Lãi suất ngân hàng giảm, tiền tiết kiệm bắt đầu chảy vào bất động sản
Theo Thanh niên Việt, kể từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Động thái này khiến mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại giảm dần từ các tháng trước. Giữa tháng 8, NHNN tiếp tục ra văn bản 6385 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.
Mức giảm lãi suất tối thiểu phấn đấu từ 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Văn bản 6385 đã kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, trong tháng 8, lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm. Vào đầu năm nay, các ngân hàng quốc doanh áp dụng lãi suất niêm yết từ 7,5 - 8%/năm, nhưng hiện lại chỉ còn dưới 6%/năm. Khối ngân hàng tư nhân có mức lãi suất từ 8 - 11% vào đầu năm nay, nhưng hiện tại phần lớn đã giảm xuống dưới 7%/năm.
Việc các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay đã mở ra cơ hội tiếp cận dòng vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, là tiền đề cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Việc lãi suất ngân hàng liên tục giảm cũng làm thay đổi tâm lý của nhà đầu tư.
Chị Vy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tháng 2/2023, chị gửi tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 11%/năm tại một ngân hàng tư nhân. Số tiền này vừa đáo hạn vào 12/8, hiện tại vẫn để trong tài khoản, chưa xác định gửi tiếp. Lãi suất ngân hàng ở thời điểm này chỉ hơn 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 1 năm. Vì vậy, chị Vi đang cân nhắc trở lại thị trường BĐS.
Anh Nguyễn Văn Duy - Môi giới đất nền Hà Nội cho biết, làn sóng nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi tìm kiếm BĐS bắt đầu tăng nhẹ từ 2 tháng trước, khi lãi suất ngân hàng liên tục giảm. Nhưng phải tới tháng 8 này, lượng người hỏi mua BĐS mới tăng mạnh.
Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm sâu, xuống còn khoảng 6 - 7%/năm. Bên cạnh đó, thị trường BĐS đang có các tín hiệu phục hồi rõ nét, củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư.
“Tôi vừa nhận cọc cho một căn liền kề tại Hà Đông từ một nhà đầu tư. Nhà đầu tư cam kết trong hợp đồng cọc là sang giữa tháng 9, tức qua tháng Ngâu và vừa đáo hạn sổ tiết kiệm sẽ rút để thanh toán đủ cho chủ nhà” - Anh Duy chia sẻ.
Về thực tế này, chị Hoa - Nhân viên kinh doanh của một sàn giao dịch tại Hà Nội cho biết, lượng khách tìm mua BĐS tiếp tục tăng khi lãi suất ngân hàng giảm. Không ít khách hàng của chị Hoa đã sẵn sàng rút tiền từ ngân hàng để đổ vào BĐS trong giai đoạn này.
Họ đều là những nhà đầu tư dài hạn, xác định được tiềm năng tăng trưởng lâu dài của BĐS. Tuy nhiên, theo chị Hoa, chỉ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực mới ghi nhận mối quan tâm và lượng giao dịch tăng trong giai đoạn này. Còn các sản phẩm mang tính đầu cơ thì thanh khoản vẫn kém.