Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 có gì mới?
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thủ đô Hà Nội
Theo đó, quy hoạch vùng thủ đô được lập trên diện tích tự nhiên 3.358,6 km2. Về ranh giới hành chính, phía bắc giáp với 2 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; phía nam và tây nam giáp với 2 tỉnh Hòa Bình, Hà Nam; phía đông giáp với 3 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang; phía tây và tây bắc giáp với 2 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ.
Theo quyết định, việc lập quy hoạch thủ đô Hà Nội 10 năm tới phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Quy hoạch thủ đô phải tận dụng tối đa lợi thế phát triển các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch thủ đô cũng phải thể hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống người dân, bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cũng theo quyết định này, sẽ có 17 nội dung được thể hiện trong quy hoạch thủ đô Hà Nội 10 năm tới. Đáng lưu ý quy hoạch phải phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thủ đô. Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn, khả năng huy động các nguồn lực cho phát triển.
Xây dựng các kịch bản, phương án phát triển kinh tế - xã hội thủ đô 10 năm tới, các đột phá phát triển, phương án phát triển các ngành quan trọng như công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Các yêu cầu kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, phương án phát triển hạ tầng đô thị, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng…
UBND TP Hà Nội căn cứ nội dung, nhiệm vụ lập quy hoạch, tiến hành lập, hoàn thiện quy hoạch thủ đô trước ngày 31-12 năm nay.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Ngày 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" với TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, ngày 7/3, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch trước ngày 31/12.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Chủ tịch TP Hà Nội nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế...
Ông Chu Ngọc Anh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ trong lập quy hoạch Thủ đô, trong đó, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm.
Cùng với đó, việc triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch được xác lập từ năm 2019, nhưng đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Nhiều ý kiến chia sẻ với khó khăn, lúng túng của thành phố trong công tác quy hoạch bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt, “trái tim” của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế cũng rất khác nhau giữa các khu vực. Tuy nhiên, đi vào từng lĩnh vực, các thành viên đoàn giám sát cho rằng công tác quy hoạch của Hà Nội còn khá bộn bề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ ra nhiều quy hoạch của thành phố chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập;14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo…
Đặc biệt, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành nhưng cũng chậm, hiện mới được Thủ tướng chấp nhận chủ trương điều chỉnh và đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
“Với tiến độ như thế, e rằng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo nhằm bảo đảm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô đúng tiến độ đã đề ra, đồng thời chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.
Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu cho rằng, thời gian tới đây, Hà Nội nên tổ chức hội thảo, bàn thảo rõ, lấy ý kiến các chuyên gia trước khi triển khai lập quy hoạch theo định hướng mà Nhiệm vụ quy hoạch đề ra. Đồng thời rà soát lại phương pháp lập quy hoạch của giai đoạn trước cũng như các đồ án quy hoạch trước đây để nhận ra những điểm cần thay đổi.