Thị trường bất động sản bán lẻ dịp cuối năm diễn biến sôi động
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, Báo cáo của CBRE mới đây cho thấy, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang dần sôi động hơn trong quý III/2023 ghi nhận nhiều dự án mới trên toàn quốc. Nổi bật là Tập đoàn Lotte mới khai trương Trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mall Westlake Hà Nội (Tây Hồ), diện tích cho thuê lên tới 72.000m2 (chưa bao gồm diện tích hầm và thủy cung). Đây cũng là một trong số các dự án trung tâm thương mại lớn nhất tại Hà Nội.
Trong khi tại TP. HCM, TTTM Hùng Vương Plaza bắt đầu khai trương sau thời gian đóng cửa để sửa chữa và chuyển quyền sở hữu. Cả 2 trung tâm thương mại này đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy gần 100% với một loạt ngành hàng đa dạng cũng như nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các tập đoàn bán lẻ lớn như Central Group và Aeon Mall cũng mở rộng mạng lưới ra các tỉnh thành ven Hà Nội và TP. HCM. Đơn cử như Central Retail vừa ra mắt thị trường thương hiệu nội thất "Come Home" và Mini Go! tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và Điện Bàn, Quảng Nam.
Ngoài ra, Aeon cũng giới thiệu mô hình mới tại TP. Bình Dương là “siêu thị linh hoạt”. Hay như Thiso Retail thuộc tập đoàn Thaco đang hoàn thiện dự án Emart thứ 3 tại Q.Gò Vấp. Trong năm 2024, Aeon Mall Huế dự kiến sẽ đi vào hoạt động với gần 138.000m2 diện tích sàn. Đây cũng là trung tâm thương mại đầu tiên tại miền Trung Việt Nam của tập đoàn Aeon.
Một báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, Việt Nam được xem như một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Gần đây, có không ít thương hiệu quốc tế mở được cửa hàng đầu tiên hoặc cửa hàng flagship tại các thành phố lớn, mở rộng mạng lưới tới các tỉnh thành khác trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc lĩnh vực bất động sản bán lẻ tăng trưởng đáng kể không chỉ phụ thuộc vào thu nhập bình quân của người dân mà còn vì sự thay đổi thói quen mua sắm và tái xuất hiện của khách du lịch. Đây được đánh giá là cơ hội đối với thị trường bán lẻ, nhất là trong các ngành hàng thiết yếu như cửa hàng tiện lợi, thực phẩm…
“Xu hướng bán lẻ phát triển rất mạnh giúp cho Việt Nam trở thành “điểm sáng” thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc này” - Một vị chuyên gia chia sẻ.
Bối cảnh hiện nay là phân khúc thị trường nhà ở riêng lẻ gặp khó khăn và các cửa hàng bị thu hẹp hoặc đóng cửa. Tuy nhiên thị trường bán lẻ trong các tòa chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn vẫn còn sôi động, đi kèm với mức giá thuê tiếp tục tăng.
Đặc biệt, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đều nằm trong danh sách những thành phố dẫn đầu về mức tăng trưởng giá thuê bán lẻ tại khu vực trung tâm trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo từ Savills, cả Hà Nội và TP. HCM đều có mức giá thuê bán lẻ cao cấp được ghi nhận ở mức cạnh tranh so với những thị trường khác tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại Hà Nội, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ cao cấp đạt mức 75 USD/m2/tháng và tại TP. HCM là 152,8 USD/m2/tháng. Mức giá này thấp hơn các thị trường khác, như Seoul (152,8 USD/m2/tháng), Singapore (365 USD/m2/tháng) và Hong Kong (787,8 USD/m2/tháng).
Giám đốc của Savills Hà Nội - Ông Matthew Powell nhận định, Việt Nam luôn được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ. Không chỉ dành cho những thương hiệu cao cấp, mà còn cho cả lĩnh vực bán lẻ liên quan tới ngành thời trang, giải trí, ẩm thực, nhờ những đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ giúp thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm mới và thương hiệu mới gia nhập thị trường.
Nhận xét về phân khúc bán lẻ cao cấp, ông Matthew Powell chia sẻ, các cửa hàng và thương hiệu trên những tuyến phố lớn tại Hà Nội và TP. HCM ghi nhận sự sôi động trong hoạt động kinh doanh. Một số cửa hàng thậm chí đạt hiệu suất hoạt động cao, điều này thúc đẩy nhu cầu mở thêm nhiều cửa hàng mới của các thương hiệu bán lẻ cao cấp xung quanh những tuyến phố lớn như Tràng Tiền và Ngô Quyền tại Hà Nội.
Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội - Bà Hoàng Nguyệt Minh nêu quan điểm, xu hướng mà các thương hiệu cao cấp thường chọn khi thuê mặt ở những thị trường trong khu vực và trên toàn thế giới là mở cửa hàng trên mặt bằng phố mua sắm chính hoặc trong các TTTM.
Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu cũng đi theo hướng tìm kiếm vị trí bán lẻ mặt phố trên trục phố đắt đỏ có vị trí đắc địa. Nhờ vậy mà họ có thể tập trung vào nguồn khách hàng cao cấp, như tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tuy nhiên, thực tế là các mặt bằng cao cấp này vẫn còn chưa nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu lớn của các thương hiệu xa xỉ, bao gồm những yếu tố liên quan tới kỹ thuật, vị trí, pháp lý và cam kết.
Bà Minh cho rằng, Việt Nam được các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia xem là một trong những thị trường có triển vọng nổi bật nhất châu Á để mở rộng quy mô cửa hàng vào các năm tới. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Nhằm tận dụng tối đa lợi thế và sức hấp dẫn của thị trường BĐS bán lẻ cao cấp tại Việt Nam, cần cung cấp thêm nguồn cung phù hợp và xây dựng mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế.