Nhiều doanh nghiệp chốt quyền cổ tức, thường cổ phiếu trong tuần tới (24/10 - 28/10)
BÀI LIÊN QUAN
Cadivi (CAV) dự kiến chi 114 tỷ đồng trả cổ tức đợt tớiĐiểm danh loạt doanh nghiệp sắp trả cổ tức bằng tiền mặt, cao nhất lên tới 53,4%Nhựa Bình Minh tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2022 vào tháng 12 tớiCụ thể, một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này, bao gồm:
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) mới đây đã thông báo ngày 31/10 tới sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 3/2021 với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 800 đồng. Thời gian thực hiện thanh toán vào ngày 22/11.
Như vậy, với hơn 246 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến PNJ sẽ phải chi khoảng 197 tỷ đồng để hoàn thành đợt chia cổ tức này.
Dự kiến, tổng mức cổ tức năm 2021 cho cổ đông là 20% bằng tiền mặt. Trước đó, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2021, bao gồm cổ tức 6% được trả từ ngày 7/4 và cổ tức 8% được trả từ ngày 21/7/ Theo đó, tổng mức chia cổ tức của PNJ qua 3 đợt tạm ứng là khoảng 20% bằng tiền mặt, đúng theo kế hoạch đã thông qua trước đó.
Vừa qua, CTCP SAM Holdings (mã SAM) cũng thông qua việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu. Trong đó, ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 28/10, tương đương ngày giao dịch không hưởng quyền vào 27/10 tới đây.
Được biết, SAM sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 100:40, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới. Với số lượng 365,35 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, SAM Holdings sẽ phát hành hơn 14,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Dự kiến thời gian phát hành vào quý 4 này. Sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của SAM Holdings sẽ tăng lên gần 3.800 tỷ đồng.
CTCP Hưng Thịnh Incons (mã HTN) cũng thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là vào 27/10/2022.
Với tỷ lệ thực hiện là 12%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Như vậy, với hơn 89 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HTN cần phải chi khoảng 107 tỷ đồng để có thể hoàn thành việc trả cổ tức. Dự kiến thời gian thực hiện chi trả là vào ngày 25/11/2022.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Hưng Thịnh Icons tăng 13,6%, đạt 3.246 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 162 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Hưng Thịnh Icons đặt mục tiêu doanh thu 7.458 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận sau thuế ở mức 265 tỷ đồng, tăng 10%. Theo đó, kết thúc bán niên năm 2022, công ty đã hoàn thành 43,5% mục tiêu doanh thu.
Về tiềm năng, đơn vị lên kế hoạch đạt giá trị backlog khoảng 100.000 tỷ đồng vào năm 2026, tức tăng gấp 4 lần trong 5 năm tới. Lãnh đạo HTN cho biết, kế hoạch này được tính toán và dự phòng dựa trên các dự án sẵn có của Tập đoàn và có thể triển khai thêm nhiều dự án mới. Đồng thời, đây cũng là một phần trong "chiến lược HTN 2.0" mà công ty định hình cho tầm nhìn mới, tập trung phát triển 3 trụ cột cốt lõi đó là: Thị trường, kinh doanh và quản trị. Theo đó, Hưng Thịnh Incons sẽ tập trung vào 5 mũi nhọn ưu tiên bao gồm: Hệ sinh thái, tăng trưởng, chuỗi giá trị, hạ tầng và công nghệ.
Mới đây, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) vừa công bố nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng và ngày thanh toán để thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2022 với tỷ lệ là 31%.
Theo thông báo, Nhựa Bình Minh sẽ thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 31%, tương đương sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.100 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 27/10, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/10. Công ty thực hiện việc thanh toán vào ngày 1/12/2022. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận sau thuế của công ty.
Theo đó, với hơn 81,86 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh ước tính sẽ phải chi trả khoảng 253,77 tỷ đồng để thanh toán cổ được đợt này.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đã tăng nhẹ 3,7% so với hồi đầu năm lên 2.943 tỷ đồng. Trong đó, lượng tồn kho cuối kỳ đạt 683 try đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản; đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 745 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn, chiếm 25,3% tổng tài sản. Bên cạnh đó, nợ vay ngắn hạn giảm 10% so với hồi đầu năm còn 468 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản, nợ dài hạn của công ty chỉ chiếm 0,73% tổng tài sản ghi nhận 21,5 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), biên lợi nhuận gộp năm 2022 của Nhựa Bình Minh được cải thiện nhờ vào việc tăng giá bán để bù đắp chi phí nhựa đầu vào cao. Ngoài ra, VCSC cũng cho rằng BMP có khả năng chốt tồn kho hạt nhựa nguyên liệu đầu vào với mức giá thuận lợi, điều này cũng dẫn đến biên LNG khả quan hơn so với kỳ vọng trước đó.
Trong tuần tới, một doanh nghiệp khác cũng thông báo chi trả cổ tức năm 2021 đó là CTCP Xây dựng công nghiệp (mã ICC). Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 53,4%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 5.340 đồng. Theo đó, với 3,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành và giao dịch, dự kiến Xây dựng công nghiệp sẽ phải chi khoảng 20,29 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 11/11/2022. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 24/10.
Có thể thấy, ICC là một trong những doanh nghiệp trên UPCoM duy trì mức chia cổ tức bằng tiền mặt qua các năm khá cao. Trước đó, mức cổ tức năm 2020 là 40%, năm 2019 là 47%, năm 2018 là 58% và năm 2017 là 40%.