Người đàn ông sở hữu vườn kiểng quy mô khủng nhất đồng bằng Sông Cửu Long, có cây 100 năm tuổi giá trị đến hàng tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Ngất ngây trước vẻ đẹp của căn biệt thự xanh trị giá 45 tỷ đồng, lớn nhất khu đô thị nằm ở phía Tây Hà Nội: Gia chủ chỉ “xây nhà vì đam mê”Kẹt đảo Phú Quý nửa năm, mẹ đảm hô biến căn nhà cũ kỹ thành chốn mộng mơ đẹp như trong cổ tíchĐem “ao” lên sân thượng để nuôi cá, trồng hoa súng, căn nhà phố bình yên như ở chốn đồng quê thanh bìnhVới xuất thân là một kỹ sư ngành xây dựng, 10 năm trước ông Nguyễn Đăng Khoa đã đứng ra khởi nghiệp kinh doanh và sưu tầm cây kiểng. Trải qua thời gian dài tìm mua và chăm sóc, vườn cây của ông giờ đây cực kỳ nổi tiếng và được hầu hết những người trong hội yêu cây cảnh nói chung và hội thích chơi kiểng nói riêng biết tới.
Được biết, 2 trang trại của ông nằm ở 2 huyện khác nhau trong thị xã Cai Lậy. Mặc dù thời gian xây dựng và phát triển chỉ trong 10 năm nhưng tới nay ông Khoa sở hữu tới hàng nghìn cây kiểng với tuổi đời từ chục năm đến 100 năm. Trong đó phải kể đến 3.000 cây Tùng với đa dạng chủng loại quý hiếm như: Tùng Kim Cương, Vạn Niên Tùng hay Tùng Đài Loan… với giá trị lên đến hàng chục triệu.
Trang trại ở huyện tân Phước sở hữu những giống cây quý hiếm như Gỏ Đỏ, cây Quao, Trâm, Lộc Vừng... Ngoài mục đích chăm sóc để bán, ông Khoa còn xây dựng, kiến tạo nhiều tiểu cảnh đẹp mang hình dáng núi non, loạt nhà sàn bằng gỗ mộc mạc giản dị xung quanh để tạo điểm ghé thăm cho khách hàng.
Tại trang trại kiểng ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy ông Khoa tự hào khoe cây Vạn Niên Tùng với hơn 100 năm tuổi trị giá lên đến 5 tỷ đồng. Với sự phát triển của thị trường kiểng Việt Nam hiện nay và khả năng chịu chơi của nhiều người yêu kiểng, giá trị của những cây kiểng hiếm có thể lên tới hàng tỷ, thậm chí vẫn có nhiều người mong muốn được sở hữu nhưng vẫn khó lòng mua được.
“Tôi thấy khu vườn kiểng này quá rộng lớn, cây kiểng thì rất to và tươi tốt. Để có khu vườn này, tôi nghĩ người chủ đã đầu tư kinh phí, công sức rất lớn. Nói chung là tôi chưa thấy khu vườn kiểng nào độc đáo như tại đây”, chị Nguyễn Thị Bảy - một trong những quan khách sau khi ghé thăm trang trại kiểng của ông Khoa nói.
Ông Huỳnh Thanh Tuấn, một trong 30 công nhân lâu năm trong trang trại chia sẻ: “Huyện Tân Phước có vườn kiểng này là cây lâu năm, có giá trị. Cây khoảng mấy trăm triệu; mấy cây Tùng độc đẹp có giá một tỷ mấy. Dân ở từ ngoài Đắc Lắc vô tham quan rồi mua”.
Vạn Niên Tùng không còn là một cái tên xa lạ với những người chơi kiểng lâu năm. Tuổi thọ của giống tùng này có thể lên tới hàng trăm năm, thân cây rất dễ uốn nắn tạo dáng, ưu điểm này khiến Vạn Niên Tùng dễ dàng trở thành giống cây được nhiều nhà kinh doanh săn đón, chăm sóc để cho ra những sản phẩm cây cảnh chất lượng cao phục vụ nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, không phải cây Vạn Niên Tùng nào cũng có thể sống tới cả trăm năm tuổi, điều này đòi hỏi công sức chăm sóc cũng như tạo dáng của người làm vườn dày dặn kinh nghiệm. Chính bởi vì thế, không khó để hiểu lý do tại sao cây Vạn Niên Tùng tuổi đời 100 năm của ông Khoa lại khiến dân tình trầm trồ tới vậy.
Ông Khoa chia sẻ, trong nhiều năm về trước, vào một dịp may mắn ông đã mua được cây Vạn Niên Tùng này, khi đó giá trị của cây chỉ 1 tỷ đồng, là một trong những cây tùng có tuổi thọ đặc biệt khó tìm ở trong vùng. Giờ đây sau khi đã trở thành điểm sáng đặc biệt nhất trong trang trại của ông Khoa, cây tùng không chỉ nổi tiếng với người dân trong tỉnh Tiền Giang mà còn thu hút sự quan tâm của những "anh em chơi kiểng" từ khắp Bắc tới Nam.
Những người chơi kiểng lâu năm và đầy kinh nghiệm cũng đặc biệt gửi lời khen ngợi tới 2 trang trại kiểng của ông Khoa. Chơi kiểng là một thú vui tao nhã nhưng tốn kém, không những đòi hỏi người làm vườn phải bỏ công sức chăm sóc mà chi phí thu mua, sưu tầm và có nơi để nuôi dưỡng cây phát triển cũng là một vấn đề nan giải. Trong suốt 10 năm qua, ông Khoa không những đi khắp nơi để chọn mua, sưu tầm cây kiểng mà còn bỏ ra không ít vốn liếng, kinh phí cho công việc tâm huyết này.
Theo ông Khoa, giống như hầu hết các nghề khác, nghề trồng cây kiểng cũng đòi hỏi người chơi phải có đam mê, kiến thức chuyên môn nhất định, không những phải nắm vững kỹ thuật trồng cây, chăm sóc, trị bệnh cho cây mà phải có sự kiên trì gặp khó không bỏ.
Những lúc bận rộn ông Khoa sẽ để nhân viên của mình chăm sóc cho vườn kiểng, tuy nhiên mọi kế hoạch cũng như định hướng cách chăm sóc cho cây đều được chuẩn bị từ trước để đảm bảo cây được phát triển trong điều kiện tốt nhất. Mặc dù có những lúc bận rộn với công việc kinh doanh nhưng ông Khoa chưa bao giờ bỏ bê hai trang trại kiểng của mình.
Quy trình chăm sóc mỗi cây kiểng được ông chia sẻ khá đơn giản. Ban đầu cây kiểng "thô" sau khi được ông mua về sẽ đưa vào vườn để ông cùng các cộng sự nghiên cứu, sau đó đưa ra hướng chăm sóc, tạo hình tuỳ mục đích.
Nói về niềm yêu thích đặc biệt đối với cây Tùng giờ đây đã chạm mốc 3.000 cây trong trang trại, ông Khoa chia sẻ Tùng là loại cây có rất nhiều ưu điểm, ít khi bị bệnh vặt như sâu lá, dễ trồng và có khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt như hạn mặn. Ngoài ra cây tùng rất được thị trường người mua trong và ngoài nước yêu thích, là loại cây có nhiều tiềm năng kinh doanh.
“Cây Tùng là cây sức sống rất mãnh liệt. Gần như khí hậu nào cũng sống được. Thứ hai là về phòng thủy, từ xưa giờ, chơi phong thủy thì có cây Tùng cây Bách. Cây này tạo nét mỹ thuật rất đẹp từ màu da, dáng cây, màu sắc lá cây rất đẹp. Nói chung nhờ sức sống cây Tùng mãnh liệt nên vừa qua mình phát hiện tất cả các cây kiểng, cây ăn trái vùng Cai Lậy đều bị thiệt hại do hạn mặn nhưng cây Tùng ít bị ảnh hưởng nhất. Tôi nghĩ cây Tùng là cây kinh tế”, ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, hai trang trại kiểng cổ thụ của ông Khoa nở tươi tốt, vẻ đẹp thanh thoát mát mắt lại thu hút một lượng lớn khách tham quan tới thưởng ngoạn. Quan khách sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều giống cây độc lạ, mới mẻ với quy mô lớn mà còn được tận mắt thưởng thức tài nghệ thổi hồn tạo dáng của ông chủ trang trại đối với những loài cây nghệ thuật này.