiền tệ cũng phải xây dựng được hệ thống niềm tin”.
Theo ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, thị trường vốn của Việt Nam đã phát triển rất nhanh thời gian qua. Hiện nay, quy mô thị trường đã vươn lên đứng đầu Đông Nam Á và sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường nào phát triển nhanh cũng đều có rủi ro, nhất là rủi ro mang tính hệ thống. Thực tế ở thị trường Việt Nam, đang có sự phát triển chưa tương xứng giữa thị trường trái phiếu và cơ quan xếp hạng tín nhiệm.
TS. Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận đinh, “vấn đề rủi ro của thị trường trái phiếu phức tạp ở chỗ, nó không phải chỉ là rủi ro cá nhân nhà đầu tư mà còn mang tính rủi ro của cả hệ thống nếu xảy ra khủng hoảng”.
Điều này đặt ra cả hai vấn đề, thứ nhất là ứng xử với các nhà đầu tư gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức như thế nào? Trong số 1,5 triệu tỷ đồng trái phiếu vừa rồi có khoảng 300.000 tỷ đồng là của các nhà đầu tư cá nhân.
Vấn đề thứ hai là về rủi ro vĩ mô, đây chính là điều các nhà quản lý lo lắng nhất. Đối với nhà đầu tư cá nhân, nếu họ thua là vấn đề cá nhân của họ. Nhưng nếu cả hệ thống ngân hàng thua lỗ, khủng hoảng lại là vấn đề khác. Những rủi ro đáo hạn, rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu trong 3-4 năm tới có thể dẫn đến rủi ro của một số ngân hàng. Điều này dẫn đến một vấn đề rất nguy hiểm đó là rủi ro hệ thống.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, hạn chế rủi ro mang tính hệ thống thì hoàn thiện hệ thống pháp lý của thị trường là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, cần tạo không gian để thị trường tự điều tiết theo cách tự nhiên vốn có của nó.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, để xây dựng được hệ thống niềm tin, chúng ta có hai cách tiếp cận:
Một cách tiếp cận mang tính cổ điển là xây dựng hệ thống pháp luật chặt, kiểm soát chặt nhằm loại bỏ những đối tượng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực hiện theo cách này có thể giảm thiểu được rủi ro nhưng lại tiêu diệt mất thuộc tính đương nhiên của thị trường là rủi ro khiến thị trường khó phát triển.
Cách tiếp cận khác là chúng ta cần tạo ra một sự cân bằng cho các chủ thể tham gia thị trường và xây dựng niềm tin từ chính sự cân bằng đó. Một bên là xây dựng những công cụ pháp luật và một bên là xây dựng các công cụ của thị trường để tự nó xử lý các rủi do đó. Đây là cách để thị trường phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tú Anh cũng chia sẻ, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước là phải làm sao xây dựng được hệ thống pháp luật. Còn lại, thị trường tự nó sẽ vận hành hệ thống pháp luật đó, nó sẽ có những công cụ để tự điều tiết. Pháp luật chỉ đóng vai trò xử lý các vấn đề sai phạm của những chủ thể tham gia thị trường.
Ngoài ra, vấn đề về cách ứng xử đối với các chủ thể tham gia thị trường cũng được các chuyên gia đánh giá và đưa ra giải pháp.
Dưới góc nhìn của luật sư đã tham gia tư vấn luật cho các chủ thể trong một số vụ việc liên quan đến các sai phạm trong thị trường trái phiếu thời gian qua. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công tỷ Luật SB LAW cho biết: “Khi xảy ra các vụ việc như trong thời gian vừa qua trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta nhận thấy cách ứng xử đối với chủ các doanh nghiệp phát hành chưa được phù hợp”.
Việc xử lý các vấn đề sau khi trái phiếu phát hành bị hủy còn nhiều bất cập. Đơn cử như vấn đề trả lại tiền của nhà đầu tư là trái chủ của những trái phiếu bị hủy còn khó khăn và chậm chễ. Chủ doanh nghiệp phát hành không được tại ngoại để thuận lợi trong việc giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư. Bí mật liên quan đến các chủ thể liên quan đến trái phiếu bị hủy chưa được đảm bảo...
Ngoài ra, các quy định mang tính thắt chặt đối với các chủ thể tham gia thị trường như tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư tham gia thị trường hay các quy định về việc không được phát hành trái phiếu để góp cổ phần vào các lĩnh vực liên quan đối với doanh nghiệp phát hành cũng cần được tính toán cho phù hợp.
Về mặt pháp lý, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần xem xét mối quan hệ giữa khối ngân hàng, các tổ chức tín dụng với thị trường trái phiếu. Do đó, Nghị định 153 cần được sửa đổi bổ sung theo hướng có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước
Theo TS. Võ Trí Thành, nếu phía định chế tài chính tốt thì không sao, nhưng nếu họ không tốt thì lại có vấn đề. Khi có vấn đề họ thường có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự cứu giúp từ phía Nhà nước, nếu Nhà nước không cứu thì cả hệ thống sẽ sụp đổ. Vì vậy, ngoài việc cần hoàn thiện khung pháp lý cũng phải có một nghệ thuật điều hành để làm sao cân bằng được giữa các bên giúp cho thị trường phát triển. Đồng thời, giảm thiểu được rủi ro cho nhà đầu tư và đặc biệt là rủi ro hệ thống.
Muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần phải phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp một cách trung thực, khách quan vì đó là nền tảng của thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết: “Điều quan trọng nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là dựa trên nền tảng của xếp hạng tín nhiệm. Kể cả những doanh nghiệp có xếp hạng cực thấp, họ vẫn có quyền phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề là các nhà đầu tư có mua trái phiếu của họ phát hành không và lãi suất họ đưa ra là bao nhiêu. Bên cạnh đó, thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro và khẩu vị rủi ro, khẩu vị sản phẩm của các nhà đầu tư là khác nhau”.
Đồng quan điểm trên, TS. Trương Văn Phước cho biết: “Xếp hạng tín nhiệm là một vấn đề đúng! Đừng vì mất tiền ở trong bụi rậm tìm khó quá mà đi ra cột điện để tìm cho dễ. Việc xếp hạng là xếp hạng, giống như chúng ta bị bệnh thì phải đi khám bác sĩ. Không nên vì ông bác sĩ đó sức khỏe yếu mà không khám, điều đó sẽ dẫn đến vấn đề thêm phức tạp hơn. Xếp hạng tín nhiệm ở đây không phải là xếp hạng doanh nghiệp, mà là xếp hạng một loại sản phẩm đặc thù mà anh sẽ phân phối”.
Trong cơ cấu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, 80-90% là phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, vấn đề xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp lại chưa được các doanh nghiệp phát hành quan tâm cũng như chưa có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm và chưa có yêu cầu mang tính chất bắt buộc.
Theo ông Don Lambert, để xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là một công cụ hữu hiệu. Xếp hạng thực chất là ý kiến nên cần phải đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác bên ngoài. Việt Nam nên nhìn ra các thị trường trái phiếu phát triển trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm về vấn đề này.
Bàn về xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Tú Anh đặt ra vấn đề: “Rất nhiều người đặt vấn đề cần phải xếp hạng tín nhiệm để xây dựng niềm tin đối với nhà đầu tư. Nhưng niềm tin đối với các đơn vị xếp hạng được lấy từ đâu?”
Do đó, bên cạnh vấn đề xếp hạng tín nhiệm cần phải có các định chế bảo đảm, bảo hiểm rủi ro đi kèm. Sản phẩm này rủi ro ít thì phí bảo hiểm thấp, sản phẩm kia rủi ro cao thì phí bảo hiểm cao. Nếu rủi ro xảy ra, bên phía bảo hiểm sẽ trả lại tiền cho nhà đầu tư. Khi đó, thị trường sẽ tự vận hành và đó chính là quá trình vá những lỗ hổng để xây dựng hệ thống pháp luật về thị trường trái phiếu ngày càng hoàn thiện hơn.