Phân khúc đất nền thị trường Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa tiếp tục tăng mạnh
Qua số liệu thực tế được ghi nhận mới đây, tính riêng tháng 2/2022, thị trường bất động sản ghi nhận tỷ lệ quan tâm tại hầu hết các phân khúc đều tăng cao trung bình 23% so với tháng đầu năm 2022. Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng lần lượt là 29% và 22%.
Đặc biệt, loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành cả nước đang có mức độ quan tâm tăng mạnh nhất trong các phân khúc. Trong đó, ba khu vực ghi nhận tỷ lệ cao nhất là Đà Nẵng, Lâm Đồng và Khánh Hòa với mức tăng lần lượt 32%, 35%, 41%. TP. Hồ Chí Minh đang tăng mức 18% và Hà Nội là 8%.
TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh ghi nhận lượng tin rao bán và nhu cầu về đất nền tăng khá nhanh. Đây là những địa phương đã ghi nhận quá trình giao dịch và các biến động và giá đất nền, nhà liền thổ sôi động nhất ba tháng đầu năm. Tại TP. Hồ Chí Minh đang có mức giá bán đất nền sơ cấp ở mức thấp nhất là 48 triệu đồng/m2 và cao nhất là 97 triệu đồng/m2. Sau Tết, giá đất nền trung bình tại các huyện khu Nam đang giao động ở mức 22 - 30 triệu đồng/m2, tức 6 tỷ đồng cho một nền từ 150 - 200m2. Tại TP. Thủ Đức, một lô đất nền quận 2 diện tích 100m2 đang rao bán mức giá trung bình từ 4,5 - 6 tỷ đồng, khoảng 45 - 60 triệu đồng/m2. Tại quận 9 cũng lô đất 100m2 đang được bán từ 3,5 - 4,8 tỷ đồng, khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận của tổ chức SPE.R tại Đà Nẵng, đến ngày 28/2/2022, giá sản phẩm tới từ các dự án lớn như khu đô thị Nam Hòa Xuân đã tăng khoảng 300 - 400 triệu đồng/ sản phẩm; Khu đô thị Gami Eco Charm cũng tăng mức giá bán từ 200 - 300 triệu đồng/ sản phẩm.
Số liệu của DKRA Vietnam cho thấy, vào năm 2018, tỉnh đã có 4.080 sản phẩm đất nền được tung ra thị trường. Trong đó, đã có 3.209 sản phẩm được tiêu thụ; Năm 2019 có 707 sản phẩm đưa ra thị trường và đã tiêu thụ được 640 sản phẩm. Đến giai đoạn 2020 - 2021, nguồn cung đất nền ít đi khi chỉ có 183 và 254 lô, lượng tiêu thị các năm lần lượt là 104 và 169 lô. Dự báo về năm 2022, DKRA Vietnam cho biết, Đà Nẵng vẫn tiếp tục khan hiếm nguồn cung đất nền khi không có dự án mới mở bán. Nguồn cung kỳ vọng tập trung chủ yếu tại hai quận Ngũ Hành Sơn và quận Liên Chiểu.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Lâm Đồng, trong quý I/2022, tỉnh này ghi nhận 12.467 lô đất nền được giao dịch thành công, tổng giá trị lên đến 11.911 tỷ đồng. Trong đó, đang dẫn đầu là huyện Lâm Hà với 3.077 lô đất nền đã giao dịch thành công qua hình thức công chứng. Tiếp đó là 1.162 lô đất nền thuộc huyện Di Linh được bán ra; Huyện Đức Trọng tiêu thụ được 1.648 lô đất nền; TP. Đà Lạt giao dịch thành công 1.162 lô đất nền; Huyện Bảo Lâm với 1.105 lô đất nền,...
Đối với loại hình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong quý I/2022 ghi nhận lượng giao dịch đang biến động tăng số với quý cuối năm 2021. Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận trong quý I/2022 có 899 căn nhà ở riêng lẻ đã giao dịch thành công, tổng giá trị thu về là 1.934 tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường đất đai tại tỉnh Khánh Hòa cũng có những giao dịch rất sôi động. Đặc biệt, sau khi có thông tin dự án quy mô lớn được triển khai trên địa bàn Cam Lâm đã khiến giới đầu tư cả nước sôi sục và đổ về đây săn đất. Đáng chú ý, giá bán phân khúc đất nền đã được đẩy lên khá nhanh khi tăng từ 10 - 50%.
Không chỉ đất nền trên các địa bàn tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng đang có cơn sốt đất mà các vùng nông thôn như Bình Phước, Hà Tĩnh, Đắk Lắk,... cũng đang đón nhận “cơn sóng” này. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu mua loại hình đất nền gia tăng từng ngày đã khiến tình trạng trượt giá và lạm phát trở nên đáng lo ngại hơn khi tiền được đẩy vào thị trường thông qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, tâm lý lo ngại của người dân về các biến động xấu của nền kinh tế đã khiến bất động sản trở thành “kênh trú ẩn an toàn’ trong năm 2022 này.
Thực tế, đối với thị trường bất động sản liền thổ thì đất nền sẽ có giá trị thấp hơn so với các sản phẩm xây sẵn như biệt thự, shophouse. Như vậy, đất nền sẽ thu hút các nhóm đầu tư quy mô trung bình khá trở lên. Hiện tượng sốt đất trên diện rộng sẽ khó diễn ra trên cả nước mà chỉ tập trung vào một số địa phương đang hưởng lợi từ quy hoạch hạ tầng và giao thông.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, phân khúc đất nền đang tăng đột biến ngay từ đầu năm nay. Thậm chí, tình trạng này diễn ra mạnh mẽ với phạm vi rộng hơn so với hiện tượng “sốt đất” xảy ra trong giai đoạn 2018 - 2019. Nguyên nhân là suốt hai năm Covid - 19 đã khiến toàn bộ ngành kinh tế cả nước chịu nhiều thiệt hại, các dự án quy hoạch hạ tầng bị đình trệ. Đến nay, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, các địa phương bắt đầu quay lại thực hiện ồ ạt các hạng mục tồn đọng. Lúc này, các nhà đầu tư bắt đầu chú ý và có kế hoạch đón đầu làn sóng, họ đổ xô tới các địa phương đang phát triển mạnh mảng hạ tầng để tìm thông tin quy hoạch. Vì vậy, bất động sản những khu vực này đều bị đẩy giá lên cao.
Ông Kiệt cho biết thêm, năm nay, kỳ vọng về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, các địa phương đang thực hiện mục tiêu mở rộng đầu tư và phát triển các khu công nghiệp để thu hút FDI, đồng thời phát triển mạnh ngành du lịch để tác động lên sự phục hồi của thị trường bất động sản hậu Covid - 19. Với kỳ vọng này, đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh việc tìm kiến quỹ đất, sản phẩm để hưởng lợi từ những yếu tố phát triển của nền kinh tế đất nước.