Linh hoạt điều chỉnh chính sách để chủ động đón “đại bàng”
Hãng trang sức nổi tiếng thế giới Pandora dự định bỏ ra 3.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở Bình Dương.
Kế hoạch cho thấy, nhà máy Pandora Production Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương) sẽ được khởi công trong tháng này. Đó là nhà máy thứ 3 của hãng trang sức Đan Mạch và cũng là nhà máy đầu tiên được Pandora xây dựng ngoài Thái Lan. Dự kiến, nhà máy sẽ mang đến cơ hội việc làm cho 7.000 lao động khi đi vào hoạt động và sẽ có khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức được sản xuất hàng năm.
Đây là một trong những doanh nghiệp nước ngoài lớn gửi gắm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024. Theo dự báo, sẽ còn nhiều ông lớn và “chim ưng” chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Chẳng hạn như hãng công nghệ NVIDIA khi hàng loạt lãnh đạo của tập đoàn đã sang thăm Việt Nam và cam kết hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, hay mới đây Tập đoàn Alibaba thông tin trên tờ Nikkei Asia bày tỏ về kế hoạch muốn xây một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam với số tiền dự kiến đạt tới hơn 1 tỷ USD… Mới đây, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã cho thấy mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo… của Việt Nam như Lam Research, Apple…
Dẫu vậy, cũng có quan điểm bày tỏ sự quan ngại Việt Nam đang giảm sức hút đầu tư khi nhà đầu tư rầm rộ đến nhưng không chịu rót vốn. Thế nhưng, nếu chỉ nhìn một hiện tượng được dư luận chú ý trong 1 tháng gần đây, việc CEO một tập đoàn công nghệ lớn tới Việt Nam nhưng lại ngỏ ý đầu tư nhà máy sản xuất tại nước khác trong khu vực để nói rằng Việt Nam thiếu sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài thì rõ ràng là không đúng.
Thực tế cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài được cho là điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm với tổng số vốn đăng ký đạt gần 8,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn giải ngân đạt đến 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%, ghi nhận mức cao nhất của 4 tháng đầu năm trong nửa thập kỷ gần đây.
Kết quả chỉ ra rằng nhà đầu tư nước ngoài phải có lòng tin và cơ chế chính sách, những ổn định vĩ mô mới có thể tin tưởng đăng ký để đầu tư, xây dựng nhà máy, giải ngân cũng như tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Theo đánh giá về việc đến và đi của giới đầu tư nước ngoài, chuyên gia kỳ cựu GS.TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng việc có nhiều ông lớn công nghệ tới Việt Nam để khảo sát, song chưa đầu tư cũng là chuyện hết sức bình thường. Và chỉ cần 5-6/10 nhà đầu tư lớn đến và ở lại là chúng ta đã có thể thành công, nhưng lại đáng lo ngại nếu chỉ 1-2 nhà đầu tư có quyết định ở lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã tin vào môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện của Việt Nam. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam năm nay là nguồn vốn FDI. Và việc giải ngân FDI những tháng đầu năm gần 8% là một con số chưa từng thấy.
Trở lại với câu chuyện của Pandora, thương hiệu trang sức lớn của thế giới này cho biết đã xem xét kỹ lưỡng môi trường đầu tư của 27 quốc gia để đưa ra quyết định xây một nhà máy ngoài Thái Lan và rồi đã chọn Việt Nam. Đó là vì Việt Nam có lịch sử về nghề thủ công phong phú, nhân lực tay nghề lớn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, khu công nghiệp được Pandora đặt nhà máy không chỉ có cơ sở hạ tầng tốt, chính quyền cũng như Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP 3 hỗ trợ khả quan cho doanh nghiệp mà còn gần với sân bay và bến cảng để thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa.
Do đó, không cần quá lo ngại tới việc khảo sát mà không đầu tư hay “dạy nhà giàu tiêu tiền”. Bởi lẽ, họ có thể tự đánh giá và đưa ra những quyết định khôn ngoan. Điều cần làm chính là đổi mới và cải tiến hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Thế giới đang bước vào làn sóng thu hút đầu tư lần 4. Tương tự như cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, thu hút đầu tư lúc này nhấn mạnh vào “tinh”, “chất” mà không còn đặt yếu tố lượng lên đầu tiên nữa. Làn sóng này sẽ chủ yếu tập trung vào những ngành có hàm lượng giá trị chất xám cao, công nghệ hiện đại và dùng năng lượng xanh, giảm thiểu những lĩnh vực thâm dụng lao động hay khai thác tài nguyên. Ngoài ra, hiệu quả, chất lượng và gia tăng giá trị hợp tác, cùng nhau phát triển, với những lợi thế riêng của đất nước như việc đang nổi lên như điểm đến thu hút phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là các yếu tố cạnh tranh hút vốn FDI.
Do đó, thích ứng và linh hoạt để điều chỉnh chính sách cũng như cải cách môi trường đầu tư sao cho phù hợp với mong muốn của nhà đầu tư để lên những chính sách phù hợp, nâng cao sức mạnh cạnh tranh.
Ngoài ra, nhận diện được tính đặc biệt của làn sóng đầu tư lần thứ 4 là chú ý vào những ngành công nghệ cao, công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn. Theo đó, cần có chính sách thu hút chủ động hơn, tốt hơn và thậm chí là đi trước một bước về xây dựng chính sách khi bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện về thể chế, luật pháp, cũng cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua để tạo hành lang pháp lý minh bạch, đủ rộng trong thực thi. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và tập trung đối với việc đổi mới sáng tạo./.