Trung Quốc dự định đánh thuế sở hữu bất động sản của người dân?
Theo Nhịp sống thị trường, nhà đầu tư nào cũng muốn có một thị trường không đánh thuế sở hữu bất động sản, không quy định thời hạn sở hữu cũng như có thuế thừa kế rất thấp. Đây chính là nơi lý tưởng để bất động sản ngày càng tăng trưởng.
Đơn cử như Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã không đánh thuế sở hữu BĐS lên người dân, dù chính phủ mới là người nắm quyền sở hữu tài sản này. Qua đó giúp cho thị trường bất động sản nơi đây trở nên sôi động.
Nhưng sau loạt lùm xùm của thị trường Trung Quốc thời gian qua đã khiến họ phải xem xét lại chính sách của mình. Tờ New York Times (NYT) đưa tin, dù chính phủ mới là chủ sở hữu BĐS nhưng chẳng bao giờ thu thuế người dân cho ngân sách để đầu tư công. Chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào tiền cho các tập đoàn bất động sản muốn xây dựng dự án thuê quyền sử dụng đất dài hạn. Tuy mang tiếng “bán” đất dự án, nhưng thực tế các căn chung cư chỉ có thời hạn sử dụng nhất định.
Nguồn thu này được sử dụng để tái đầu tư công, xây dựng các công trình công cộng, đường xá, trường học, bệnh viện… Tuy nhiên, việc Bắc Kinh siết chặt quản lý ngành BĐS và tín dụng ngân hàng đã khiến hàng loạt tập đoàn BĐS bị siết vốn, không thể cho vay ưu đãi người mua để thúc đẩy doanh số, qua đó giảm nguồn thu từ việc bán đất của chính quyền địa phương.
Trung Quốc hiện đang xem xét đánh thuế sở hữu BĐS để giảm tải áp lực ngân sách lên chính quyền địa phương. Nhưng họ không làm ngay mà sẽ từng bước thực hiện vì còn nhiều thách thức.
Theo nguồn tin thân cận của NYT, vào năm ngoái, Trung Quốc nghiên cứu việc ban hành thuế sở hữu BĐS hạng sang, nhắm tới đối tượng nhà giàu có nhiều tài sản, đất đai. Nhưng rồi dự thảo này cũng bị gác lại vì nguy cơ gây xói mòn niềm tin của người dân vào thị trường BĐS.
Không phải ý tưởng mới
Thực tế, đây không phải ý tưởng mới của Chính phủ Trung Quốc. Năm 2003, tuyên bố của Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nêu rằng: “Khi điều kiện cho phép, sẽ có một loại thuế thống nhất, tiêu chuẩn hóa được áp dụng cho BĐS”.
Cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei - Một người ủng hộ chính sách này, nhận định rằng nguồn thu từ BĐS là rất phù hợp cho ngân sách địa phương, sẽ được tiến hành ngay khi thị trường tăng trưởng lại.
Từ thập niên 1980 tới nay, ngân sách địa phương chủ yếu tới từ việc “bán” đất cho những tập đoàn xây dựng làm dự án, từ đó thu về nguồn tiền cho xây dựng cơ sở hạ tầng công.
Cho tới năm 2022, doanh số từ việc cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn vẫn chiếm khoảng 7% GDP của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế là cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,9% của những nền kinh tế thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Chẳng hạn tại Mỹ, chính quyền địa phương phần lớn phụ thuộc vào nguồn thu thuế BĐS. Số liệu thống kê cho thấy chính quyền các bang của Mỹ thu 3% GDP thuế BĐS mỗi năm và chi tiêu toàn bộ vào đầu tư công, xây bệnh viện, trường học, đường xá…
Vì đánh thuế sở hữu BĐS và thuế thừa kế mà Mỹ đã ngăn chặn được tình trạng đầu cơ BĐS tràn lan, tích trữ nhà cửa, đất đai nhằm trục lợi, làm giàu và đẩy giá nhà cao ngất ngưởng.
Trở lại với Trung Quốc, việc cho thuê đất dài hạn mới là nguồn thu chính suốt những thập niên qua. Nhưng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp BĐS có khả năng vỡ nợ đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và doanh số dự án.
Đặc biệt là Trung Quốc phụ thuộc cực lớn vào thuế bán hàng, thuế kinh doanh và nguồn thu từ thuế cho thuê đất dài hạn để đảm bảo có đủ nguồn đầu tư công. Trong khi đó, thị trường này gần như không đánh thuế vào các khoản đầu tư, thừa kế và tài sản cá nhân.
Còn nhiều thách thức
Theo tờ NYT, cản trở về thuế sở hữu BĐS của người dân Trung Quốc không hề nhỏ. Một bộ phận người dân cho rằng, các tập đoàn xây dựng phải chịu trách nghiệm về thuế sở hữu BĐS, các đơn vị vốn đã phải thanh toán tiền thuê đất dài hạn cho chính quyền địa phương để thực hiện dự án.
Giáo sư Shitong Qiao từ trường Duke University cho hay: “Phần lớn những phàn nàn là việc người dân phải thanh toán tiền mua nhà quá cao, nên họ không chịu được thêm tiền thuế sở hữu BĐS nữa”.
Đồng thời, không ít người nghi ngờ rằng họ không thực sự sở hữu BĐS mà chỉ thuê lại quyền sử dụng dài hạn, nên việc đánh thuế bị cho là bất hợp lý. Chẳng hạn, một căn hộ tại các thành phố lớn có giá ván tới vài triệu USD, với khoản thuế sở hữu khoảng 1% giá trị cũng khiến cho người lao động có mức lương 30.000 - 40.000 USD chẳng còn đồng nào.
Ngoài ra, việc này sẽ khiến giá nhà giảm mạnh do việc đầu cơ BĐS không còn lãi khủng như trước. Từ đó khiến nguồn thu từ việc cho thuê đất dài hạn bị xói mòn vì nhu cầu ngày càng thấp.
Đa số các dự án nhà ở tại Trung Quốc có thời hạn sử dụng từ 20 - 70 năm. Vào năm 2007, luật BĐS Trung Quốc cho phép các dự án nhà ở có quyền sử dụng 70 năm được tự động gia hạn tiếp.
Tuy nhiên, một số dự án chung cư đã hoạt động từ thập niên 1970 với thời hạn thuê đất 20 năm lâu nay đã hết hạn và việc giải quyết thế nào thì tới nay vẫn còn gây tranh cãi.
Tháng 4/2016, chính quyền Wenzhou yêu cầu các chủ nhà đã hết thời hạn sử dụng 20 năm trả lại 1/3 giá trị BĐS thì mới được chuyển nhượng. Tuy nhiên việc này vướng phải sự phản đối gay gắt.