Người mua chịu nhiều rủi ro khi giá vàng miếng SJC chênh lệch ở mức lịch sử
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư trung - dài hạn thắng đậm khi giá vàng vượt 80 triệu đồng/lượngGiá vàng tăng như vũ bão, đâu sẽ là mức ‘đỉnh’ cho năm 2024?Cổ phiếu Việt lao đao giữa lúc giá vàng, chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lụcMức chênh lệch cao chưa từng có
Trong phiên giao dịch ngày 27/12, thị trường vàng đã bớt sôi sục đôi chút sau khi tăng phi mã suốt nhiều phiên trước. Sau khi lập đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm, đến cuối phiên 27/12 lại tăng đôi chút, ở sát mốc 80 triệu đồng/lượng.
Dễ dàng thấy được, giá vàng miếng SJC đã bớt ‘nhảy múa’ hơn trước, nhưng mức chênh mua - bán vẫn đang được các đơn vị kinh doanh giữ ở mức rất cao, dao động trong khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Thậm chí, mức chênh còn lên đến 2 triệu đồng/lượng trong phiên 26/12.
Tính tại thời điểm cuối phiên 27/12, giá vàng miếng đang được SJC Hà Nội niêm yết ở mức 77,8 triệu đồng/lượng và 79,5 triệu đồng/lượng tương đương ở 2 chiều mua - bán. Giá bán ra của SJC TP.HCM ở mức cao hơn là 79,52 triệu đồng/lượng. Theo đó, mức chênh lệch mua vào - bán ra của các cửa hàng vàng SJC tại Hà Nội và TP HCM là khoảng 1,7 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, Doji cũng có mức chênh tương tự.
Hồi cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay, mức chênh giá vàng miếng SJC đang phổ biến trong khoảng 1 triệu đồng/lượng. Mức chênh hồi cuối tháng 10 là khoảng 700.000 đồng/lượng. Phần lớn thời gian còn lại trong năm, mức chênh lệch giá mua-bán vàng miếng SJC trong khoảng 600.000-800.000 đồng/lượng - cao hơn gấp đôi so với trung bình năm.
Điều đáng nói, giá vàng miếng SJC cũng chênh lức kỷ lục so với giá vàng thế giới, cao hơn khoảng 18 triệu đồng/lượng. Chiều 27/12, giá vàng thế giới đang dừng ở mức 2.067 USD/ounce, nếu quy đổi theo giá USD ngân hàng sẽ có giá 61,6 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 17,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính cùng thời điểm.
Đặc biệt, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới trong phiên 26/12 quy đổi còn lên đến hơn 18 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử nếu loại trừ những khoảnh khắc chớp nhoáng có mức chênh 20 triệu đồng/lượng.
Người mua phải đối mặt với nhiều rủi ro?
Thời điểm thị trường vàng trong nước biến động khó lường như hiện nay và không có nhiều liên thông với thế giới, người dân trong nước đang rơi vào tình trạng mua vàng miếng SJC với mức giá cao, đầy rủi ro.
Sở dĩ, mức chênh lệch giá mua vào - bán ra lên đến 1,7-2 triệu đồng/lượng là do các đơn vị kinh doanh vàng thường xuyên kéo dãn thời gian mua bán trong bối cảnh thế giới biến động mạnh nhằm giảm bớt rủi ro.
Thực tế, thị trường vàng thế giới biến động không nhiều trong những ngày qua. Cụ thể, giá vàng giao ngay chỉ quanh quẩn trong ngưỡng 2.050-2.070 USD/ounce (tương đương khoảng 61 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp buôn vàng vẫn nới rộng khoảng cách giá mua vào và bán ra. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng miếng SJC khan hiếm khiến các cửa hàng đẩy giá trong nước vượt hẳn so với giá vàng thế giới.
Trái ngược với vàng SJC, vàng nhẫn và vàng trang sức không bị ‘độc quyền’, thế nên giá cao chênh với giá vàng thế giới không nhiều. Song, những loại vàng này trong những ngày gần đây cũng liên tục tăng phi mã, thậm chí chạm đỉnh lịch sử 64 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,5-3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi. Thực tế, điều này rất khó hình dung, bởi chất lượng vàng trang sức thường được biết đến thấp hơn rất nhiều so với vàng miếng. Tuổi vàng trang sức cũng thường thấp, tùy theo thương hiệu.
Tuy nhiên, mức chênh cao lên đến 20-25% so với giá thế giới đã khiến giá vàng miếng SJC trong nước lọt top cao hàng đầu thế giới. Chưa kể, việc mua vàng còn cao hơn rất nhiều so với khi bán ra cho các cửa hàng. Do đó, những người mua vàng thương hiệu quốc gia với mục đích tích trữ hoặc những mục đích khác sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn, đồng thời phải chi nhiều tiền hơn so với nhà đầu tư của các quốc gia khác.
Một số chuyên gia dự báo, hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu trong làn sóng gia tăng của giá vàng thế giới. Trong năm 2024, giá vàng quốc tế được dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh ‘đồng bạc xanh’ suy yếu. Thậm chí, giá vàng có thể lên tới 2.400 USD/ounce, tương đương với mức quy đổi là khoảng 71,5 triệu đồng/lượng.
Trong trường hợp vàng miếng SJC trong nước vẫn thiếu hụt nguồn cung như hiện tại, chênh lệch mua vào và bán ra vẫn trong khoảng 18 triệu đồng/lượng, khi đó giá vàng miếng có thể ‘cập bến’ 90 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, mức giá này có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu những cú sốc địa chính trị bất ngờ xảy ra, không ai có thể ngờ trước được.
Mỗi khi giá vàng thế giới biến động, giá vàng trong nước sẽ càng biến động mạnh hơn. Mỗi lần thị trường vàng nhộn nhịp, tấp nập người dân mua vàng trong quá khứ là một lần các doanh nghiệp kinh doanh vàng ‘thắng đậm’. Điều đáng nói, tình trạng sốt trên thị trường vàng không còn xảy ra trong 1-2 năm gần đây, nhưng mỗi lần biến động mạnh là cơ hội ‘hốt tiền’ cho các doanh nghiệp trong ngành. Qua các năm, các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn liên tục báo cáo lợi nhuận gia tăng.