Thị trường chứng khoán hôm nay 25/7: Thanh khoản tụt xuống dưới 10 nghìn tỷ đồng, VN-Index rớt hơn 6 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 21/7: Dòng tiền yếu, VN-Index chưa thể vượt mốc cản 1.200 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 20/7: Thanh khoản cải thiện, VN-Index tiến sát ngưỡng 1.200 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 19/7: VN-Index vẫn trụ vững nhờ lực kéo từ nhóm dầu khíVN-Index rớt hơn 6 điểm
Theo Tin nhanh chứng khoán, sau phiên sáng ảm đạm, thị trường tiếp tục bước vào phiên chiều không có trợ lực nào xuất hiện, giao dịch cầm chừng và yếu ớt, thanh khoản thấp, VN-Index chỉ "loay hoay" dưới tham chiếu ngay gần 1.190 điểm cho đến khi đóng cửa với thanh khoản giảm xuống mức thấp nhất kể từ 7/7.
Chốt phiên, sàn HoSE có 127 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 6,26 điểm (-0,52%), xuống 1.188,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 437,8 triệu đơn vị, giá trị 9.928,1 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và gần 9% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,7 triệu đơn vị, giá trị 1.168 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HNX có 62 mã tăng và 134 mã giảm, HNX-Index giảm 3,46 điểm (-1,2%), xuống 285,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,8 triệu đơn vị, giá trị 1.193,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,56 triệu đơn vị, giá trị 126 tỷ đồng.
Sàn UpCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,55%), xuống 88,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 567,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,92 triệu đơn vị, giá trị 49,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu đồng loạt giảm giá
Nhóm cổ phiếu bluechips nỗ lực cải thiện giá chiều nay nhưng hiệu quả đem lại không rõ ràng. Có thể thấy rõ nhất sự phân hóa trong vùng giảm giá ở rổ VN30. Nhóm này chiều nay ghi nhận 13 cổ phiếu tăng giá cao hơn phiên sáng, nhưng cũng tới 12 mã tụt giá thấp hơn. Chỉ số VN30-Index cuối phiên sáng giảm giảm 0,49% với 5 mã tăng/21 mã giảm. Kết phiên, chỉ số này giảm 0,51% với 9 mã tăng/21 mã giảm.
Trong nhóm VN30, GAS là đầu kéo khiến chỉ số chính mất nhiều điểm nhất. GVR, VPB, MWG, HPG, CTG, MBB, TCB, TPB, ACB tác động tiêu cực đến chỉ số. Trên HoSE, 321 cổ phiếu giảm giá. Nhóm dầu khí, nguyên vật liệu, tiêu dùng, tài chính… giao dịch kém tích cực.
Xét theo từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực. Ngoại trừ VCB tăng 0,55%, LPB tăng 1,39% và OCB đứng giá tham chiếu, tất cả cổ phiếu ngân hàng còn lại trên sàn HoSE đều ghi nhận sắc đỏ, trong đó CTG giảm 1,12%, VPB giảm 1,78%, MBB giảm 1,17%, ACB giảm 1,23%, VIB giảm 1,72%, TPB giảm 2,32%, SHB giảm 1,39%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa hơn khi VND giảm 1,06%, SSI giảm 2,15%, VIX giảm 0,93% nhưng VCI tăng 1,58%, HCM tăng 4,46%, FTS tăng 1,18%.
Tình trạng phân hóa cũng diễn ra ở nhóm bất động sản. Cụ thể, ở chiều tăng, VIC có thêm 1,2% giá trị, VHM tăng 0,34%, BCM tăng 1,95%, VRE tăng 1,15%, PDR tăng 0,38%, VPI tăng 0,32%, HDG tăng 2,75%, HBC tăng 3,03%, LHG tăng 2,14%... Với chiều giảm, NVL mất 0,27% giá trị, KBC giảm 1,76%, DIG giảm 1,4%, NLG giảm 1,46%, DXS giảm 2,38%, ITA giảm 2,95%, TCH giảm 1,3%, CRE giảm 1,16%...
Với nhóm sản xuất, sắc đỏ lấn át sắc xanh, trong đó HPG giảm 1,35%, SAB giảm 0,6%, GVR giảm 2,98%, DGC giảm 1,73%, GEX giảm 1,32%, DPM giảm 4,35%, DCM giảm 4,72%, DHG giảm 2,14%, SBT giảm 1,92%... Trong thiểu số cổ phiếu tăng điểm, nổi bật có VNM tăng 1,25%, BHN tăng 1,32%, DBC tăng 4,17%.
Cổ phiếu hàng không phân hóa với VJC tăng 0,16% trong khi HVN giảm 1,51%. Tiêu cực hơn là cổ phiếu bán lẻ và năng lượng: MWG và PNJ giảm lần lượt 1,86% và 1,14% còn FRT đứng giá tham chiếu; GAS giảm 2,88%, PGV giảm 0,4%, PLX giảm 1,67% trong khi POW giữ nguyên giá trị.
Trong phiên sáng 25/7, giá dầu châu Á đảo chiều đà tăng trước đó, do lo ngại lãi suất tăng tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, làm hạn chế mức tăng nhu cầu nhiên liệu. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2022 giảm 48 xu Mỹ (0,5%) xuống 102,72 USD/thùng, giảm phiên thứ tư. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2022 giảm 65 xu Mỹ (0,7%) xuống 94,05 USD/thùng, cũng ghi nhận phiên giảm thứ tư. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu dầu khí bị rút tiền.
Xét về nhóm ngành thì nông nghiệp là nhóm tăng mạnh nhất với tỷ lệ +4,1% vốn hóa. Bộ đôi HAG và HNG sau nhiều phiên nằm sàn, giảm giá mạnh vì bị chốt lời thì đã xanh trở lại. HNG tăng 6,7% còn HAG +5,1%. Ngoài ra, một số mã nông nghiệp khác như VIF, BAF, NSC, APC cũng ở chiều tăng.
Sức ép từ bên bán khiến cho bảng điện chìm trong sắc đỏ với số mã giảm về cuối phiên lên đến 321 mã. Trong khi đó, số mã tăng và đứng giá lần lượt chỉ có 127 mã và 72 mã.
Thị trường giao dịch cầm chừng với thanh khoản thấp vẫn là trạng thái kéo dài nhiều tuần gần đây. Thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục nằm dưới mốc 10.000 tỷ đồng với 437,8 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt 9.928 tỷ đồng.
Trên thị trường thế giới, theo kế hoạch, FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 27/7. Có nhiều ý kiến cho rằng trong kỳ họp lần này, FED có thể tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,75 điểm %, tương tự như đợt tăng lãi suất hồi tháng 6 vừa qua, nhằm giảm nhu cầu và sức ép lạm phát.
Ngoài ra thông tin về GDP của Mỹ cũng được công bố cuối ngày thứ 5 (giờ Mỹ). Đây là thông tin quan trọng quyết định kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không vì Q1/2022 GDP của Mỹ đã giảm 1,6%. Dự báo Consensus hiện đang là GDP tăng 0,4% trong quý 2 trong khi theo dự báo của EconomyNow thì GDP của Mỹ dự báo giảm 1,6% quý 2.