Số tiền bảo hiểm bồi thường thiệt hại do bão Yagi đã vượt 1.000 tỉ đồng
Theo Tổng Công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC), tính đến 9h ngày 10/9,công ty đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất. Trong đó, 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ về tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỉ đồng.
Ngoài BIC, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có những thống kê sơ bộ số tiền bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Việt đã ghi nhận 437 vụ yêu cầu bồi thường, chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về: bảo hiểm con người, tài sản như xe ô tô, nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị…
Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, dựa trên đánh giá sơ bộ, tổng giá trị tổn thất của các vụ bồi thường ước tính lên tới gần 385 tỉ đồng. Công ty đang tích cực làm việc khẩn trương để đánh giá và tiến hành xử lý các yêu cầu bồi thường cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão.
Tương tự, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người); Bảo hiểm AIA Việt Nam ghi nhận 5 khách hàng tử vong do bão, tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỉ đồng.
Đại diện Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cũng cho biết, tính đến đầu giờ chiều ngày 9/9, doanh nghiệp đã ghi nhận gần 100 vụ tổn thất về tài sản, kỹ thuật, hàng hải; 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 6 trường hợp mất tích và 1 trường hợp tử vong.
Từ những số liệu về thiệt hại và số tiền bồi thường chưa chính thức cho thấy, tổng số tiền mà các công ty bảo hiểm ước tính chi trả cho khách hàng đã vượt 1.000 tỉ đồng.
Theo ông Vũ Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, các trường hợp tổn thất do bão, công ty chỉ xác định mức độ tổn thất và phạm vi bồi thường. Thông thường, có 3 phương thức chi trả phổ biến với tài sản bị hư hại là thay mới, sửa chữa hoặc bồi thường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu chờ người được bảo hiểm chuẩn bị đầy đủ chứng từ, giấy tờ xác minh sửa chữa sẽ mất vài tháng. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tiến hành tạm ứng tiền mặt trước, chứng từ trả sau.
Tương tự, ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho biết, thông thường, sau khi tổn thấy xảy ra, khách hàng sẽ phải gửi toàn bộ chứng từ liên quan đến quá trình khắc phục các công ty bảo hiểm mới tiến hành chi trả. Điều này có nghĩa là phải chờ 1 thời gian khá dài, có thể tới 5- 6 tháng. Như vậy sẽ không bảo đảm tính kịp thời trong bối cảnh hiện nay khi các khách hàng cần có nguồn lực tài chính ngay để ổn định lại cuộc sống.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đã huy động tất cả giám định viên chuyên nghiệp tại các địa phương có khách hàng bị tổn thất do bảo để kịp thời triển khai các nghiệp vụ nhằm phương án tạm ứng, bồi thường nhanh nhất cho khách hàng.
Trước đó, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp đề nghị báo cáo về tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do cơn bão Yagi gây ra. Đồng thời thực hiện bồi thường, tạm ứng bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người thụ hưởng.
Cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Tình hình này đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều khách hàng của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.