Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2022: “Trở lại và lợi hại hơn xưa”
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng của thị trường
Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong mới năm 2022. Đây là lĩnh vực đầu tư chắc chắn là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm.
Theo đó, các sản phẩm có đầy đủ pháp lý, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, yếu tố, tiêu chuẩn môi trường về du lịch, nghỉ dưỡng, có vị trí thuận lợi về giao thông cũng như mức độ uy tín của Chủ đầu tư sẽ hút các nhà đầu tư nhất.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện nay có khá nhiều dự án với các sản phẩm nhà ở theo mô hình du lịch – nghỉ dưỡng dự kiến sẽ bung hàng trong năm 2022.
Theo dự báo năm 2022 sẽ là năm tiền đề để phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khẳng định vị thế của mình trên thị trường đầu tư bất động sản, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, khi mở của trở lại các hoạt động dịch vụ này. Tuy nhiên, phân khúc này vẫn phải đối mặt với không ít những thách thức.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, không có dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nào được cơ quan này thẩm định, nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh Covid -19 cũng như các vấn đề pháp lý khác.
Cũng theo đơn vị này, từ quý IV/2021, đã có nhiều dự án bất động sản trong lĩnh vực du lịch trở lại hoạt động tại các địa phương trên cả nước, các loại hình bất động sản như căn hộ khách sạn (Codotel), biệt thự du lịch, nhà phố thương mại tại các dự án vẫn giữ nguyên mức giá bán như trước đó. Bên cạnh đó, công suất thuê phòng đã có sự chuyển biến, sau khi mở cửa các hoạt động du lịch nội địa, giá thuê phòng vẫn ở mức thấp như thời điểm xảy ra dịch bệnh. Mức giá giảm khoảng 15- 20% so với thời điểm cuối năm 2020.
Nguồn cung và lưu lượng tiêu thụ tăng
Ngay quý IV/2021, dấu hiệu phục hồi của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khi nguồn cung và lưu lượng tiêu thụ tăng lên rõ rệt hơn so với quý trước đó, nguồn cung chủ yếu tập trung tại các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Bình…đặc biệt là tại Thanh Hoá, địa phương này ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh, chiếm trên 60% của khu vực miền Bắc.
Loại hình Codotel, các khu vực miền Nam chiếm tới gần 45 % nguồn cung của toàn thị trường, giá bán sơ cấp ghi nhận tăng từ 5% – 10% so với giai đoạn mở bán trước.
Theo giới chuyên gia, mặc dù thị trường Codotel gần như “ngủ đông” hoàn toàn trong thời gian khoảng 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng kép từ dịch bệnh và các vấn đề pháp lý cũng tác động thiếu tích cực vào thị trường như vụ Cocobay Đà Nẵng. Và mới nhất là dự án The Arena Cam Ranh, Bãi Dài (Cam Ranh, khánh Hoà), nhưng hiện nay trên thị trường đang có nhiều điểm sáng cho thấy loại hình bất động sản này sẽ trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ngoài ra, các loại hình như biệt thự du lịch nghỉ dưỡng cũng đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian qua, dự báo thị trường này cũng sẽ trở lại rầm rộ trong năm 2022.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản du lịch biển kỳ vọng giá bán sẽ tăng trưởng trong tương lại. Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng của các địa phương có nhiều nguồn cung sẽ được xem là yếu tố quan trọng để lựa chọn đầu tư.
Ông phân tích, giá bất động sản nói chung đang tăng cao, nhất là bất động sản du lịch vùng biển, có những nơi có giá lên đến ngót cả trăm tỉ đồng một căn biệt thự. Nhưng so sánh với các nước trong khu vực giá bất động sản du lịch ở Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp.
Cần tháo gỡ các vấn đề pháp lý
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tháo gỡ khó khăn các vấn đề pháp lý sẽ là chìa khoá tạo ra động lực để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng pháp triển.
Ông này cho hay, đã có nhiều nhà đầu tư đã phải rút lui khỏi các dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương vì các vấn đề pháp lý.
GS Võ khẳng định, để giúp phân khúc này phát triển và thu hút các nhà đầu tư thì cần phải có khung pháp lý rõ ràng tạo ra sự hấp dẫn về lợi ích, đặc biệt, cần phải sửa Luật Đất đai theo hướng mở, để người mua đất lựa chọn theo các hình thức khác nhau, như mua lâu dài tài sản đất đai hay lựa chọn thuê đất với các loại đất.
Trong khi đó, Luật sư Trần Anh Tuấn, Giám đốc công ty Luật hợp danh Minh Bạch cho rằng, bất động sản phục vụ lưu trú được xây dựng tại các khu du lịch nghỉ dưỡng như Biệt thự du lịch (Resort villa), căn hộ du lịch (Condotel) được chủ đầu tư dự án bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp với các lựa chọn như tự đứng ra kinh doanh hoặc giao lại cho chủ đầu tư vận hành kinh doanh.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản hiện nay lại không có quy định cụ thể, rõ ràng và nhất định nào về khái niệm, chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng nên dẫn đến nhiều vướng mắc trong vận hành
Vị luật sư này cho rằng, để khắc phục các rào cản pháp lý liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đối với bất động sản du lịch thì rõ ràng cần phải định hình khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch đặc biệt là hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật về thủ tục đầu tư thì cần phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 và bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng như bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước trong Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 về hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch.