HOREA kiến nghị: “Nên quản không nên cấm” đối với chung cư mini
Tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp chính
Trong thời gian qua, loại hình chung cư mini đã phát triển rầm rộ, mở rộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở 2 đô thị lớn hàng đầu là Hà Nội và TPHCM. Đây được coi là một “phân khúc” bù đắp tốt nhất cho những “khuyết tật” đang tồn tại của thị trường bất động sản trong thời gian qua, khi mà giá nhà đất đang quá cao, gấp nhiều lần thu nhập bình quân hàng năm của người lao động và lệch pha cung cầu ngày càng lớn.
Đặc biệt, chung cư mini càng trở thành chủ đề hot sau vụ hỏa hoạn đáng tiếc tại Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Sau phản ứng gay gắt của dư luận và một số chỉ đạo nóng về việc khắc phục hậu quả tai nạn, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc loại hình chung cư mini có thể sẽ bị “phong sát” theo kiểu “không quản được thì cấm”.
Thế nhưng theo thực tế, những động thái gần đây từ những cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho thấy, chung cư mini trong thời gian tới sẽ được quản lý một cách chặt chẽ hơn.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 rằng, Bộ này trong thời gian tới sẽ tập trung yêu cầu triển khai 4 nhóm giải pháp chính liên quan đến những tồn tại về vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các chung cư mini.
Giải pháp thứ nhất, các địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra và rà soát, chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm những vấn đề đã xảy ra sai phạm về việc đầu tư xây dựng và hoạt động của những loại hình này.
Thứ hai, các địa phương cần đôn đốc cũng như chỉ đạo các chủ nhà cần nhanh chóng có những giải pháp đầu tư, cải tạo khu vực để xe; đặc biệt là những khu vực dễ phát sinh hỏa hoạn. Ngoài ra, các chủ nhà cần bố trí lối thoát thuận lợi nhất cho các cư dân sinh sống trong chung cư mini, cải tạo thêm các cầu thang, lối thoát hiểm sao cho an toàn và phù hợp.
Thứ ba, Bộ Xây dựng sẽ tập trung chỉ đạo và đầu tư các trang thiết bị để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong các tòa nhà, đảm bảo không xảy ra cháy chập và cung cấp đủ công suất. Tiến hành mua sắm thêm các công cụ phòng cháy chữa cháy, mặt nạ phòng độc để đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra hỏa hoạn.
Thứ tư, các đơn vị chức năng và địa phương cần tăng cường tập huấn cho các hộ dân sinh sống trong các tòa chung cư mini, để người dân có thể ứng phó kịp thời nếu chẳng may xảy ra cháy nổ.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, liên quan đến việc quản lý và vận hành các chung cư mini, các đơn vị chức năng và địa phương cần quan tâm về việc bố trí người bảo vệ có kiến thức, kỹ năng và sức khỏe, có kinh nghiệm để xử lý cháy nổi; ngoài ra có cả nội quy để hướng dẫn người dân biết cách quản lý, vận hành một cách thống nhất khi sống trong chung cư.
HOREA: “Nên quản không nên cấm” đối với chung cư mini
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HOREA) cũng từng bình luận về loại hình chung cư mini. Chia sẻ với Nhịp Sống Thị Trường, ông Châu cho rằng với loại hình chung cư này thì “nên quản, không nên cấm”.
Để lý giải cho kiến nghị trên, ông Lê Hoàng Châu nhận định, chung cư mini là một loại hình nhà ở rất quan trọng và cần thiết với xã hội hiện nay và nhiều thập niên tới. Nguyên nhân bởi, chung cư mini có giá cho thuê và giá bán vừa với túi tiền và phù hợp với nhiều đối tượng trong xã hội. Đây là loại hình nhà ở “lý tưởng” với những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, ngoài ra còn có lao động, học sinh sinh viên, người độc thân, người trẻ mới kết hôn hoặc người tỉnh lẻ…
Chủ tịch HOREA cũng dẫn số liệu từ một số cơ quan chức năng và cho biết, hiện nay trên cả nước có tổng cộng hơn 10.000 chung cư mini. Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng thành phố đã có đến 2.000 chung cư mini.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) ngày 19/09/2023 cho biết, thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn TPHCM đang có tổng cộng 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê đang thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong số đó, có 4.490 cơ sở được quản lý bởi Công an, trong đó có 103 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ và 37.766 cơ sở do Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu bổ sung, Sở Xây dựng TPHCM vào năm 2018 đã thống kê, trên toàn Thành phố có khoảng 60.470 khu nhà trọ hay nhà ngăn phòng cho thuê, tổng số khoảng 560.219 phòng trọ, trong đó có 38.800 khu nhà trọ (tập trung) cùng 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ.
Thực tế cho thấy, trên phạm vi cả nước có đến hàng nghìn căn chung cư mini với hàng chục nghìn người đang sinh sống. Đồng thời, nhu cầu thuê và mua căn hộ chung cư mini trong xã hội cũng rất lớn. Vì thế, việc quản lý loại hình này cũng phải tỉnh táo, sáng suốt, lựa chọn giải pháp phù hợp. Theo ông Châu: “Tốt nhất là nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini, tương tự như các nước trên thế giới, nhưng phải quản lý thật chặt chẽ loại nhà này để bảo đảm an toàn PCCC và phát triển lành mạnh”.