Vua bóng đá Pele có phải là Vua kiếm tiền?
Năm 1975 ở tuổi xế chiều, Pele ký hợp đồng ba năm trị giá 2,8 triệu đô với New York Cosmos ở Giải bóng đá Bắc Mỹ, trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới. Ngay cả bây giờ nó vẫn là số tiền rất lớn, đừng nói là cách đây gần nửa thế kỷ.
Chính vì thế, Pele trở thành biểu tượng của sự vươn lên, đánh bại đói nghèo bằng chính tài năng của mình. Khi còn nhỏ ông thậm chí không có một đôi giày tử tế. Để kiếm tiền, Pele cùng chúng bạn đã phải lẻn vào toa xe lửa, rạch những bao bố đựng lạc và trút sang chiếc vại mang theo, sau đó rang rồi bán chúng trước rạp chiếu phim.
Số tiền đầu tiên Pele kiếm được từ bóng đá là 36 xu. Năm đó ông mới 10 tuổi, là Vua phá lưới đồng thời đưa đội đến ngôi vô địch giải trẻ trong thị trấn. Khán giả thích thú với cậu nhóc nhanh nhẹn, kỹ thuật và đôi mắt sáng, vì vậy đã ném những đồng xu xuống sân. Pele cặm cụi nhặt hết rồi mang về cho mẹ.
Ngày mới gia nhập Santos, lương ông chỉ 10 đô mỗi tháng. 9 tháng sau, lúc ông 16 tuổi và được gọi vào ĐT Brazil, Santos tăng lương lên 15 đô. Pele giữ lại cho mình chút ít, còn lại gửi cả về cho bố đang tích cóp mua nhà. Cần lưu ý rằng ngày ấy, bóng đá không phải nghề có thu nhập cao. Trước khi đến Santos, Pele vừa đá bóng cho Đài phát thanh vừa bán bánh nướng nhân thịt.
Sau này nổi tiếng toàn cầu, Pele cũng không giàu như cái cách Lionel Messi, Cristiano Ronaldo giàu lên nhờ bóng đá. Santos lợi dụng danh tiếng của Pele và đưa ông vào những chuyến lưu diễn khắp Brazil, mở rộng sang Bắc Mỹ, châu Âu rồi châu Phi, thậm chí cả châu Á xa xôi. Có khoảng thời gian ông chơi trung bình 2 trận một tuần kéo dài cả năm. Các trận đấu có Pele luôn chật kín người xem, mang lại doanh số bán vé khủng khiếp. Chỉ có điều Pele không nhận được nhiều tiền từ việc đó.
Ngoài ra, nếu như bây giờ các siêu sao có thể kiếm được khoản tiền lớn thông qua chuyển nhượng, Pele lại không được phép. Trong những năm tháng đỉnh cao, hàng loạt đội bóng lớn ở châu Âu muốn có siêu sao người Brazil. Real, Barca, MU rồi Inter đều nỗ lực chèo kéo.
Có thời điểm Santos đồng ý, nhưng khán giả nhất quyết nói không. Phản ứng dữ dội của người dân xứ samba khiến Tổng thống Brazil phải ra luật, trong đó ghi rõ Pele là “bảo vật quốc gia” và không được phép ra nước ngoài chơi bóng. Mãi đến khi sắp giải nghệ ông mới được ra đi, tới New York Cosmos như đã nói.
Những thương hiệu lớn cũng tìm đến ông, song ngày đó rất khác bây giờ. Ví dụ, hai thương hiệu đồ thể thao lớn nhất khi ấy là Adidas và Puma đều muốn Pele trở thành gương mặt đại diện. Tuy nhiên hai thương hiệu này lại sợ sẽ tạo nên một cạnh tranh khốc liệt về giá cả hợp đồng. Vì vậy giữa cả hai ngầm có một “Hiệp ước Pele”, không bên nào được ve vãn cầu thủ bóng đá giỏi nhất hành tinh.
Sau này Puma phá vỡ hiệp ước bằng cách cử một đại diện bí mật tới gặp Pele, trao cho ông 25.000 đô với yêu cầu làm một điều gì đó giúp Puma nổi tiếng toàn cầu. Ở trận tứ kết World Cup giữa Brazil và Peru, khi sắp bắt đầu, bỗng Pele tiến lại chỗ trọng tài chính và hỏi, liệu mình có thể buộc dây giày không? Lúc ấy mọi máy ảnh, máy quay đều chĩa vào chân Pele, nơi có chiếc giày với họa tiết trắng không thể nhầm lẫn của Puma.
Câu chuyện này nói lên sức hút của Pele lớn đến thế nào, nhưng cũng cho thấy, việc kiếm tiền từ các thương hiệu không dễ dàng như hiện tại. Thế nên thời thi đấu, bất chấp vị thế lẫy lừng của một ông Vua bóng đá, Pele không giàu như ông có thể. Nhiều người không khỏi tiếc cho ông. Giá như Pele chơi ở thời đại này, hẳn ông đã là một tỷ phú thể thao.
Chỉ tới sau này, lúc đã giải nghệ, Pele mới kiếm được nhiều hơn. Điều này một phần vì sự phát triển của xã hội, công nghệ và bùng nổ truyền thông. Dù không còn chơi bóng nhưng tiếng tăm cũng như sự lôi cuốn của Pele là không gì sánh nổi. Mọi người có thể không biết bóng đá, nhưng họ chắc chắn biết Pele. Ngay cả khi ông nhiều tuổi, các nhãn hàng vẫn không ngừng mời mọc ông hợp tác. Cùng với đó là những trận giao hữu, ra tự truyện, show truyền hình, phim ảnh, sách truyện, trò chơi điện tử, thậm chí cả album nhạc…
Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Pele lên đến 100 triệu đô. Tuy nhiên nó cũng vơi bớt vì các dự án kinh doanh đổ bể mà ông hoặc cậu con trai phá gia chi tử Edinho tham gia. Khả năng kinh doanh của Pele cũng giống như kỹ năng dự đoán của ông: dự đâu sai đấy, động đâu hỏng đấy.
Mặc dù vậy, khối tài sản có được vẫn rất lớn và Pele cũng không mong đợi gì hơn. Nó giúp ông có quãng thời gian cuối đời an nhàn trong ngôi nhà ở Guaruja, Brazil. Nó trị giá 4 triệu đô, có hồ bơi, bể sục, phòng tắm hơi, văn phòng, khu thể thao và bãi đậu xe lớn.
Ngoài ra ông vẫn có tiền để thực hiện công việc từ thiện. Ông là nhân tố chính trong chương trình Hành động vì Trẻ em Brazil, các hoạt động của UNICEF, Làng trẻ em SOS và Dự án Rừng nhiệt đới. Năm 2018, anh thành lập Quỹ Pele, một tổ chức từ thiện nhằm hỗ trợ trẻ em nghèo khó trên toàn cầu.
Pele luôn nói rằng ông may mắn hơn những người khác bởi Chúa đã hào phóng ban cho ông bản năng bóng đá. Nó giúp thay đổi cuộc đời ông. Và bây giờ, ông muốn hỗ trợ và truyền cảm hứng cho những người khác. Dù Pele mất đi, Quỹ Pele vẫn hoạt động, tương tự những di sản trường tồn của ông.